Như VnEconomy đưa tin, Silicon Valley Bank (SVB) vừa gây chấn động toàn cầu khi trở thành ngân hàng lớn nhất phải đóng cửa kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Chỉ số Dow Jones có phiên giảm thứ tư liên tiếp, mất 345,22 điểm, tương đương giảm 1,07%, chốt ở 31.909,64 điểm. Chỉ số S&P 500 sụt 1,45%, còn 3.861,59 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 1,76%, còn 11.138,89 điểm. Cổ phiếu các ngân hàng khu vực khác giảm chóng mặt sau khi Silicon Valley Bank “sập tiệm”, khiến quỹ SPDR S&P Regional Banking ETF giảm gầm 4,4%. Cả tuần, cổ phiếu Silicon Valley Bank giảm khoảng 16%.
Sự sụp đổ của SVB cũng đã dấy lên lo ngại sẽ trở thành hiệu ứng domino gây ra làn sóng bán tháo cổ phiếu ngân hàng toàn cầu, trong đó có thị trường chứng khoán Việt Nam.
Giảm vì SVB là cơ hội để mua?
Trao đổi nhanh với VnEconomy, ông Vicente Nguyen, CIO AFC Vietnam Fund (quỹ đầu tư quy mô hơn 70 triệu USD) khẳng định, sự sụp đổ này mang tính nội bộ của SVB hơn là một rủi ro mang tính hệ thống. Nếu đã không phải rủi ro mang tính hệ thống thì khả năng lây lan sẽ hạn chế và sớm được ngăn chặn. Và nếu đúng như thế thì tác động đến Việt Nam cũng không đáng kể.
SVB là ngân hàng thương mại. Vấn đề nằm ở quản trị rủi ro cẩu thả của riêng SVB, khi khách hàng đem tiền gửi vào ngân hàng thông thường một ngân hàng sẽ quản trị rủi ro bằng cách phân bổ vào nhiều kênh khác nhau trong đó cho vay, gửi ngân hàng và một phần đầu tư cổ phiếu trái phiếu mà thường ít khi mua cổ phiếu, trái phiếu. Trong khi đó, SVB ngược lại, lấy vốn ngắn hạn đầu tư dài hạn nên xảy ra thua lỗ và mất thanh khoản khi hàng loạt khách hàng đi rút tiền ồ ạt.
Sự tăng trưởng thần tốc của SVB cũng khiến ngân hàng gặp khó trong việc quản lý dòng tiền. Ngân hàng này làm ăn mật thiết với giới start up, trong khoảng thời gian đó họ huy động lượng lớn khủng khiếp, dẫn tới lượng tiền công ty công nghệ gửi vô tăng cao 2-3 lần, tiền tăng nhanh có thể không xử lý hết nên đã đem đầu tư trái phiếu Chính phủ Mỹ, mặc dù khoản đầu tư này được xem là an toàn hơn nhưng vẫn bị lỗ khi lãi suất tăng cao.
"Sự kiện này không liên quan tới thị trường chứng khoán Việt Nam, sẽ không có đợt bán tháo nào vì Ngân hàng SVB nhỏ xíu, chiếm chưa tới 1% tổng tài sản lẫn huy động cho vay", ông Vicente Nguyen nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo CIO AFC Vietnam Fund, có thể sẽ xuất hiện một nhịp chỉnh trong ngắn hạn song, đối với AFC nhịp chỉnh này là cơ hội mua, đối với nhà đầu tư cá nhân dài hạn cũng vậy.
"Nếu thứ hai mà thị trường rớt mạnh thì chúng tôi sẽ mua, thậm chí là all in. Mình phải tranh thủ cơ hội, trong phiên giao dịch bình thường thanh khoản thấp muốn tích lũy cổ phiếu phải mua giá cao và lượng mua thấp, trong khi với những phiên chỉnh mạnh được mua giá rẻ với một lượng lớn là may mắn. Nhà đầu tư thường hưng phấn hoặc bi quan thái quá, và đó là chỗ để nhà đầu tư thông thái kiếm tiền", vị chuyên gia này nhấn mạnh.
Nhưng vẫn nên thận trọng
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Khối khách hàng Cá nhân Công ty Chứng khoán Yuanta nói với VnEconomy rằng sẽ không có một cuộc khủng hoảng nào từ SVB.
Tuy nhiên, trong một vài phiên đầu tuần sẽ bị ảnh hưởng bởi tâm lý nhà đầu tư đang sợ xảy ra khủng hoảng như năm 2008. Thị trường trong đầu tuần có thể sẽ nhúng xuống nhưng không quá mạnh và tâm lý nhanh chóng lấy lại được tích cực.
Điểm sáng là dòng tiền đang có xu hướng khỏe và tăng lên, sự phân hóa có xảy ra nên không có kịch bản quá xấu để thị trường cắm sâu. Tin xấu cũng đã ra rồi, các cơ quan chính phủ Hoa Kỳ đã trấn an, hệ thống ngân hàng Mỹ đang khá tốt.
Vấn đề là một số ngân hàng khác đang trong tình trạng bị rút tiền như vậy, tâm lý lo sợ đổ vỡ domino tuy nhiên đó là lý do Fed sẽ hơi chững lại về hành động của mình trong thời gian tới. Cách đây mấy hôm Fed rất cứng rắn tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, có khả năng cao Fed sẽ hoảng, hành động để cứu và sẽ không xảy ra domino. Nên nhớ rằng, các ngân hàng lớn vẫn đang thừa thanh khoản, đang rất ổn nên trong trường hợp bank run lại là cơ hội đi mua cổ phiếu giá rẻ.
"Nhà đầu tư có tỷ trọng tiền mặt cao tận dụng nhịp chỉnh có thể mua thăm dò tỷ trọng thấp vì dò ở vùng đáy không nên mua lượng lớn, không dùng margin, chủ yếu để thăm dò xu hướng thị trường. Trong kịch bản tích cực, thị trường giảm đầu tuần và cuối tuần sẽ hồi lại", ông Minh khuyến nghị.
Ở góc độ nhà đầu tư cá nhân, ông Lương Khoa, một nhà đầu tư kỳ cựu trên thị trường cho rằng, SVB đóng cửa sẽ không ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán Việt Nam và các NHTM đang hoạt động, kinh doanh ở Việt Nam.
Vì quy mô của SVB quá nhỏ, và cũng không hề có bất cứ quan hệ kinh doanh đầu tư nào của SVB với các Ngân hàng ở Việt Nam và các quỹ đầu tư khác đang tiến hành đầu tư ở Việt Nam, nó có ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán Việt Nam, cổ ngân hàng thì cũng chỉ ảnh hưởng tâm lý đám đông, lo sợ họ bán tháo thì sẽ khiến cổ phiếu Ngân hàng nói riêng và thị trường chứng khoán nói chung sẽ bị giảm trong ngắn hạn. Chứ gây ra sụp đổ theo kiểu hiệu ứng domino đối với các Ngân hàng đang hoạt động, kinh doanh tại Việt Nam là không.
"Tất nhiên, 2 phiên đầu tuần thị trường cũng sẽ giảm kha khá, cổ ngân hàng cũng giảm nhưng sẽ không lâu và rất nhanh phục hồi trở lại", nhà đầu tư này nói.
Dẫu vậy, một cách thận trọng hơn, ông Phong Trần, chuyên gia tư vấn tài chính độc lập cho rằng, nhà đầu tư vẫn nên thận trọng, quan sát kỹ trước khi quyết định xuống tiền giai đoạn này bởi thực tế rất khó để lường trước những thông tin mang tính rủi ro cao. "Một đốm lửa nhỏ có thể lan ra cả khu rừng", vị này nhấn mạnh.