Chia sẻ với Zing, ông Hideki Furuya, giáo sư tại Đại học Toyo của Nhật Bản nghiên cứu về hành vi của khách du lịch, cho biết sau đại dịch Covid-19, mọi người nhận thấy rằng cần được tự do làm những điều mình yêu thích, bao gồm du lịch nước ngoài.
Giáo sư Hideki Furuya, Khoa Du lịch Quốc tế, Đại học Toyo, Nhật Bản. Ông có nhiều bài nghiên cứu về hành vi tiêu dùng của khách du lịch tại Nhật Bản và một số quốc gia châu Á. Ảnh: Toyo University.
“Khi đại dịch dần lắng xuống, mọi người sẽ có cơ hội để thực hiện những mong muốn bị kìm nén bấy lâu nay. Một trong số đó là đi du lịch nước ngoài, nơi họ có thể làm mới bản thân và trải nghiệm các nền văn hóa khác, điều vốn bị ngăn cản bởi nguy cơ rủi ro của các bệnh truyền nhiễm, hạn chế xuất nhập cảnh và điều kiện kinh tế thời Covid-19”, giáo sư Furuya giải thích.
Theo SCMP, sau đại dịch, ngành du lịch mở cửa trở lại, người dân bắt đầu đổ xô đi chơi, tiêu xài số tiền tích cóp được trong thời gian đại dịch với tâm lý “du lịch trả thù”. Đó là cách để họ giải tỏa sự dồn nén và bù đắp lại thời gian đã mất.
Tuy nhiên, Covid-19 cũng khiến nhiều người ngần ngại hơn khi đưa ra quyết định du lịch nước ngoài. East Asia Forum nhận định ngành du lịch nhiều nước châu Á sẽ cần ít nhất một năm để phục hồi về mức trước đại dịch.
Điểm sáng duy nhất
Theo đánh giá của Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới (WTTC) năm 2022, du lịch tại châu Á - Thái Bình Dương có thể sẽ là ngành duy nhất trên thế giới phục hồi vào năm 2023, tạo thêm khoảng 90 triệu việc làm mới cho khu vực.
Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, doanh thu du lịch năm 2020 của khu vực châu Á - Thái Bình Dương giảm mạnh hơn 59% so với các khu vực khác. Các nỗ lực phục hồi ngành du lịch trong khu vực năm 2021 gần như “không có tác dụng” khi hầu hết quốc gia tại đây vẫn duy trì các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt.
Năm 2023 được dự đoán là năm phục hồi đối với ngành du lịch châu Á khi Trung Quốc, một trong những thị trường du lịch nước ngoài lớn nhất thế giới trước Covid-19, thông báo sẽ mở cửa biên giới. Điều này làm nhiều nước dấy lên hy vọng sớm đón khách Trung Quốc trở lại.
Ngày 26/12/2022, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc đưa ra thông báo mở cửa biên giới từ 8/1/2023, khách quốc tế đến Trung Quốc không còn phải cách ly - chính thức chấm dứt chính sách phòng chống dịch nghiêm ngặt sau 3 năm. Bên cạnh đó, công dân Trung Quốc được phép đi lại và không cần cung cấp thông tin về thời gian, hành trình, theo Reuters.
Chỉ trong vòng 30 phút sau khi thông tin được đưa ra, lượng tìm kiếm về du lịch nước ngoài đã tăng vọt. Đây là mức tăng cao nhất trong 3 năm qua, theo đại lý du lịch trực tuyến quốc tế Trip.com Group.
Tuy nhiên, các quốc gia đang mong chờ sự trở lại của khách du lịch Trung Quốc “sẽ phải chờ đợi thêm” khi người Trung Quốc chưa có kế hoạch đi du lịch ngay sau khi mở cửa, ít nhất là tới cuối mùa xuân, theo Reuters.
Giải thích về việc này, ông Furuya cho rằng khi Covid-19 vẫn lây lan ở một số khu vực ở châu Á, nhu cầu du lịch vẫn chưa hồi phục hoàn toàn do hạn chế trong việc triển khai tiêm vaccine và hạn chế đi lại. Những yếu tố này có thể là nguyên nhân tại sao tỷ lệ du lịch nước ngoài tại châu Á hiện còn ở mức thấp.
Theo ông Liu Simin thuộc Hiệp hội Nghiên cứu Tương lai Trung Quốc có trụ sở tại Bắc Kinh, phải tới 2024, du lịch quốc tế mới phục hồi lại như trước đại dịch. Liu chỉ ra rằng nhiều người vẫn lo ngại việc đi du lịch sẽ tạo ra làn sóng lây nhiễm mới.
Ngành du lịch vẫn cần chờ đợi
Tại các quốc gia dỡ bỏ hạn chế Covid-19 sớm, số lượng du khách vẫn thấp so với trước.
Thái Lan bắt đầu mở cửa vào tháng 11/2021, đặt mục tiêu thu hút 15 triệu du khách vào năm 2022. Tuy nhiên, chính phủ Thái Lan đã phải điều chỉnh mục tiêu xuống 10 triệu, mức thấp so với gần 40 triệu lượt du khách vào năm 2019, theo Guardian.
Ông Furuya nhận định rằng nguyên nhân bắt nguồn từ việc Covid-19 đã tác động lớn đến nhận thức người dân. Những lo ngại về dịch bệnh khiến khách du lịch có xu hướng chọn những chuyến đơn giản, linh hoạt và gần nhà.
“Thậm chí, 35% người Nhật trưởng thành cho biết sẽ không bao giờ đi du lịch nữa. Đây là tỷ lệ cao nhất trong số các quốc gia được điều tra”, vị chuyên gia chia sẻ với Zing.
Người dân Trung Quốc và Hàn Quốc cũng có xu hướng không quan tâm đến các chuyến du lịch hậu Covid-19. Những khách du lịch trẻ tuổi ưa chuộng những chuyến đi độc lập và cho phép linh hoạt kế hoạch.
Giáo sư Furuya cho biết người dân Nhật Bản cũng có suy nghĩ tương tự. Con số 35% bắt nguồn từ việc nhiều người sợ rủi ro và không muốn mạo hiểm sức khỏe.
Ngoài ra, ông khẳng định lượng khách du lịch tại châu Á chưa phục hồi về mức trước đại dịch là do vấn đề kinh tế suy thoái, tỷ giá hối đoái không ổn định và quy định giấy tờ phức tạp ở nhiều quốc gia.
Một số quốc gia thông báo du khách Trung Quốc sẽ phải xuất trình xét nghiệm Covid-19 âm tính khi nhập cảnh. Yêu cầu được đưa ra sau khi Trung Quốc nới lỏng các quy định kiểm soát đại dịch, theo Reuters.
Trong một nghiên cứu về người tiêu dùng được công bố trong tháng 12/2022, công ty Oliver Wyman nhận thấy hơn nửa người dân Trung Quốc sẽ đợi vài tháng đến một năm trước khi lên kế hoạch du lịch quốc tế. Đại dịch khiến nhiều người mất việc làm hoặc bị giảm lương.
Phát triển du lịch bền vững
Theo một nghiên cứu của East Asia Forum, đang có sự gia tăng đáng kể lựa chọn du lịch sinh thái và du lịch dựa trên sức khỏe. Kể từ khi đại dịch xảy ra, nhận thức về sức khỏe thể chất và tinh thần đã tăng lên. Những địa điểm “du lịch quá mức” và không an toàn dần mất chỗ đứng trong lựa chọn của du khách.
“Tình hình du lịch đã thay đổi đáng kể sau khi Covid-19 xuất hiện. Biến đổi khí hậu và phát triển bền vững cũng là những vấn đề lớn đối với ngành du lịch”, ông Furuya chia sẻ.
“Khách du lịch có xu hướng quan tâm đến giá trị và chất lượng hơn so với trước kia. Vì vậy, chúng ta cần phải thay đổi nội dung truyền tải tới du khách. Chúng ta phải cho họ biết điểm đến có yếu tố gì thu hút và họ có thể nhận được giá trị tốt đẹp gì”, ông nói thêm.
Các điểm du lịch cần đa dạng hóa du khách và phát huy khả năng phục hồi. Đại dịch vô tình tạo cơ hội giúp các điểm đến lấy lại cân bằng, nâng cao chất lượng và tránh tình trạng du lịch quá mức, ảnh hưởng tiêu cực đến trải nghiệm của du khách.
Việc tiêu chuẩn hóa các biện pháp y tế và phòng ngừa sức khỏe tại sân bay, cơ sở lưu trú, nhà hàng và các điểm tham quan sẽ mang lại lợi ích cho các bên liên quan trong ngành du lịch.
“Ngành du lịch cần phải giải quyết những vấn đề lớn trước khi nghĩ đến việc phục hồi”, ông Furuya khẳng định.