Thị trường gặp khó
Thị trường địa ốc đang bước vào giai đoạn trầm lắng với tín hiệu rõ nét về sự sụt giảm lượng giao dịch. “Khó khăn” là nhận định chung của các doanh nghiệp địa ốc, nhà đầu tư.
Một thống kê của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM ghi nhận, các công ty mới thành lập hoặc lập được vài năm nhưng bán hàng không được đã rục rịch giải thể hoặc nguy cơ giải thể rất cao. Đơn vị này dẫn số liệu từ báo cáo của UBND TP HCM, 6 tháng đầu năm 2022, có 1.935 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể . Trong đó, kinh doanh bất động sản có 142 doanh nghiệp, chiếm 7,36%.
Còn theo Hội Môi giới BĐS Việt Nam, trong phạm vi một phân khúc đã có khoảng 10.000 nhân viên môi giới phải nghỉ việc, hoặc chuyển sang công việc khác để kiếm sống. Nhiều môi giới còn chia sẻ, vài tháng qua, thị trường hầu như không có giao dịch thực nên họ phải chịu lỗ với các khoản chi phí quảng cáo đã đổ ra. Tình trạng người bỏ nghề và các đội nhóm tan rã ngày càng gia tăng.
Báo cáo mới đây của Bộ Xây dựng, do khó khăn chồng chất nên nhiều doanh nghiệp bất động sản đang thu hẹp quy mô đầu tư, giảm lương, giảm số lượng lao động, dẫn đến nguồn cung bất động sản giảm, cơ cấu sản phẩm còn bất hợp lý là thừa nhà cao cấp, thiếu nhà bình dân dẫn đến đại đa số người dân có nhu cầu chưa thể tiếp cận nhà ở.
Giới chuyên gia nhìn nhận, sự khó khăn của thị trường địa ốc đến từ nguồn vốn tín dụng đang thắt chặt. Cộng hưởng cùng chính sách điều chỉnh của Nhà nước khiến doanh nghiệp rơi vào tình trạng khó chồng khó. Lo ngại về kịch bản lặp lại năm 2011-2013, một số chuyên gia cho rằng, cần có giải pháp giải cứu thị trường bất động sản. Bởi đây là ngành có liên hệ mật thiết với nhiều ngành bất động sản khác.
Giải cứu bất động sản?
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, thị trường bất động sản hiện tại không “đóng băng” mà chỉ trầm lắng. Vị chuyên gia này cho rằng, sự trầm lắng đến một phần từ khoảng thời gian quá nóng của bất động sản. Bên cạnh đó, một số vụ liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp bất động sản tác động đến niềm tin của nhà đầu tư. Bất ổn từ thị trường tài chính lan đến bất động sản khiến kênh đầu tư này gặp khó.
Tuy nhiên, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, Nhà nước đang lập lại sự ổn định, minh bạch cho thị trường bất động sản bằng chính sách điều hành.
Đồng quan điểm, TS. Đinh Thế Hiển cũng nhấn mạnh, Nhà nước đang từng bước “cứu” thị trường bất động sản thông qua việc ổn định chính sách tiền tệ, tránh việc đầu cơ, kẹt vào trái phiếu bất động sản. Những biện pháp của nhà nước trong năm 2022 về Tài chính - Ngân hàng đối với ngành bất động sản đang giúp thị trường trở lại sự lành mạnh cần có.
Vị này nhấn mạnh: "Đây chính là việc Nhà nước đang giải cứu bất động sản, nhưng ngược lại, với những người đang mua bất động sản và chờ tăng giá thì lại cho rằng những chính sách đó khiến bất động sản khó khăn. Tôi cho rằng biện pháp mà Nhà nước đang tiến hành chính là giải quyết hệ quả chứ không phải là nguyên nhân dẫn đến thị trường bất động sản sụp đổ”.
Ông Hiển nói thêm, một số doanh nghiệp bất động sản cho rằng khó khăn của thị trường do những tác động từ chính sách Nhà nước thay đổi chính sách đột ngột "siết tín dụng". Tuy nhiên, năm nay tín dụng vẫn tăng 14%, vốn của hệ thống ngân hàng thương mại vẫn rót mạnh vào doanh nghiệp bất động sản trong năm nay.
Nhìn thẳn thắn vào thị trường, TS. Đinh Thế Hiển cho rằng, giá bất động sản đã “tăng nóng” tràn lan, không chỉ ở các thành phố lớn mà lan ra diện rộng. Ở vùng đất nông thôn, đến đất nông nghiệp cũng tăng giá. Ông Hiển nhận định, vốn đổ vào bất động sản quá nhiều và sự tăng giá bất tương xứng hiện nay đã vượt mức. Đây là lý do cứu trợ cho bất động sản nhưng hướng tới nhóm người mua nhà để ở thực. Họ là nhóm cần được trợ lực tài chính khi mua nhà.