Trong một chia sẻ mới đây với CNBC, ông Bill George, nhà nghiên cứu cấp cao tại trường Kinh doanh Harvard, cho rằng kỹ năng lãnh đạo yếu kếm của Mark Zuckerberg đang dần đẩy Meta (công ty mẹ của Facebook, Instagram…) đến chỗ thất bại.
“Những thiếu sót của Zuckerberg với tư cách là tổng giám đốc (CEO) của Meta đang tiếp tục khiến gã khổng lồ trước đây có tên là Facebook đi chệch hướng”, ông George, từng là CEO của công ty công nghệ y tế Medtronic, nhận xét. “Tôi cho rằng Facebook sẽ không hoạt động tốt chừng nào Zuckerberg còn ở đó. Anh ta có lẽ là một trong những lý do khiến nhiều người quay lưng lại với công ty. Anh ta đang thực sự lạc lối”.
Ông George đã dành 20 năm qua để nghiên cứu về những thất bại trong công tác lãnh đạo tại doanh nghiệp. Theo ông, những nhà lãnh đạo mất đi niềm tin, giá trị và mục đích lãnh đạo sâu sắc nhất của mình - đặc biệt là do tiền bạc, danh vọng hay quyền lực - chắc chắn sẽ thất bại.
Sau nhiều thập kỷ nghiên cứu sự sụp đổ của các công ty nổi tiếng, ông nhận thấy có nhiều điểm tương đồng với Zuckerberg và Meta hiện nay.
Zuckerberg đứng sau sự tăng trưởng vượt bậc của Meta tới thời điểm này khi biến công ty do ông đồng sáng lập vào năm 2004 trở thành một gã công nghệ khổng lồ với vốn hóa thị trường hơn 450 tỷ USD. Trong quá trình này, Zuckerberg đã giúp tạo ra cả ngành công nghiệp truyền thông xã hội hiện đại và hiện đang cố gắng làm điều tương tự khi định vị lại công ty theo hướng theo đuổi vũ trụ ảo metaverse.
Tuy nhiên, ông George cho rằng Meta đang tiến tới bờ vực thất bại chừng nào Zuckerberg còn ngồi ở vị trí điều hành.
Luôn đổ lỗi cho người khác
Trong một cuộc sách về lãnh đạo doanh nghiệp mới xuất bản của mình, ông George chỉ ra 5 loại sếp tồi khác nhau, trong đó Zuckerberg rơi vào 3/5 loại.
“Đầu tiên, Zuckerberg là kiểu người luôn cố hợp lý hóa mọi thứ – một loại sếp không muốn thừa nhận hoặc rút ra bài học từ sai lầm của mình. Họ tìm cách hợp lý hóa sai lầm của mình bằng cách đổ lỗi cho người khác”, ông George nói.
Dẫn chứng về việc này, ông cho biết hồi tháng 2, Meta mất hơn 232 tỷ USD vốn hóa – cú giảm trong một phiên lớn nhất trong lịch sử doanh nghiệp niêm yết Mỹ. Zuckerberg và các giám đốc của Meta đã đổ lỗi việc này cho một vài yếu tố, bao gồm sự thay đổi về chính sách quyền riêng tư của Apple trong năm 2021 khiến Meta khó đặt quảng cáo mục tiêu với người dùng điện thoại, cũng như sự cạnh tranh tăng lên từ các đối thủ như TikTok.
Theo ông George, các nhân tố này có thể góp phần nào đó nhưng sự việc cũng có thể xảy ra do Meta đầu tư quá mạnh vào nghiên cứu và phát triển vũ trụ ảo metaverse. Chỉ riêng năm 2021, bộ phận thực tế ảo của Meta báo lỗ hơn 10 tỷ USD và thêm 2,8 tỷ USD trong quý 2 năm nay.
“Ít nhất trước công chúng, Zuckerberg đã không thừa nhận hoặc nhận trách nhiệm cho việc này, dù vị CEO này có nói trong đại hội cổ đông hồi tháng 5 rằng ông dự báo công ty sẽ tiếp tục lỗ lớn trong 3-5 năm tới”, chuyên gia Harvard phân tích.
Không chấp nhận lời khuyên
Theo George, Zuckerberg đã trở thành một người cô độc, luôn tránh hình thành các mối quan hệ thân thiết và đẩy người khác ra xa.
“Những người sếp như vậy thường không nhận sự giúp đỡ, lời khuyên hoặc phản hồi, và điều này khiến họ dễ mắc sai lầm”, ông nói.
Ở một mức độ nào đó, Zuckerberg nổi tiếng là người tin tưởng vào chính bản thân mình và đây là một phần trong cách ông xây dựng Meta trở thành một gã khổng lồ công nghệ trị giá trăm tỷ USD. Tuy nhiên, trong những ngày đầu, Zuckerberg từng nhận được và làm theo lời khuyên từ một số cố vấn đáng tin cậy.
Một ví dụ là lời khuyên từ Roger McNamee, đồng sáng lập quỹ đầu tư cổ phần Elevation Partners và cũng là một nhà đầu tư sớm của Facebook. Năm 2006, McNamee khuyên Zuckerberg từ chối đề nghị mua lại Facebook với giá 1 tỷ USD. Chính người này sau đó cũng khuyến khích Zuckerberg thuê bà Sheryl Sandberg làm giám đốc hoạt động – người sau này đóng vai trf quan trọng trong việc xây dựng bộ phận quảng cáo vào hoạt động nội bộ của Faebook.
Theo McNamee, trong cả hai lần này, Zuckerberg đều nghe theo lời khuyên của ông và cả hai quyết định đều mang lại thành công, Tuy nhiên, về sau này, khi Meta phát triển hơn, Zuckerberg đã ngừng lắng nghe lời khuyên – ông McNamee nói với tờ New Yorker vào năm 2019.
Điều này được cho là đã gây ra ít nhất một hậu quả lớn. Năm 2016. McNamee đã cố gắng cảnh báo Zuckerberg về tác động của việc Nga can thiệp bầu cử ở Mỹ trên nền tảng của Facebook nhưng bị vị CEO phớt lờ trong nhiều tháng.
Các cơ quan tình báo Mỹ sau đó kết luận rằng Facebook là nền tảng quan trọng cho nỗ lực can thiệp của Moscow, góp phần tác động tới cuộc bầu cử tổng thống mà ông Donald Trump đắc cử.
Luôn tìm kiếm hào quang
Đặc điểm thứ ba của một sếp tồi mà Zuckerberg có là ông luôn tìm kiếm hào quang với việc luôn đặt danh tiếng và tài sản lên trên hết - chuyên gia George nhận xét.
“Kiểu sếp này không bao giờ thực sự thỏa mãn với những gì mình có và sẵn sàng hành động cực đoan để giành được thêm nữa”, ông nói.
Theo ông George, Zuckerberg ưu tiên lợi nhuận và tăng trưởng của Meta, kể cả khi việc này khiến hàng tỷ người dùng mạng xã hội của công ty phải trả giá. Meta từ lâu đã vướng vào tranh cãi về các vấn đề liên quan đến quyền riêng tư và sức khỏe của người dùng.
Theo một cuộc điều tra của tờ Wall Street Journal vào năm ngoái, nền tảng Instagram của Meta đang góp phần gây ra các vấn đề về sức khỏe tâm thần của người dùng, đặc biệt là các bé gái. Cuộc điều tra cũng phát hiện rằng ban lãnh đạo của Meta đã chủ động chọn cách làm ngơ vấn đề này để tránh ảnh hưởng tới sự tương tác và tăng trưởng người dùng.
“Điều này cho thấy khát khao ưu tiên doanh thu hơn mọi thứ của Zuckerberg”, ông George nhận xét.