Trong vòng một tháng qua, giá xăng dầu đã giảm liên tiếp nhiều lần, từ mức cao kỷ lục gần 33.000 đồng/lít xuống còn quanh mốc 25.000 đồng/lít. Tuy nhiên, hy vọng về việc “hạ nhiệt” của giá các mặt hàng khi giá xăng giảm của người dân đã không thành hiện thực khi mà cả tháng nay đi chợ thấy giá cả vẫn không đổi, thậm chí có một số mặt hàng còn có xu hướng tiếp tục tăng giá từ 5-10%.
Có ý kiến cho rằng, một số mặt hàng chịu ảnh hưởng giá xăng dầu, khi giá giảm cũng cần có một khoảng thời gian độ trễ để đơn vị sản xuất kinh doanh rà soát lại các yếu tố chi phí hình thành giá, từ đó mới xác định được giá bán giảm theo giá xăng dầu. Đồng tình về độ trễ của thị trường, tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, độ trễ đó không thể là hàng tháng hay là đến mấy tháng được, “nước lên thì thuyền lên, nước xuống thì thuyền xuống”. Để bảo đảm quyền lợi của người dân, chuyên gia kinh tế cho rằng, các cơ quan chức năng phải có các biện pháp xử lý kịp thời, không thì người dân cảm thấy nản lòng, kiến nghị nhiều mà không được xử lý.
Trước việc giá hàng hóa chưa giảm mạnh theo xăng gây bào mòn thu nhập của người tiêu dùng, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Công điện số 679/CĐ-TTg ngày 31/7/2022 về việc tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá. Bám sát văn bản chỉ đạo này, ngày 04/8/2022, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có Công điện gửi Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, Thủ trưởng Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc triển khai đợt cao điểm kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá bảo đảm cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường và an sinh xã hội.
Bộ trưởng yêu cầu Tổng cục Quản lý thị trường triển khai đợt tổng kiểm tra chuyên đề đối với các tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật về giá từ nay cho đến hết năm 2022. Thông tin minh bạch về hình thức xử lý đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trong chấp hành pháp luật về giá, đặc biệt là đối với các mặt hàng như lương thực, thực phẩm, thịt lợn, thức ăn chăn nuôi, xăng dầu, vật liệu xây dựng và trang thiết bị y tế phòng chống dịch.
Kịp thời báo cáo Bộ về tình hình biến động của giá cả thị trường hàng hoá nói chung và hàng hoá thiết yếu phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là những mặt hàng lương thực, thực phẩm, thịt lợn, thức ăn chăn nuôi, xăng dầu, vật liệu xây dựng và trang thiết bị y tế phòng chống dịch, qua đó có những kiến nghị, đề xuất cụ thể về kiểm soát và bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu.
Đặc biệt, cần đánh giá hệ thống kênh phân phối, cung ứng, làm rõ các bất cập, hạn chế để đề xuất các giải pháp khắc phục bảo đảm giảm thiểu khâu trung gian đẩy chi phí lưu thông, tăng giá bán; rà soát để trình cấp có thẩm quyền xem xét điều chỉnh giá phù hợp với diễn biến, mặt bằng giá thị trường theo đúng quy định... Trước đó, ngày 29/7, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã có công điện yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường và an sinh xã hội.
Trả lời Báo Công Thương về vấn đề này, chuyên gia Kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, việc giá xăng dầu thời gian qua giảm nhiều lần, nhưng giá nhiều mặt hàng thiết yếu trong nước vẫn neo cao đã ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống nhân dân, thậm chí gây bức xúc trong dư luận.
Chuyên gia Kinh tế nhìn nhận, rõ ràng những sự điều hành trong nước của Chính phủ, Bộ Công Thương về giá xăng, nhất là về vấn đề giảm thuế môi trường và các hoạt động tăng cung khác đã giúp giảm giá xăng dầu rất tích cực và đây là thành công cần ghi nhận, được dư luận rất hoan nghênh.
Chuyên gia rất hoan nghênh sự chỉ đạo của Bộ Công Thương và cũng rất kỳ vọng vào những sự triển triển khai sắp tới. “Tuy nhiên, mức độ giảm giá các mặt hàng khác vẫn chưa tương xứng với giá xăng dầu và đây rõ ràng là một nghịch lý, gây bức xúc trong xã hội” - chuyên gia Kinh tế Nguyễn Minh Phong cho hay.
Đánh giá về những hành động của Bộ Công Thương trước diễn biến giá cả hiện nay, chuyên gia Kinh tế Nguyễn Minh Phong nhìn nhận, Bộ Công Thương đã chỉ đạo tăng cường quản lý, giám sát nhằm thúc đẩy sức ép để giảm giá các mặt hàng là rất cần thiết. Điều này phù hợp hoạt động quản lý của Bộ Công Thương, của Tổng cục Quản lý thị trường cũng như đáp ứng yêu cầu, sự mong mỏi của người dân và cũng như quán triệt chỉ đạo chung của Chính phủ trong bối cảnh hiện nay.
Tuy nhiên, cũng cần sự tăng cường phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong đó Bộ Công Thương làm trọng tâm để triển khai các biện pháp quyết liệt hơn, trong đó cần kê khai, niêm yết giá cả các mặt hàng trong diện phải giảm giá mà chưa giảm giá, nếu chưa giảm thì cần phải giải trình cụ thể. Song song với đó, Bộ Công Thương và cơ quan Quản lý thị trường phải tăng cường thông tin về giá cả các mặt hàng trước và sau khi giảm giá xăng dầu nhằm tạo ra áp lực về giảm giá xăng dầu - ông Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, cần xử lý nghiêm các vi phạm, nhất là các vi phạm liên quan tới cấu kết lũng loạn gây nhiễu giá, độc quyền giá nhằm chi phối thị trường; những vụ việc này cần được thông báo rộng rãi, nhằm nêu gương cho các đối tượng khác.
Ngoài ra, cần tiếp tục rà soát những kẽ hở về pháp lý để hoàn thành cơ chế trực tiếp trong điều hành giá xăng dầu gắn với các mặt hàng khác theo hướng tăng cường kê khai, giải trình, đăng ký giá nhiều hơn và các chế tài phạt vi phạm cũng mạnh hơn; rút ngắn các trình tự và các khâu để thẩm định, để đăng ký và công bố, kê khai để tránh trường hợp trì hoãn thu được lợi nhuận, cơ hội bất hợp lý. Hơn nữa, tăng cường lưu thông hàng hóa, thông tin thị trường và dự trữ trên thị trường và đặc biệt là tuyên truyền nhằm tăng vai trò của người tiêu dùng để tạo áp lực buộc phải giảm giá.