Ông đánh giá như thế nào về phát biểu của Bộ trưởng Bộ Công Thương tại phiên họp của Chính phủ và trên báo chí về vấn đề kiềm chế giá xăng dầu thời gian qua?
Có thể thấy, những phát biểu của Bộ trưởng Bộ Công Thương về vấn đề quản lý xăng dầu cũng như vai trò của Bộ Công Thương rất đúng đắn, cần thiết và rất minh bạch, hoàn toàn có căn cứ cả về pháp lý và thực tiễn, cũng như cả về tinh thần bản lĩnh chính trị.
Chúng tôi rất chia sẻ với quan điểm của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên là phải chấp nhận sự thông thương giữa giá xăng dầu trong nước và thế giới, lên cùng lên, xuống cùng xuống, chứ không đặt ranh giới xăng dầu trong nước với thế giới. Bởi từ đó có thể gây ra những vi phạm về các nguyên tắc thị trường, cũng như vi phạm các cân đối mà chúng ta đang cố gắng thực hiện.
Cần lưu ý là, Việt Nam hiện nay mới có trên dưới 70 nước công nhận nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Chúng ta không nên biến việc quản lý xăng dầu theo kiểu phi thị trường trở thành một trong những nhân tố để Việt Nam không được công nhận là nền kinh tế thị trường.
Ngoài ra, tôi cho rằng Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng đã thực hiện trách nhiệm giải trình, phát ngôn đúng thẩm quyền, phù hợp với pháp luật, xu hướng chung của thế giới và của nền kinh tế thị trường.
Cuối cùng, tôi cho rằng, Bộ trưởng nên có sự quyết liệt, sát sao hơn trong vấn đề chỉ đạo các quan chức năng, nhất là quản lý thị trường và các bộ phận liên quan để quản lý thị trường một cách quyết liệt hơn nữa, tránh tất cả những hiện tượng găm hàng, đẩy giá lên cao, chống cả những hiện tượng lợi dụng té nước theo mưa và trục lợi cá nhân như đã thấy trong một số thời điểm thời gian qua.
Mức tăng của giá xăng dầu trong nước thấp hơn so với khu vực và thế giới
Ông đánh giá như thế nào về mức tăng của giá xăng dầu trong nước so với thế giới thời gian qua, cũng như sự vào cuộc của Bộ Công Thương trong điều hành và giữ ổn định giá xăng dầu, thưa ông?
Trước hết, giá xăng dầu hiện nay đang gặp phải rất nhiều những nhân tố bất lợi, ảnh hưởng đến việc tăng giá. Trên thế giới đó là cuộc cạnh tranh địa chính trị giữa các nước lớn cũng như sự cấm vận về năng lượng giữa Mỹ - EU đối với Nga, cộng với những chính sách kiểm soát sản lượng của OPEC+.
Bên cạnh đó, việc tăng giá xăng dầu còn gắn liền với phục hồi kinh tế và nhu cầu về xăng dầu tăng cao, cộng với nhu cầu về tích trữ trong sự căng thẳng của thế giới hiện nay. Và cuối cùng, việc tăng giá xăng đầu còn có một yếu tố trong nước, là nguồn cung của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đang gặp khó khăn và chưa rõ thời gian bổ sung.
Trong bối cảnh giá xăng dầu tăng cao, về cơ bản giá xăng dầu trong nước vẫn không có nhiều đột biến lớn nếu so với tăng giá của thế giới. Cụ thể, giá xăng dầu của thế giới tăng rất mạnh, tăng hơn 50-60%. Trong khi trong nước từ mức 22-23.000 đồng/lít đã được điều chỉnh lên mức 31-32.000 đồng/lít, tức là tăng khoảng 1/3. Rõ ràng, mức tăng này thấp hơn so với thế giới.
Trước những biến động của thế giới, cũng cần phải ghi nhận sự điều hành của Bộ Công Thương khá quyết liệt, cập nhật và có hiệu quả. Điều này được thể hiện qua việc Bộ đã có nhiều những cuộc họp đánh giá tình hình, đặc biệt là chỉ đạo sát sao và quyết đoán trong vấn đề phân công cho các đơn vị xăng dầu trong nước sản xuất, cũng như nhập khẩu bổ sung để bù đắp vào nguồn của Nhà máy Nghi Sơn thiếu hụt.
Bên cạnh đó, Bộ đã kiểm soát rất chặt chẽ những hoạt động về chống đầu cơ, tích trữ tăng giá xăng dầu trong bối cảnh khan hiếm. Bộ đã kiến nghị điều chỉnh một số khoản chi phí gắn với giá xăng dầu, như giảm thuế môi trường và thực hiện những biện pháp liên quan để thực hiện bình ổn giá thông qua quỹ bình ổn xăng dầu.
Tôi cho rằng, Bộ Công Thương đã làm hết trách nhiệm của mình, đã làm ở mức độ cao nhất có thể. Và những trách nhiệm liên quan tới hoạt động quản lý thị trường của ngành Công Thương đã được Bộ triển khai đều đặn, đồng bộ và kịp thời.
Cũng nhờ vậy, có thể nói giá xăng dầu trong nước hiện nay về cơ bản vẫn không phải là mức cao trong khu vực và trên thế giới.
Qua đây cũng cần có những đánh giá để ghi nhận nỗ lực của Bộ Công Thương cũng như của Đảng và Chính phủ trong bối cảnh xăng dầu đang có nhiều hỗn loạn như hiện nay.
Doanh nghiệp và người dân phải chấp nhận việc giá cả biến động theo xu hướng thế giới là tất yếu!
Vậy, ông nhận định như thế nào về dư địa để điều chỉnh giá xăng dầu hiện nay?
So với các nước trong khu vực cũng như trên thế giới chúng ta vẫn còn dư địa để điều chỉnh giá xăng dầu thông qua giảm một số khoản thu ngân sách, với hai lý do, một là mức thu này vẫn còn một số khoản có thể giảm được và thứ hai nữa là thu ngân sách hiện nay vẫn đang tốt, thậm chí là hai năm vừa qua thu ngân sách tăng so với kế hoạch. Do đó, không đáng ngại việc giảm thu ngân sách qua giá xăng dầu có thể ảnh hưởng áp lực tới ngân sách.
Bên cạnh đó, chúng ta không đặt vấn đề các khoản thu này giảm vĩnh viễn, giảm cứng kéo dài, mà chỉ giảm trong thời điểm hiện nay. Với tình hình đó, tôi cho rằng, rõ ràng các bộ ngành chức năng, mà nói chung là Chính phủ cần vào cuộc để không khoán trắng trách nhiệm giảm quản lý giá xăng dầu cho Bộ Công Thương.
Trước mắt cần cân nhắc cùng với Bộ Tài chính đưa ra phương án giảm tiếp một số khoản thu ngân sách thông qua giá xăng dầu để hỗ trợ giá xăng dầu hiện nay.
Thêm nữa là trong các hoạt động quản lý nhà nước về xăng dầu cũng nên đề cao mục tiêu vừa hỗ trợ để thực hiện giảm giá thành và giảm chi về đầu vào cho doanh nghiệp, người dân nhưng mặt khác không phải giảm để khuyến khích tiêu dùng lãng phí, tiêu dùng không hiệu quả. Đây là những yêu cầu về quản lý nhà nước chung, cần cân nhắc hài hòa. Tất cả các mục tiêu này không thể chịu sự phụ thuộc vào quản lý của Bộ Công Thương mà cần sự phối hợp của tất cả các bộ ngành.
Thông tin giá xăng Malaysia đang ở mức 13.000 đồng/lít, nhờ được Chính phủ nước này trợ giá đang gây xôn xao dư luận. Ông bình luận gì về việc trợ giá này?
Phải khẳng định giá xăng dầu như Malaysia đang thực hiện (13.000 đồng/lít, nhờ được Chính phủ trợ giá cho người dân bản địa) không phải là trường hợp phổ biến mà chỉ là trường hợp cá biệt.
"So với các nước xung quanh Việt Nam như Lào, Campuchia, Trung Quốc… đều có giá xăng dầu ở mức cao. Nếu trợ giá, chúng ta sẽ tạo ra một dòng chảy ngược ra bên ngoài. Đó là điều không thể, không kinh tế cũng như không đảm bảo hiệu quả trong chính sách trợ giá" - chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong.
Cũng có thể thấy, bản thân họ chỉ trợ giá cho người dân trong nước, còn khách nước ngoài thì vẫn phải mua theo giá thị trường. Cho nên chúng ta không thể nào học tập theo tấm gương này được, đặc biệt trong bối cảnh giá xăng dầu hiện nay biến động không phụ thuộc vào các yếu tố trong nước nhiều.
Ngoài ra, mục tiêu của quản lý nhà nước về xăng dầu không hoàn toàn chỉ là đảm bảo giá thấp cho người dân, doanh nghiệp mà cần tính tới cả định hướng tiêu dùng cũng như bảo vệ môi trường. Vì xăng dầu là một trong những nguồn phát thải môi trường lớn, trong khi chúng ta phải thực hiện cam kết đảm bảo phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Đây là một trong những mục tiêu cần phải được quan tâm.
Từ đó có thể thấy rõ, doanh nghiệp và người dân phải chấp nhận việc giá cả biến động theo xu hướng thế giới là tất yếu. Ngoài xăng dầu, tất cả các mặt hàng khác đều phải như vậy. Chúng ta phải coi đó như là một kịch bản, phương án chủ động để cân nhắc, cùng chịu trách nhiệm với Nhà nước và cùng xử lý những vấn đề quản lý Nhà nước trong điều hành giá xăng dầu .
Tôi khẳng định, Nhà nước không nên thực hiện việc trợ giá như thời bao cấp để hỗ trợ giá xăng dầu.
Phải chấp nhận sự thông thương giữa giá xăng dầu trong nước và thế giới, lên cùng lên, xuống cùng xuống
Ở góc độ kinh tế, ông có dự báo như thế nào về biến động của giá xăng dầu trong thời gian tới. Và theo ông, giải pháp nào để vừa đảm bảo an sinh xã hội, vừa hài hoà phát triển kinh tế vĩ mô?
Chúng tôi cho rằng không nên quá bi quan về giá xăng dầu. Qua các báo cáo gần đây nhất, những dự báo của quốc tế về xăng dầu khá lạc quan, theo đó trong năm 2022 giá xăng dầu sẽ quanh ngưỡng 120 USD thùng. Đến 2023, giá xăng dầu sẽ giảm xuống 80 USD thùng. Và đến 2024 sẽ giảm xuống chưa đến 60 USD thùng.
Các nghiên cứu đó cho thấy, giá xăng dầu có thể chỉ tăng từ nay đến cuối năm và đặc biệt nó gắn với biến động của địa chính trị thế giới. Vì thế, giá xăng dầu không thể kéo dài ở mức cao quá lâu được. Thị trường sẽ tạo ra những áp lực và nhân tố để cân bằng giá xăng dầu. Rõ ràng nó chỉ tăng do những biến động nhân tạo, cũng như những hoạt động tích lũy đầu cơ và tâm lý mà thôi.
Để đảm bảo an sinh xã hội cũng như ổn định nền kinh tế trong bối cảnh xăng dầu tăng cao, thứ nhất là Nhà nước tiếp tục cân nhắc để xem xét giảm những khoản thu qua giá xăng dầu để giúp giảm bớt áp lực trong tăng giá.
Thứ hai nữa là khuyến khích sản xuất điện năng và sử dụng năng lượng tái tạo ngoài xăng dầu. Đây là một trong những giải pháp rất quan trọng.
Thứ ba tăng cường các hoạt động khai thác trong nước, giảm bớt các chi phí về nhập giá xăng dầu của thế giới.
Thứ tư, thực hiện những hoạt động về giải ngân các gói hỗ trợ của Chính phủ giúp người dân giảm bớt những áp lực về chi tiêu, trong đó có những chi tiêu liên quan tới nhà ở và năng lượng.
Thứ năm, cần phải tuyên truyền rộng rãi để quán triệt các mục tiêu quản lý xung quanh giá xăng dầu để vừa đảm bảo tăng trưởng kinh tế vĩ mô, vừa đảm bảo mục tiêu về môi trường, cũng như cân đối ngân sách.
Cuối cùng là công khai cơ cấu giá xăng dầu để người dân hiểu và đồng thuận trong mục tiêu quản lý cũng như tránh những việc không minh bạch trong quản lý và giải trình về giá xăng dầu. Đồng thời làm rõ hơn được vai trò và trách nhiệm cũng như sự nỗ lực của Bộ Công Thương trong vấn đề này.