Tăng trưởng GDP Quý II/2023 đã có sự cải thiện hơn so với quý I, tuy nhiên tính chung 2 quý đầu năm thì GDP vẫn ở mức 3,72%, thấp so với kỳ vọng và mục tiêu đề ra. Trước đó, Quốc hội và Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp để hỗ trợ cho doanh nghiệp và nền kinh tế như giảm lãi suất liên tiếp, thúc đẩy đầu tư công hay giảm thuế VAT…Và thị trường chứng khoán cũng đã đi trước đón đầu với điểm số và thanh khoản tăng cao. Tại Talkshow Phố Tài chính trên VTV8, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư, Maybank Investment Bank đã có những chia sẻ quan điểm về cơ hội đầu tư hiện nay.
BTV Mùi Khánh Ly: Số liệu kinh tế quý II/2023 đã có sự cải thiện so với quý I nhưng vẫn thấp hơn so kỳ vọng và mục tiêu của năm là 6,5%, ông đánh giá như thế nào về điều này?
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư, Maybank Investment Bank
Chỉ số PMI vừa công bố thấp hơn 50 điểm và điều này đã diễn ra trong suốt bốn tháng liên tiếp, và chỉ số PMI dưới 50 điểm là chỉ báo cho thấy rằng nền kinh tế đang bị thu hẹp. Tuy nhiên, mặc dù số liệu kinh tế chưa có nhiều cải thiện nhưng có tích cực dần qua các quý. Cụ thể, GDP quý I tăng trưởng được hơn 3%, tuy nhiên GDP quý II thì lại tăng trưởng được hơn 4%. Hoặc là chỉ số PMI mặc dù nằm dưới 50 điểm, nhưng chỉ số PMI tháng 6 cũng tốt hơn so với tháng trước đó và cũng bắt đầu tiến gần đến mức 50 điểm. Bởi vậy, tôi dự báo trong quý III và quý IV thì nền kinh tế sẽ dần sẽ được cải thiện nhiều hơn. Bên cạnh đó, có một yếu tốt rất tốt nữa đó là chính sách tài khóa hiện nay cũng đang song hành với chính sách tiền tệ, do vậy từ quý III, quý IV, chúng ta sẽ có thể nhìn thấy nền kinh tế sẽ ngày càng được cải thiện nhiều hơn để mà tạo được bệ phóng cho năm 2024.
Vậy trong hai quý còn lại của năm 2023 cần có những chính sách như thế nào để thúc đẩy nền kinh đạt được mục tiêu đã đề ra?
Trong bối cảnh chính sách tài khóa những nền kinh tế lớn như Mỹ và Châu Âu vẫn đang theo hướng thắt chặt, nhưng tại Việt Nam, chính sách nới lỏng hơn và theo hướng hỗ trợ nền kinh tế và doanh nghiệp giúp dòng tiền đổ vào nhiều hơn. Nghĩa là chúng ta đang có nền tảng và điều kiện để thu hút dòng vốn từ trong và ngoài nước. Và nói về chính sách cần phải lưu ý là trong khi bóng đen lạm phát hiện nay trên thế giới vẫn đang là nỗi lo, thì chúng ta nên điều hành chính sách theo cơ chế linh hoạt sẽ tốt hơn là thắt chặt nhiều quá hoặc là nới lỏng nhiều quá. Hiện tỷ giá đồng Việt Nam so với USD cũng như so với những đồng tiền khác trong nhiều năm gần đây đang ở mức ổn định. Điều này làm cho các nhà đầu tư, đặc biệt là những nhà đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp xuất nhập khẩu họ ưa thích điều này. Bởi vậy, tôi kỳ vọng quý III, quý IV và những năm tiếp theo thì chúng ta vẫn tiếp tục có thể duy trì được chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ một cách linh hoạt như hiện nay.
Ông dự báo ra sao về diễn biến thị trường chứng khoán trong nửa cuối năm nay?
Theo tôi, sáu tháng cuối năm 2023, xu hướng thị trường chứng khoán vẫn sẽ mang tính chất tích cực nhiều hơn, dĩ nhiên cũng sẽ có những thời điểm thị trường điều chỉnh. Từ giai đoạn sau Tết cho đến đầu tháng 6 thị trường gần như là đi ngang trong biên độ từ 1.020 đến 1.100 điểm và nằm ở trong biên độ đó trong suốt bốn tháng. Tuy nhiên, từ tháng 6 đến nay thị trường đã bắt đầu phá vỡ được vùng kháng cự đó và đi lên một tầm cao mới, thanh khoản đã được cải thiện liên tục. Đây sẽ là tiền đề để những dòng tiền tiếp theo tiếp tục đổ vào trong quý III, quý IV và đặc biệt là trong năm 2024. Tuy nhiên, báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của các doanh nghiệp sẽ phản ánh khá nhiều vào thị trường chứng khoán trong quý III, quý IV này và sẽ là những yếu tố quyết định quan trọng cho xu hướng của thị trường trong quý III, quý IV vào năm 2024. Tuy nhiên, những số liệu này cũng đang dần được cải hiện cho thấy rằng mức độ hấp thụ những chính sách tài khóa và tiền tệ vào nền kinh tế đang tương đối tốt và mặc dù có xu hướng là hơi chậm một chút, nhưng chậm mà chắc. Và tôi tin rằng là quý III và quý IV vẫn là một xu hướng tích cực của thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, trong năm nay, các nhà đầu tư không nên kỳ vọng rằng mức độ tăng trưởng của thị trường chứng khoán sẽ có thể quay về được thời hoàng kim giống như năm 2021. Và bệ phóng mà theo tôi nghĩ, thị trường chứng khoán sẽ tới mức độ tăng trưởng vượt bậc đó là vào năm sau, năm 2024.
Hiện có ý kiến cho rằng thị trường đang có nhiều nhà đầu tư cá nhân tham gia, điều này có thể giúp thị trường có sự tăng trưởng mạnh mẽ nhưng cũng có thể là nguyên nhân khiến thị trường quay đầu nhanh và giảm sâu…khi có yếu tố bất ngờ. Ông nghĩ sao về điều này?
Thông thường các nhà đầu tư cá nhân có xu hướng đầu tư ngắn hạn lướt sóng nhiều hơn, đặc biệt là đối với những nhóm cổ phiếu có vốn hóa trung bình và nhỏ, những nhóm này có thể tăng rất mạnh trong một khoảng thời gian ngắn, nhưng cũng có thể giảm rất nhanh và sâu trong một khoảng thời gian ngắn. Tuy nhiên, khi họ đã rút ra khỏi nhóm này thì họ lại chuyển sang những nhóm khác, có nghĩa là dòng tiền đó cũng vòng vòng ở trên thị trường chứng khoán chứ không phải là hôm nay họ đầu tư vào mã này xong rồi, ngày mai họ sẽ rút ra chuyển sang tôi mua đất hay mua vàng, xác suất này cũng có nhưng tỷ lệ này không nhiều. Bên cạnh đó, dòng tiền từ các nhà đầu tư tổ chức, các nhà đầu tư nước ngoài cũng đang dần trở lại trên thị trường. Một số định chế tài chính lớn cũng đã bắt đầu giải ngân với một tốc độ nhanh hơn và cao hơn. Bởi vậy, đây cũng sẽ là một bệ đỡ rất lớn và nhà đầu tư cá nhân không đơn độc ở trên thị trường.
Vậy nhà đầu tư nên làm gì vào thời điểm này?
Thời điểm hiện tại là cơ hội cho các nhà đầu tư, đặc biệt là những nhà đầu tư đang có tỷ trọng tiền mặt lớn và đang có một sự kỳ vọng mang lại lợi nhuận tốt trong vòng một năm sắp tới. Bởi dòng tiền hiện nay đã bắt đầu đổ vào thị trường chứng khoán nhiều hơn. Số liệu mở tài khoản mới của các nhà đầu tư trong tháng 5 đã gấp năm lần so với hồi tháng tư, cho thấy dòng tiền đang dần quay trở lại. Ngoài ra, chúng ta cũng thấy trong sáu tháng đầu năm nay các kênh đầu tư khác từ vàng cho đến ngoại khối, cho đến bất động sản hay kênh trái phiếu đều yếu, bởi vậy, trong khi thị trường chứng khoán đang được hưởng lợi, được hỗ trợ từ chính sách nới lỏng bao gồm chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa như hiện nay. Và đặc biệt, lãi suất liên tục giảm và hiện không còn ngân hàng thương mại nào niêm yết mức lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng trên 8% nữa, nên dòng tiền theo tôi thấy sẽ bắt đầu đổ dần vào những kênh đầu tư như chứng khoán.