Thị trường vốn hiện nay, bao gồm cả thị trường trái phiếu và cổ phiếu, đang có hiện tượng thanh khoản sụt giảm tương đối nhanh, qua đó khiến định giá thị trường đang rẻ đi nhanh chóng và tiến vào vùng giá hấp dẫn.
Thực tế, VN-Index đang trong chuỗi lao dốc và có thời điểm mất mốc 950 điểm, rơi về vùng thấp nhất trong hơn 2 năm với thanh khoản teo tóp. Trong khi thị trường trái phiếu cũng đối mặt với nhiều thách thức về huy động và đáo hạn, dẫn đến nhiều trái phiếu bị bán rẻ hoặc mất thanh khoản.
Thanh khoản trên các thị trường vốn đang bị suy yếu và có dấu hiệu lan rộng. Ảnh: Hoàng Hà.
Thanh khoản sụt giảm
Ông Cao Minh Hoàng, Giám đốc đầu tư Công ty Quản lý quỹ IPA (IPA AM), nói rằng vòng quay tài sản của các đơn vị tham gia thị trường và các nhà đầu tư có phần chậm đi đôi chút, dẫn đến thanh khoản giảm đi.
"Nếu để vấn đề này diễn ra trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến vấn đề tăng trưởng vốn trong trung và dài hạn", ông nói trong talkshow Chọn danh mục mới đây.
Dòng vốn liên tục chảy nhưng đang có dấu hiệu tạm dừng do niềm tin bị lung lay. Theo ông Hoàng, cơ quan quản lý cần có những quỹ tham gia thị trường để bù đắp lại lượng thanh khoản thiếu hụt, bởi các nhà đầu tư đang mong chờ chính sách hỗ trợ thị trường vốn phát triển một cách bền vững.
Giám đốc đầu tư IPA AM Cao Minh Hoàng cần có các quỹ hỗ trợ thanh khoản. Ảnh: ĐTCK.
Ông Mai Cường, Phó giám đốc Quản lý quỹ PVI (PVI AM), đồng quan điểm thị trường đang trải qua giai đoạn thực sự khó khăn trong nhiều năm trở lại đây.
Đầu tiên là thanh khoản thị trường sụt giảm một cách nghiêm trọng, dòng tiền bị rút qua các kênh đầu tư khác. Tiếp theo là niềm tin của thị trường đang sụt giảm bởi nhiều yếu tố mang tính vĩ mô.
“Thị trường đã xảy ra hiệu ứng domino trên một phương diện nào đó, từ việc thị trường cổ phiếu bị suy giảm đến các vấn đề giải chấp thường xuyên xảy ra, thị trường bất động sản đi xuống", ông Cường nhận thấy tác động domino rất nghiêm trọng về vĩ mô.
Hiệu ứng này đồng nghĩa các tài sản bị sụt giảm và liên quan đến không phải một chủ thể mà còn rất nhiều chủ thể khác, bao gồm cả khối ngân hàng khi mà tài sản đảm bảo chủ yếu là các bất động sản.
Ông Cường nói một khi tài sản đảm bảo bị giảm giá thì các nhà đầu tư buộc phải bổ sung. Nhưng với điều kiện thanh khoản kém như hiện tại, nhà đầu tư dù bán bất kỳ tài sản nào cũng rất rẻ và khó tìm người mua.
Giải pháp gỡ rối
Ông Hoàng nhận thấy vấn đề hiện tại của thị trường vốn là tâm lý nhà đầu tư đang bị lung lay, tức là có suy nghĩ liệu rằng đồng tiền tích cóp liệu có bị rủi ro mất vốn. Do đó, nhà đầu tư sẽ cảm thấy yên tâm hơn nếu có đầy đủ thông tin.
Quy mô trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam cũng còn nhiều tiềm năng phát triển nhưng còn non trẻ. Giám đốc đầu tư IPA AM kỳ vọng những bước đi chập chững đầu tiên cần được dìu dắt và nâng đỡ rất kỹ càng từ cơ quan quản lý.
Đối với khó khăn thanh khoản hiện tại, ông Hoàng tin rằng việc cơ quan quản lý có thể tăng lượng tiền lưu thông để hỗ trợ nhà đầu tư là một biện pháp rất tốt trên thị trường vốn giai đoạn hiện nay.
Ông Cường bổ sung các chủ thể đầu tư trên thị trường nên "ngồi lại cùng nhau" để tìm hiểu vấn đề. Bởi, hiện tượng rút vốn sẽ được hạn chế một phần khi nhà đầu tư bình tĩnh và thông tin minh bạch.
Chuyên gia từ PVI AM khuyến nghị các chủ thể đầu tư cần bình tình tìm giải pháp, tránh bán tháo tài sản. Ảnh: ĐTCK.
Chuyên gia từ PVI AM khẳng định không có tổ chức nào, kể cả ngân hàng, có thể chống đỡ được hiện tượng rút vốn ồ ạt trước bối cảnh khó khăn thanh khoản hiện nay. Các bên cần tìm giải pháp để giãn kế hoạch thanh toán, tránh bán tháo tài sản với giá rẻ.
Biện pháp trước mắt theo ông Cường vẫn là xử lý về khủng hoảng niềm tin, nhà đầu tư cần bình tĩnh đánh giá lại các khoản đầu tư. Còn thời điểm hiện tại, yếu tố vĩ mô không phải quan trọng nhất bởi nó chỉ có tác động tương đối vào thị trường.
Ông Cường nhắc lại về sự cần thiết phải minh bạch thông tin, bởi các tin đồn đã làm cho nhà đầu tư hoang mang thời gian qua. Các cơ quan quản lý và chủ thể phát hành cần có thông tin chính thống để nhà đầu tư yên tâm và lấy lại niềm tin.
Hơn nữa, vị chuyên gia còn nhắc đến sự cần thiết phải lập quỹ bình ổn trái phiếu như thị trường quốc tế. Cơ quan quản lý cũng cần nghiên cứu các mô hình có thể áp dụng trong tương lai để xử lý tốt khi gặp các biến động lớn.