Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP quý III đạt mức 13,67% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2022, kinh tế tăng trưởng 8,83%, mức cao nhất kể từ năm 2011 đến nay.
Trong khi đó, báo cáo mới nhất bộ Lao động Mỹ cho thấy lạm phát toàn phần của nước này tăng 8,2% trong tháng 9 so với cùng kỳ năm ngoái, giảm nhẹ so với mức 8,3% của tháng 8. Một điểm đáng chú ý khác là lạm phát lõi của quốc này vẫn tiếp tục tăng và đạt mức 6,6% trong tháng 9, đây cũng là mức cao nhất trong 4 thập kỷ trở lại đây.
Bão giá tại khu vực đồng tiền chung châu Âu- Eurozone vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Từ mức 9,1% hồi tháng 8, lạm phát đã leo thang lên 10% trong tháng 9.
Một số nước khu vực Đông Nam Á lạm phát tiếp tục được neo ở mức cao trong vòng 5 năm trở lại đây, như Indonesia vừa qua ghi nhận lạm phát tăng 5,95%, Thái Lan 6,41%, Lào 34%.
Việc nền kinh tế ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, cộng thêm tình hình lạm phát đang diễn biến phức tạp trên toàn cầu, giới phân tích cho rằng Ngân hàng Nhà nước có thể hành động quyết liệt hơn trong việc điều hành lãi suất để khống chế lạm phát cũng như đảm bảo ổn định tỷ giá.
Áp lực lên lãi suất vẫn lớn
Theo ông Vicente Nguyen, Giám đốc đầu tư AFC Vietnam Fund (quỹ đầu tư quy mô hơn 70 triệu USD), việc GDP tăng mạnh vừa qua sẽ góp phần giúp Việt Nam hoàn thành các chỉ tiêu về tăng trưởng trong năm nay. Do đó, nhiều khả năng, Ngân hàng Nhà nước vì lẽ đó cũng sẽ xem xét việc kiểm soát tín dụng và lạm phát nhiều hơn.
“Việc NHNN có tăng lãi suất nữa hay không tùy thuộc vào tình hình sắp tới, nhưng cho dù có tăng thì theo tôi tác động tới nền kinh tế và tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp cũng sẽ không đáng kể”, ông Vicente Nguyen đánh giá.
Với các ngân hàng, lãi suất tăng lên chi phí vay mượn hay huy động của ngân hàng cũng sẽ tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, các ngân hàng lớn mạnh, thanh khoản dồi dào, nguồn lực lớn tác động là không quá lớn.
“Theo tôi mặt bằng lãi suất sẽ tiếp tục tăng nhẹ trong thời gian tới vì nhu cầu vốn vay giai đoạn cuối năm thường cao, để đáp ứng nhu cầu này thì các ngân hàng sẽ tăng lãi suất để tăng nguồn huy động, đáp ứng nhu cầu tín dụng của khách hàng”, ông Vicente đánh giá
Vừa qua nhóm ngân hàng Big 4 (Vietcombank, BIDV, Agribank, VietinBank) cũng đã tăng lãi suất huy động, điều này có thể gây một số áp lực lên các ngân hàng nhỏ hơn.
Cơ hội nào cho cổ phiếu ngân hàng?
Nhận định chung về thị trường chứng khoán, chuyên gia cho rằng, vừa qua Ngân hàng Nhà nước có tăng lãi suất nhưng thực chất điều này không ảnh hưởng nhiều đến thị trường. Lãi suất huy động, vốn dĩ là đã tăng rất nhiều trước khi cơ quan quản lý có động thái này.
“Thị trường phản ánh thái quá trước động thái này bởi GDP của Việt Nam vẫn tăng rất mạnh và kinh tế khởi sắc hoàn toàn, doanh nghiệp vẫn ăn nên làm ra”, ông Vicente nhận định.
Vừa qua, trong bối cảnh thị trường chứng khoán đi xuống, lãi suất tiết kiệm lại đi lên, có nhiều nhà đầu tư đã tìm đến kênh tiền gửi tiết kiệm. Về hiện tượng này, ông cho biết, đây là điều tất yếu, những nhà đầu tư ít kiến thức, thiếu kinh nghiệm, khả năng kiểm soát cảm xúc kém thì sẽ khó có thể đứng vững trước những biến động của thị trường.
“Muốn thành công trong thị trường chứng khoán, bạn cần trau dồi kiến thức sâu rộng, kiên định trong đầu tư và phải hết sức kiên nhẫn. Nếu không chịu đựng được những thời khắc khó khăn và lỗ tạm thời, tốt nhất bạn nên gửi tiết kiệm và tiếp tục làm việc”, ông Vicente nhận định
Về việc khi nào thị trường nói chung và cổ phiếu ngân hàng nói riêng dừng đà giảm hay quay về đỉnh cũ, chuyên gia cho rằng nhà đầu tư nên để cho thị trường quyết định.
“Khi nhà đầu tư cá nhân hoảng loạn và bán tháo, những cơ hội đầu tư sẽ được mở ra. Khi đầu tư cổ phiếu, bạn cũng cần cái nhìn dài hạn về công ty mà bạn đầu tư. Đối với tôi, hiện nay cổ phiếu của nhóm ngân hàng đang bị định giá quá thấp và cực kỳ hấp dẫn trong dài hạn. Ví dụ một số cổ phiếu có P/B dưới 1 hay P/E (giá trên thu nhập) chỉ 4-5 lần. Có nghĩa là nếu bạn đầu tư hôm nay thì bạn sẽ thu thành quả khổng lồ trong 3-5 năm tới. Trong ngắn hạn, bạn có thể chịu áp lực lỗ tạm thời do những biến động của thị trường. Tuy nhiên, cần phải nói rằng đó là phần tất yếu của thị trường chứng khoán”, ông Vicente nhận định về cổ phiếu ngân hàng.
Vị này cũng cho rằng các ngân hàng sẽ tiếp tục gặt hái kết quả khả quan trong 2022 và cả 2023 bởi ngành ngân hàng là vận động theo chu kỳ phát triển kinh tế. Nếu kinh tế tăng trưởng mạnh thì ngành ngân hàng sẽ tăng trưởng tốt và ngược lại.