Trong diễn đàn “Phát triển bền vững thị trường bất động sản” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức ngày 15/12, các chuyên gia đều có chung nhận định rằng cơ cấu sản phẩm bất động sản đang ở tình trạng mất cân đối, chưa phù hợp nhu cầu thị trường.
Nhà ở thương mại cao cấp có số lượng lớn trong khi dự án nhà ở giá trung bình, phù hợp với đại đa số người dân còn quá ít, đặc biệt là nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Điều này đã dẫn đến sự mất cân đối trong cơ cấu. Giá nhà ở vì thế mà neo ở mức cao, tính thanh khoản kém, lượng giao dịch giảm, nhất là trong quý IV năm nay.
Cú hích niềm tin
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, cho rằng trong giai đoạn 2013-2016, gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng chỉ là một phần rất nhỏ so với lượng hàng tồn kho nhà tại thời điểm đó. Tuy nhiên, ý nghĩa của gói hỗ trợ chính là tạo ra cú hích niềm tin trong lòng người dân, nhiều chủ đầu tư đã hăng hái đăng ký tham gia phát triển phân khúc này.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng đã góp phần giải quyết nhiều vấn đề, tạo ra nguồn vốn mồi. Chính sách thành công trong việc kích thích tiêu dùng, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển, kéo theo nhiều ngành nghề khác như vật liệu xây dựng, tạo công ăn việc làm cho người lao động.
Trong số hàng tồn kho, nếu những sản phẩm này là các căn hộ khoảng 2 tỷ đồng thì chào bán 1 ngày là hết sạch
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam
Ông nhấn mạnh, trong số hàng tồn kho, nếu những sản phẩm này là các căn hộ khoảng 2 tỷ đồng, hoặc nhà ở xã hội thì mở bán trong một ngày sẽ hết.
Theo Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, nhu cầu nhà ở của người dân rất cao. Nhiều người đã tiết kiệm tiền cả chục năm và chỉ chờ sản phẩm có giá tốt là họ sẽ “xuống tiền” ngay lập tức.
“Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dùng những từ rất mạnh như ‘khẩn trương’, 'làm ngay’, 'chỉ đạo quyết liệt’ để làm nhà ở xã hội. Nhiều lãnh đạo, cơ quan Bộ Xây dựng làm việc không ngày nghỉ. Chính tinh thần mạnh mẽ đó đã cho chúng ta thêm niềm tin vào tương lai của ngành bất động sản”, ông Nguyễn Văn Đính khẳng định.
Tuy nhiên, khâu pháp lý vẫn tồn đọng nhiều vướng mắc, tạo ra điểm nghẽn, làm khan hiếm nguồn hàng, nhất là những sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường. Hiện có 1.000 dự án với tổng giá trị 700.000 tỷ đồng gặp điểm nghẽn về mặt pháp lý, không được đưa vào thị trường. Nếu toàn bộ số dự án trên được đi vào hoạt động, rất nhiều công nhân viên có được việc làm, nền kinh tế sẽ có sự tuần hoàn.
Dồn lực cho nhà ở xã hội
Theo ông Nguyễn Văn Sinh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, các chủ đầu tư đang phát triển dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, chung cư cũ sẽ được hưởng nhiều ưu đãi. Động thái trên nhằm khuyến khích các doanh nghiệp bất động sản tham gia kinh doanh phân khúc giá bình dân.
Chính phủ cũng đã ban hành Đề án đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở công nhân với mục tiêu thực hiện 1 triệu nhà ở xã hội. Trong thời gian qua, các địa phương đã xây dựng được 450.000 căn. Dự kiến đến năm 2025, con số này sẽ là 571.000 căn, năm 2030 sẽ là 1,4 triệu căn.
Theo ông Vương Duy Dũng, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, nguồn cung sản phẩm cao cấp đang có quá nhiều, dư thừa và không phù hợp. Sắp tới, Bộ Xây dựng cũng sẽ áp dụng những cơ chế thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội hướng tới các đối tượng người lao động thu nhập thấp.
Ông Nguyễn Mạnh Hà đã đề xuất về việc cần có nguồn vốn cụ thể cho thị trường bất động sản, nhất là đối với nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở thương mại có giá thấp. Ví dụ, đối với nhà ở giá rẻ, từ 30 triệu đồng/m2 trở xuống tại thành phố lớn, sẽ có thêm lãi suất hỗ trợ.