Việt Nam sẽ đạt mốc 100 triệu dân trong năm nay và trở thành quốc gia đông dân thứ 15 trên toàn thế giới. Trong bối cảnh “đất chật, người đông”, song hành cùng đà tăng của dân số chính là giá bất động sản.
Theo Cushman & Wakefield, giá nhà ở tại Việt Nam hiện cao hơn khoảng 20 lần so với thu nhập bình quân đầu người hàng năm. Điều này khiến cơ hội an cư của nhiều người trở nên xa vời.
Nhà ở xã hội vốn được xem là giải pháp tái cân bằng nhằm bảo đảm an sinh xã hội và thúc đẩy tính bền vững của thị trường bất động sản. Dẫu vậy, công cuộc phát triển phân khúc đặc biệt này vẫn còn rất nhiều khó khăn.
Chủ đầu tư không còn mặn mà
“Việc hoàn thành 900.000 căn nhà ở xã hội còn thiếu là một bài toán nan giải”, bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam, chia sẻ với Zing.
Vị chuyên gia này cho biết nguồn cung hiện hữu trên cả nước đến nay chỉ đạt 156.000 căn. Do đó, việc phấn đấu hoàn thành 1 triệu căn trong giai đoạn 2021-2030 sẽ là một thử thách không hề đơn giản.
Nhiệm vụ này sẽ càng trở nên khó khăn hơn đối với các chủ đầu tư khi chi phí xây dựng tăng cao và thời gian hoàn thiện pháp lý, thủ tục tiêu tốn nhiều thời gian (1-2 năm).
Nhìn sang các quốc gia khác, bà Trang Bùi cho biết tính tới trước năm 2020, Singapore đã có hơn 1 triệu căn nhà ở xã hội. Nhờ đó, quốc đảo này có thể đáp ứng nhu cầu nhà ở cho khoảng 80% dân số. Trong khi đó, dự kiến tới năm 2030, Việt Nam mới chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu về nhà ở xã hội.
Mức biên lợi nhuận này không có tính hấp dẫn trong bối cảnh doanh nghiệp còn phải chịu thêm nhiều khoản phí khác
Bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam
Bên cạnh việc chạy đua với thời gian, các doanh nghiệp làm nhà ở xã hội còn đang phải chật vật với việc xác định giá thành cũng như chi phí vật liệu xây dựng để giữ biên lợi nhuận ở mức 10%.
"Mức biên lợi nhuận này không có tính hấp dẫn trong bối cảnh doanh nghiệp còn phải chịu thêm nhiều khoản phí khác", bà Trang Bùi bình luận.
Ngoài ra, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam cho biết việc làm thủ tục miễn tiền sử dụng đất dành cho phân khúc này vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, khi thời gian thực hiện có thể kéo dài 1-2 năm do phải xác định tiền sử dụng đất.
“Quy định dành 20% quỹ đất trong dự án nhà ở thương mại để xây dựng nhà ở xã hội cũng gây mâu thuẫn khi các địa phương không có sự chủ động trong việc khuyến khích xây dựng các dự án nhà ở xã hội độc lập”, bà Trang Bùi chia sẻ.
Với những lý do trên cùng việc các chính sách hỗ trợ còn hạn chế, vị chuyên gia này cho biết nhiều chủ đầu tư không còn mặn mà phát triển phân khúc này.
Chật vật tìm cơ hội an cư
Tính đến quý I, Việt Nam đã hoàn thành 301 dự án nhà ở xã hội tại đô thị và dự án nhà ở công nhân tại các khu công nghiệp, tổng quy mô đạt gần 156.000 căn. Đồng thời, khoảng 401 dự án, tương đương 454.000 căn, đang chuẩn bị được xây dựng.
Tuy nhiên, nguồn cung đối với loại hình nhà ở này vẫn chưa được đáp ứng được sức cầu. Theo khảo sát của Bộ Xây dựng, nhu cầu về nhà ở xã hội cho công nhân thu nhập thấp tại các khu công nghiệp là khoảng 2,4 triệu căn cho giai đoạn 2021-2030. Nếu tính hết cả nguồn cung hoàn thành hiện hữu và nguồn cung tương lai thì thị trường sẽ còn thiếu hơn 1 triệu căn, tương đương với 51% tổng nhu cầu.
Về phương diện người mua, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam cho biết để có thể sở hữu được một căn nhà ở xã hội, nhiều khách hàng đã phải đứng chờ đợi hàng tiếng đồng hồ để làm hồ sơ vì cung không đủ cầu.
Không chỉ vậy, giá bán nhà ở xã hội vẫn còn quá cao so với những người thuộc đối tượng quy định. Điều này dẫn đến việc người mua chịu nhiều áp lực tài chính khi phải cùng lúc gồng gánh tiền mua nhà và lãi suất trong thời hạn 5 năm.
Thêm vào đó, bà Trang Bùi cho rằng hiện tượng mua chênh, đầu cơ đang khiến một lượng không nhỏ căn hộ nhà ở xã hội lọt vào tay những người không thuộc diện quy định. Do vậy, các cơ quan chức năng cần có các biện pháp thắt chặt, rà soát hồ sơ để hạn chế hiện tượng này.
Đồng thời, song song với chú trọng phát triển nhà ở xã hội, vị chuyên gia cũng nhấn mạnh sự cần thiết ổn định giá cho các dự án nhà ở thương mại vừa túi tiền, nhằm đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân.