Vàng là một phần tất yếu trong cuộc sống hàng ngày của các nhà đầu tư Việt Nam
“Chúng ta đang sống trong thời kỳ hỗn loạn của nền kinh tế - vốn là kết quả từ căng thẳng địa chính trị trên khắp thế giới, cũng như sự leo thang của vật giá do lạm phát kinh tế kéo dài. Tuy nhiên, vàng vẫn mang lại rất nhiều lợi ích.
Theo kết quả nghiên cứu của Hội đồng Vàng Thế giới, vàng là ‘rào chắn’ hiệu quả chống lại lạm phát, đặc biệt trong bối cảnh lạm phát cao. Vàng còn là nơi trú ẩn an toàn của tài sản so với các kênh đầu tư khác xuyên suốt lịch sử. Vàng là hình thức đầu tư có tính linh hoạt đặc biệt, vì vàng vừa là một sản phẩm tiêu dùng, đồng thời cũng là một loại tài sản đầu tư.
Vàng mang lại sự đa dạng hóa cho danh mục đầu tư trong giai đoạn thị trường tài chính và tiền tệ bất ổn, đồng thời giá trị của vàng cũng được hưởng lợi từ sự phát triển của ngành trang sức và sự gia tăng nhu cầu về công nghệ trong thời kỳ tăng trưởng kinh tế”, ông Andrew Naylor – Giám đốc điều hành khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC) (không bao gồm Trung Quốc) tại Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), chia sẻ với chúng tôi.
Ngày nay, vàng mang lại 4 lợi ích quan trọng cho nhà đầu tư. Đầu tiên là lợi ích dài hạn, khi vàng có thể giúp nhà đầu tư thu lại lợi nhuận trong cả thời kỳ tăng trưởng lẫn thời kỳ suy thoái, đặc biệt mang lại sự ổn định khi thị trường lạm phát.
Thứ hai, vàng mang lại sự đa dạng hóa: vàng có tính chất khác với các loại tài sản khác, nên luôn giữ được giá trị khi các kênh đầu tư khác như trái phiếu hay thị trường cổ phiếu đang gặp khó khăn. Thứ ba, vàng bảo hiểm cho danh mục đầu tư cá nhân: vàng giúp giảm thiểu tính rủi ro của danh mục đầu tư cá nhân và thúc đẩy lợi nhuận thu về cao hơn.
Cuối cùng là tính thanh khoản: vàng rất phổ biến và là một thị trường lớn, nên vàng được trao đổi mua bán rất dễ dàng, thậm chí khi các thị trường đầu tư khác đang gặp khó khăn.
Ở khía cạnh khác, dựa trên nghiên cứu của Hội đồng Vàng thế giới thực hiện vào năm 2020 về người tiêu dùng vàng, những nhà đầu tư cá nhân Việt Nam nhìn nhận vàng là một phần tất yếu trong cuộc sống hàng ngày, với 72% đối tượng được khảo sát đều đang sở hữu vàng.
Khi được hỏi về cách thức đầu tư tài chính, 68% đối tượng khảo sát đều nhìn nhận vàng là kênh đầu tư đầu tiên họ nghĩ đến; 81% nhà đầu tư cho rằng vàng là biện pháp tốt chống lại các rủi ro trong thời kỳ bất ổn về kinh tế và chính trị. Mặt khác, 81% nhà đầu tư cho biết: sở hữu vàng mang lại cảm giác an toàn trong dài hạn và 79% nhà đầu tư chia sẻ ‘vàng là sự bảo hiểm an toàn trong thời kỳ lạm phát và biến động tỉ giá ngoại tệ’.
Và gần đây nhất, báo cáo Xu hướng Nhu Cầu Vàng quý II/2022 cho thấy rằng: trong bối cảnh lạm phát gia tăng làm suy yếu đồng Việt Nam, vàng trở thành nơi trú ẩn an toàn cho các nhà đầu tư cá nhân, thể hiện qua mức phí bảo hiểm cao kỷ lục đối với đầu tư vàng thỏi trong nước.
“Về sự khác biệt giữa các nhà đầu tư vàng ở thời điểm hiện tại và 5 trước, thì sự thay đổi lớn nhất đến từ cách thức mọi người tiếp cận với việc đầu tư vàng. Tài khoản trực tuyến vàng và vàng điện tử tuy vẫn còn khá mới mẻ tại Việt Nam, nhưng đã có một sức hút nhất định với các nhà đầu tư đang tìm kiếm lợi ích dịch vụ khi sở hữu vàng vật chất và sự tiện lợi trong quá trình mua, lưu trữ và bán vàng.
Đây là xu hướng chung có thể quan sát được ở các thị trường quốc tế, nơi mà ưu thế của của các tài khoản đầu tư vàng - bao gồm kế hoạch tích lũy vàng, được củng cố”, ông Andrew Naylor phân tích.
Từ năm 2021 đến nay, vàng là một trong những loại tài sản có lợi suất tốt nhất
Cũng như các kênh đầu tư khác, vàng cũng đã chịu nhiều tác động cả tiêu cực lẫn tích cực bởi cuộc chiến Nga – Ukraine, khiến tình trạng lạm phát đang bắt đầu manh nha ở nhiều nước trên khắp thế giới – đặc biệt là ở phương Tây. Tuy nhiên, theo lãnh đạo khu vực APAC của WGC thì nếu nhìn bức tranh rộng hơn, trong tương quan các kênh đầu tư khác, vàng vẫn rất đáng được các nhà đầu tư Việt cân nhắc.
Ông tiếp tục phân tích: ở giai đoạn đầu của cuộc chiến giữa Nga – Ukraine, mọi người có xu hướng tìm đến những loại tài sản an toàn, đó là lý do tại sao thị trường vàng trong quý đầu tiên của năm 2022 có những tăng trưởng tích cực. Tuy nhiên, căng thẳng kéo dài từ cuộc chiến đã dẫn đến lạm phát toàn cầu.
Theo đó, các Ngân hàng Trung ương phải nâng cao lãi suất để đối phó với tình hình lạm phát. Việc này sẽ nhất thời gây ảnh hưởng đến thị trường vàng. Nhưng trong trung hạn, vàng vẫn sẽ được cân nhắc và là phương án tốt để bảo vệ tài sản khỏi lạm phát. Việc này có khả năng sẽ trở thành động lực thúc đẩy chính.
Mặc dù giá vàng thế giới có xu hướng sụt giảm cho đến thời điểm hiện tại, lãi suất của vàng vẫn cao hơn nhiều loại tài sản khác, hiện đang rơi vào tình trạng suy thoái hơn nhiều. Thị trường ngoại hối nội địa hiện cũng trải qua nhiều biến động, điều này có thể kích thích nhu cầu đầu tư vàng.
“Vàng giúp nhà đầu tư có thể đối phó được với những chi phí bất ngờ, cũng như gia tăng tài sản tiết kiệm theo thời gian.
Trong thị trường đầu tư, các loại tài sản có tính thanh khoản cao đều dễ dàng mua và bán. Vàng được giao dịch hằng ngày trên khắp thế giới với trị giá lên đến hàng trăm tỉ đô. Điều này cho thấy vàng là một trong những loại tài sản có tính thanh khoản cao nhất, cho nên rất dễ dàng mua và bán vàng.
Vàng được sử dụng rộng rãi trong trang sức, công nghệ và rất nhiều lĩnh vực, thế nhưng tài nguyên vàng lại có giới hạn, chính vì vậy vàng luôn là kim loại quý. Nhu cầu về vàng cùng sự khan hiếm của nguồn tài nguyên khiến giá trị của vàng luôn trường tồn theo thời gian”, ông Andrew Naylor phân tích kỹ hơn.
Còn về các kênh đầu tư khác – ví dụ như tiền ảo, dù đang được giới đầu tư Việt Nam bắt đầu tiếp nhận, nhưng vẫn khá thận trọng và chưa hợp pháp. Đối với nhà đầu tư không yêu thích mạo hiểm, coin không có được vị thế như vàng.
Giám đốc điều hành khu vực APAC (không bao gồm Trung Quốc) tại WGC cho biết: tiền ảo (tiền mã hóa) ngày càng đóng vai trò quan trọng trong thị trường tài chính, tuy nhiên thị trường tiền ảo đang trải qua rất nhiều biến động lớn trong 6 tháng vừa qua, do liên tục chịu ảnh hưởng bởi sự thắt chặt thanh khoản và số liệu không mấy khả quan từ thị trường chứng khoán.
Bên cạnh những rủi ro từ thị trường, tiền ảo cũng phát sinh những rủi ro về pháp lý và các bên tham gia giao dịch. Nghiên cứu của Hội đồng Vàng thế giới cho thấy: các nhà đầu tư đã nhận thức được những rủi ro của việc đầu tư vào tiền ảo.
Cụ thể: tại Việt Nam, có 32% nhà đầu tư nhìn nhận việc đầu tư tiền ảo mang tính rủi ro lớn dù có tiềm năng thu về lợi nhuận cao, hay đầu tư tiền ảo là một sự đặt cược hoàn toàn mang tính may rủi. Phản ánh quan điểm này, chỉ 6% người được khảo sát đồng ý rằng tiền ảo là một kênh đầu tư an toàn mà họ không cần phải lo lắng quá nhiều.
Sự nhận thức về vàng của những nhà đầu tư được khảo sát lại khác hẳn so với nhận thức của họ về tiền ảo; họ cho rằng vàng là một kênh trú ẩn an toàn, và một phương án chống lạm phát hiệu quả. Việc này có thể giải thích nguyên nhân tại sao vàng được đầu tư nhiều hơn tiền ảo vào năm ngoái.
Cũng dựa trên nghiên cứu, 44% người được khảo sát đã đầu tư vào vàng trong 10 tháng đầu của năm 2021. Nghiên cứu cũng cho thấy xu và thỏi vàng là hai trong số lựa chọn phổ biến nhất. “Từ năm 2021 đến nay, vàng là một trong những loại tài sản có lợi suất tốt nhất”, ông Andrew Naylor khẳng định
VẪN CÒN RẤT NHIỀU TIỀM NĂNG ĐỂ THỊ TRƯỜNG VÀNG TẠI VIỆT NAM TIẾP TỤC TĂNG TRƯỞNG TRONG TƯƠNG LAI
Hiện tại, mặc dù nhiều người trẻ tại Việt Nam chưa quan tâm nhiều đến kênh đầu tư truyền thống là vàng, song ông Andrew Naylor vẫn rất lạc quan vào tương lai của nó ở thị trường Việt.
Theo ông, xuyên suốt lịch sử, Việt Nam luôn đóng một vai trò lớn trong thị trường vàng toàn cầu. Vàng luôn giữ vai trò ưu tiên đối với các nhà đầu tư tại Việt Nam vì tính đảm bảo của loại tài sản này trong những giai đoạn bất ổn, cũng như khả năng bảo vệ tài sản của vàng trước lạm phát và biến động tiền tệ.
“Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều tiềm năng để thị trường tiếp tục tăng trưởng - phần lớn nhu cầu tại Việt Nam chỉ giới hạn ở trang sức, thỏi và xu vàng được mua trực tiếp tại cửa hàng. Khi hệ thống ngân hàng của Việt Nam tiếp tục chuyển đổi, sẽ có nhiều cơ hội mới để đầu tư vào vàng được mở ra, bao gồm tài khoản vàng kỹ thuật số.
Quá trình chuyển đổi số hóa cũng có vai trò trong việc phổ biến về giá trị của vàng, cũng như tính kinh tế của nó, vì tài khoản vàng có thể cho phép các nhà đầu tư mua và bán vàng vật lý có giá trị nhỏ, hoặc tích lũy vàng có lãi”, lãnh đạo vùng của WGC giải thích.
Ngoài ra, cũng theo ông, thì việc mức giá vàng của Việt Nam luôn chậm hơn xu thế thị trường vài nhịp sẽ tiếp tục diễn ra trong tương lai, vì chúng ta không phải là nước sản xuất vàng và liên quan đến chuỗi cung ứng.
Khai thác vàng là một lĩnh vực kinh tế mang tính toàn cầu, với các hoạt động khai thác diễn ra trên mọi lục địa, ngoại trừ Nam Cực và cũng rất đa dạng về loại hình và quy mô. Trong khu vực, Trung Quốc, Úc và Indonesia là các nhà sản xuất vàng lớn. Một nguồn cung cấp vàng khác là quá trình tái chế và xử lý phế liệu của các nhà máy tái chế và lọc dầu trên khắp thế giới.
“Giá vàng toàn cầu là giá của 1 ounce vàng nguyên chất trong một thỏi vàng London Good Delivery. Giá vàng tại mỗi địa phương sẽ khác nhau, tùy thuộc vào loại thỏi vàng, trọng lượng và độ tinh khiết. Các thỏi vàng này sẽ có những chi phí sản xuất khác nhau. Một yếu tố khác là chuỗi cung ứng: Việt Nam không phải là nước sản xuất vàng; và việc nhập khẩu, vận chuyển và lưu trữ đều ảnh hưởng đến giá vàng địa phương”, ông Andrew Naylor kết luận.