Ông Augustín Carstens, Tổng giám đốc Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) đang có chuyến thăm Việt Nam đầu tiên, kể từ khi Việt Nam chính thức gia nhập BIS. Tổng giám đốc BIS đã có cuộc trao đổi với báo chí xung quanh triển vọng kinh tế toàn cầu và những thách thức mà các ngân hàng trung ương phải đối mặt trong thời gian tới, trong đó có Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Ông nhìn nhận như thế nào về bức tranh kinh tế toàn cầu hiện nay, nhất là khi lạm phát vẫn chưa thuyên giảm trên toàn thế giới nói chung và khu vực châu Á nói riêng, trong đó có Việt Nam, thưa ông?
Khả năng phục hồi của nền kinh tế thế giới đã được cải thiện trong những tháng gần đây khi lạm phát tiếp tục hạ nhiệt. Tuy nhiên, sự khác biệt giữa các nước ngày càng trở nên rõ nét. Ở một số nước, chi phí huy động vốn tăng và thương mại suy giảm đã ảnh hưởng tới triển vọng kinh tế.
Lạm phát tiếp tục giảm trong những tháng gần đây nhưng vẫn ở mức cao ở hầu hết các nước. Giá hàng hóa tăng và khả năng xảy ra vòng xoáy giá cả - tiền lương ở một số nền kinh tế phát triển vẫn là những rủi ro chính.
Ông Augustín Carstens
Tuy nhiên, các nền kinh tế mới nổi, đặc biệt là ở châu Á, vẫn thể hiện sự vững vàng. Các nước này đã thắt chặt chính sách hợp lý trước tình trạng lạm phát tăng cao và triển khai các công cụ chính sách khác khi cần thiết. Điều này góp phần củng cố tỷ giá hối đoái và tăng cường độ tin cậy vào khuôn khổ chính sách tiền tệ, giúp các nền kinh tế này chống chọi được với tác động lan tỏa từ việc tăng mạnh lãi suất ở các nền kinh tế phát triển.
Ngoài ra, không thể không nhắc đến nỗ lực thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ và đồng bộ của các ngân hàng trung ương đã giúp kéo giảm lạm phát từ mức đỉnh vào giữa năm 2022. Có thể thấy, lạm phát tiếp tục giảm trong những tháng gần đây nhưng vẫn ở mức cao ở hầu hết các nước. Giá hàng hóa tăng và khả năng xảy ra vòng xoáy giá cả - tiền lương ở một số nền kinh tế phát triển vẫn là những rủi ro chính.
Câu chuyện ở châu Á có phần tích cực hơn. Lạm phát nhìn chung đạt hoặc gần mục tiêu ở hầu hết các nước, trừ Trung Quốc có mức lạm phát gần bằng 0. Đối với các ngân hàng trung ương, nhiệm vụ là rất rõ ràng: khôi phục ổn định giá cả. Việc lạm phát tăng cao sẽ gây ra tổn thất to lớn cho xã hội và nền kinh tế, và sẽ không ai được lợi trong hoàn cảnh đó. Thực tế, lạm phát tăng không giúp lương tăng cao, nó không mang lại sự tăng trưởng và cũng không giúp củng cố sự ổn định tài chính.
Nhiều ngân hàng trung ương đã đưa ra thông điệp rõ ràng: cuộc chiến chống lạm phát vẫn chưa kết thúc, vì vậy các nhà hoạch định chính sách không được mất cảnh giác.
Việc cân bằng giữa ổn định giá cả và ổn định tài chính là vấn đề lâu dài của các ngân hàng trung ương, tuy nhiên, đây lại là mối lo rất lớn hiện nay, nhất là những bất ổn trong hệ thống ngân hàng châu Âu và Mỹ hồi đầu năm chưa giải quyết triệt để. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào và lời khuyên của ông là gì?
Để duy trì niềm tin của thị trường tài chính đòi hỏi các tổ chức tài chính phải ổn định và duy trì khả năng thanh toán. Đây là lý do vì sao các ngân hàng trung ương và cơ quan giám sát an toàn vĩ mô được giao nhiệm vụ giám sát sự ổn định tài chính và thiết lập các quy tắc bảo vệ hệ thống tài chính.
Những bất ổn trong hệ thống ngân hàng đầu năm nay đã nhắc nhở chúng ta về giá trị và tầm quan trọng của những biện pháp bảo vệ này. Mặc dù trách nhiệm chính về việc đảm bảo an toàn và khả năng thanh toán của các ngân hàng thuộc về các nhà quản lý hệ thống ngân hàng, tuy nhiên các nước vẫn cần có một cơ chế giám sát hiệu quả để can thiệp kịp thời nhằm ngăn chặn sự đổ vỡ của một tổ chức gây mất ổn định cho toàn bộ hệ thống. Qua những sự việc này, chúng ta cũng một lần nữa nhìn thấy tầm quan trọng của các chuẩn mực ngân hàng Basel III, đặt ra khuôn khổ để xây dựng khả năng chống đỡ của các ngân hàng trước những cú sốc bất ngờ.
BIS rất vui được hợp tác với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong những nỗ lực này, bao gồm thông qua một số dự án do hai Trung tâm Đổi mới Sáng tạo BIS tại châu Á đang thực hiện.
Ông Augustín Carstens
Sự vào cuộc nhanh chóng của các cơ quan chức năng, đặc biệt là các ngân hàng trung ương, đã giảm thiểu tác động của tình trạng hỗn loạn. Về lâu dài, việc thực hiện các chuẩn mực Basel III, đã được các ngân hàng lớn trên thế giới áp dụng, đã giúp bảo vệ hệ thống ngân hàng toàn cầu và nền kinh tế khỏi nguy cơ xảy ra những cuộc khủng hoảng ngân hàng nghiêm trọng hơn.
Thông lệ quản lý rủi ro và các cơ chế quản trị ngân hàng là yếu tố quan trọng nhất giúp đảm bảo khả năng chống đỡ của hệ thống ngân hàng cả về tài chính và hoạt động.
Đồng thời, việc giám sát hiệu quả và mạnh mẽ cũng đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo hoạt động an toàn và lành mạnh của hệ thống ngân hàng. Điều quan trọng là các cơ quan giám sát cần hành động sớm và hiệu quả để xác định và kịp thời khắc phục những nhược điểm trong hoạt động của hệ thống ngân hàng. Ngoài ra, một khuôn khổ quản lý an toàn, vững mạnh để đảm bảo sự ổn định tài chính cũng rất quan trọng.
Hệ thống tài chính ở châu Á nhìn chung có khả năng chống chịu tốt nhờ những nỗ lực của các nhà hoạch định chính sách châu Á trong việc củng cố các khuôn khổ chính sách tài chính vĩ mô, đặc biệt sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, và triển khai các công cụ này một cách nhanh chóng khi có nguy cơ xảy ra khủng hoảng.
Tôi cũng đánh giá cao những nỗ lực của các quốc gia châu Á trong việc tăng cường khả năng chống chịu của hệ thống tài chính để chuẩn bị cho những thách thức phía trước. Trong bối cảnh đó, BIS cam kết hỗ trợ và đồng hành với các quốc gia trong những nỗ lực tăng cường ổn định của hệ thống tài chính.
Giới phân tích nhìn nhận BIS là tổ chức đi đầu trong đổi mới kỹ thuật số, điển hình là thành lập các Trung tâm Đổi mới Sáng tạo trên toàn thế giới, bao gồm châu Á. Ông đánh giá thế nào về vai trò của công nghệ đối với hệ thống tài chính nói chung và ngành ngân hàng nói riêng và sự hợp tác giữa BIS và ngành ngân hàng Việt Nam thời gian tới là gì, thưa ông?
Chúng ta không thể phủ nhận những đổi mới, sáng tạo về công nghệ trong lĩnh vực dịch vụ tài chính đang phát triển nhanh chóng và ảnh hưởng mạnh mẽ tới ngân hàng trung ương và hệ thống tài chính toàn cầu.
Những đổi mới này có khả năng nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống tài chính và thúc đẩy tài chính toàn diện. Một nghiên cứu của BIS đã chỉ ra rằng nhờ công nghệ, Ấn Độ chỉ mất 8 năm để đạt được mức độ tiếp cận tài chính trong khi đáng lẽ phải mất 47 năm mới đạt được nếu dựa vào các quy trình tăng trưởng truyền thống.
Mặt khác, chúng ta cũng cần lưu ý nếu những sáng tạo này không được quản lý hợp lý sẽ tác động tiêu cực đến sự cạnh tranh và đe dọa đến quyền riêng tư.
Ở bức tranh vĩ mô, các ngân hàng trung ương là trung tâm của sự phát triển đang định hình ngành tài chính và nền kinh tế nói chung, từ bản chất của tiền tệ, đến hệ thống thanh toán và quản lý hệ thống tài chính. Do đó, các ngân hàng trung ương cần cập nhật và nâng cấp các công cụ chính sách của mình để ứng phó với những sự thay đổi này.
Để nắm bắt được các cơ hội mở ra từ những đổi mới tiền tệ và thanh toán, tôi cho rằng các ngân hàng trung ương cần phải thay đổi tư duy và có tầm nhìn bao quát.
BIS đang tích cực hỗ trợ các ngân hàng trung ương trên thế giới trong quá trình tìm hiểu, khám phá các khả năng tiềm tàng của đồng tiền thông qua việc xây dựng và triển khai các dự án và làm chất xúc tác cho những ý tưởng mới trong thế giới ngân hàng trung ương. Chúng tôi đang triển khai các dự án ứng dụng tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương ở cả cấp độ bán buôn và bán lẻ, kết nối các hệ thống thanh toán nhanh, mã hóa các loại tài sản khác nhau, bao gồm cả tiền gửi.
Để tận dụng đủ tiềm năng chuyển đổi của các công nghệ tài chính mới, ý tưởng xây dựng một “sổ cái thống nhất” với môi trường lập trình chung tỏ ra đầy hứa hẹn. Trong một bài phát biểu tại Singapore hồi đầu năm, tôi đã ủng hộ ý tưởng này.
Mặc dù vẫn còn sớm để BIS đưa các chi tiết vào kế hoạch cụ thể cho hệ thống tiền tệ trong tương lai, nhưng tôi nghĩ chúng ta có một cơ sở vững chắc để bắt đầu thực hiện việc này, dựa trên nhiều nghiên cứu khác nhau mà BIS đã thực hiện trong vài năm qua, bao gồm cả thông qua các Trung tâm Đổi mới Sáng tạo trên khắp thế giới.
Tôi được biết chuyển đổi số và những tác động của nó đối với hệ thống tài chính và bối cảnh ngân hàng ở Việt Nam là một trong những ưu tiên trong chương trình nghị sự của Ngân hàng Nhà nước. Mới đây nhất, Ngân hàng Nhà nước đã tham gia sáng kiến kết nối thanh toán khu vực nhằm phát triển thanh toán xuyên biên giới nhanh hơn, rẻ hơn, minh bạch hơn và toàn diện hơn giữa các quốc gia Đông Nam Á.
BIS rất vui được hợp tác với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong những nỗ lực này, bao gồm thông qua một số dự án do hai Trung tâm Đổi mới Sáng tạo BIS tại châu Á đang thực hiện.
Trong vài năm qua, BIS đã tăng cường nỗ lực trong lĩnh vực đổi mới và chia sẻ kiến thức. Trung tâm Đổi mới Sáng tạo BIS như một nền tảng để thúc đẩy sự đổi mới, và hợp tác chặt chẽ với các thành viên để nghiên cứu, tìm tòi về những công nghệ đang thay đổi bức tranh tài chính nhanh chóng. Liên quan đến vấn đề này, tôi rất vui mừng khi biết rằng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các Trung tâm Sáng tạo Đổi mới của chúng tôi đang nghiên cứu các cơ hội hợp tác và đổi mới chung, bao gồm cả lĩnh vực liên kết các hệ thống thanh toán nhanh xuyên biên giới trong khu vực. Chúng tôi mong muốn có thêm sự hợp tác trong lĩnh vực này trong thời gian tới.
Kể từ khi Việt Nam chính thức gia nhập BIS, đây là lần đầu ông đến Việt Nam, xin hỏi: Ngân hàng Nhà nước Việt nam cần làm gì để tối đa hoá lợi ích khi là thành viên của BIS?
Tôi rất vui mừng được đến thăm Việt Nam lần này, cũng là lần đầu tiên kể từ khi Ngân hàng Nhà nước gia nhập BIS. Tôi đã hy vọng được đến thăm đất nước của các bạn sớm hơn nhưng do đại dịch Covid-19 nên chuyến thăm đã phải lùi lại đến bây giờ.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã trở thành một thành viên ngày càng tích cực và quan trọng của cộng đồng BIS hai năm qua, bao gồm cả việc tham gia các cuộc họp của chúng tôi tại Basel và châu Á. Chúng tôi cũng chào đón các cán bộ của Ngân hàng Nhà nước làm việc tại Văn phòng châu Á ở Hồng Kông trong chương trình biệt phái. Tôi cũng rất hân hạnh khi được gặp lại Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khi bà đến thăm Basel vào tháng 6 vừa qua.
Là tổ chức tài chính quốc tế lâu đời nhất thế giới, sứ mệnh của BIS là hỗ trợ các ngân hàng trung ương theo đuổi sự ổn định tài chính và tiền tệ thông qua hợp tác quốc tế và hoạt động như một ngân hàng của các ngân hàng trung ương.
Cụ thể hơn, chúng tôi đóng vai trò là diễn đàn đối thoại và hợp tác quốc tế rộng rãi giữa các ngân hàng trung ương, vì vậy việc tham gia thường xuyên vào các hoạt động của BIS, đặc biệt là ở cấp Thống đốc, là điều quan trọng để các ngân hàng trung ương trao đổi quan điểm, hình thành sự hiểu biết chung và đưa ra quyết định cho nhiều vấn đề liên quan.
BIS cũng đóng vai trò là ban thư ký cho nhiều cơ quan thiết lập tiêu chuẩn toàn cầu khác nhau cho hệ thống tài chính quốc tế như Ủy ban Basel và Giám sát Ngân hàng, Ủy ban Thanh toán và Cơ sở hạ tầng Thị trường, … Sự tham gia tích cực trong các Ủy ban này giúp ngân hàng trung ương và các cơ quan tài chính khác trong việc thực hiện các tiêu chuẩn quản lý toàn cầu và giám sát hợp lý.
Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (tiếng Anh: Bank for International Settlements; viết tắt: BIS) là một tổ chức quốc tế của các ngân hàng trung ương, thậm chí có thể nói nó là ngân hàng trung ương của các ngân hàng trung ương trên thế giới. BIS có vai trò thúc đẩy sự hợp tác giữa các ngân hàng trung ương và các cơ quan khác để ổn định tiền tệ và tài chính. Hoạt động của BIS được thực hiện bởi các tiểu ban, ban thư ký của nó và bởi hội nghị toàn thể các thành viên được tổ chức hàng năm. BIS cũng cung ứng các dịch vụ ngân hàng, nhưng chỉ cho ngân hàng trung ương, hoặc các tổ chức quốc tế tương tự nó. BIS được thành lập năm 1930 theo Hiệp ước Hague và có trụ sở chính tại Basel, Thụy Sĩ.
Nguồn: Wikipedia