Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) ngày 5/12 đã có quyết định điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm khoảng 1,5 - 2% cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng. Đồng nghĩa, quy mô tín dụng ước tính có thể tăng thêm hơn 150.000 - 200.000 tỷ đồng.
Đây được đánh giá là một thông tin tích cực cho nền kinh tế, mặc dù NHNN yêu cầu tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên. Đối với lĩnh vực bất động sản, thời gian qua cũng có không ít đề xuất cho rằng NHNN nên nới trần tín dụng thêm 1 – 2% để hỗ trợ thị trường vượt qua khó khăn.
Nhiều chuyên gia cho rằng, đây là hành động rất cần thiết lúc này đối với thị trường bất động sản. Song, để vực dậy thị trường không chỉ cần tiền mà còn phải giải quyết vấn đề gốc rễ là pháp lý.
Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch thường trực Câu lạc bộ bất động sản Hà Nội cho rằng, số tiền 150.000 - 200.000 tỷ đồng quy mô tín dụng tăng thêm không phải toàn bộ sẽ đổ vào bất động sản, mà ưu tiên phục vụ các ngành nghề kinh doanh sản xuất. Song, động thái rất tích cực, sẽ giúp củng cố niềm tin, tạo tín hiệu lạc quan hơn đối với thị trường.
“Theo tôi, việc nới room tín dụng lúc này là kịp thời, cho thấy Chính phủ đang có những động thái tháo gỡ cho thị trường bất động sản. Đến năm 2023, sẽ có tiếp tục có thêm room tín dụng của năm mới, từ đó, thị trường sẽ có thêm những giao dịch từ nhu cầu thực, và một số nhà đầu tư nhỏ lẻ”, ông Điệp nói.
Song, ông Điệp cho rằng, dòng tiền hiện nay cũng rất quan trọng, nhưng chỉ giải quyết vấn đề ngay trước mắt. Còn gốc rễ phải tháo gỡ được các vấn đề liên quan tới pháp lý.
“Tôi cho rằng, sốc lại thị trường không chỉ là vấn đề tiền mà còn phải hoàn thiện luật liên quan tới bất động sản. Đây sẽ là kim chỉ nam để thị trường phát triển lành mạnh và bền vững”, ông Điệp khẳng định.
Bên cạnh đó, vị chuyên gia cho rằng, việc thành lập tổ công tác đặc biệt của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cũng tạo ra được tâm lý lạc quan trên thị trường. Nhưng cần có những giải pháp đồng bộ, tránh trường hợp manh mún, gỡ được chỗ này nhưng lại khó chỗ khác.
TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc Cấp cao Bộ phận Tư vấn Đầu Tư Savills Việt Nam cũng đưa ra nhận định, thị trường bất động sản đã đối mặt với khó khăn về mặt pháp lý trong nhiều năm qua. Do đó, vấn đề tài chính chỉ là một yếu tố khiến tình trạng này khó khăn thêm.
“Để thị trường có thể phục hồi mạnh mẽ trở lại cần phải có hỗ trợ về pháp lý trong việc phát triển dự án cho các doanh nghiệp. Hy vọng trong thời gian tới, những nút thắt này sớm được tháo gỡ để tạo ra một môi trường kinh doanh lành mạnh, thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư cũng như giải quyết được bài toán về nhà ở cho đại bộ phận người dân, giúp họ có thể tiếp cận với ước mơ sở hữu nhà ở với mức giá hợp lý hơn”, ông nhấn mạnh.
Chuyên gia cho rằng, những dự án đang dở dang cần phải được giải ngân để tiếp tục quá trình xây dựng, tạo ra nguồn cung mới cho thị trường, không làm khó người mua. Đối với những dự án đã hoàn thành thủ tục pháp lý, đủ điều kiện để đi vay và hoàn thành thì cần cân nhắc trong việc cho vay vốn đầu tư.
Đối với những dự án chưa đủ điều kiện, các chủ đầu tư cần chờ thêm một thời gian để hoàn tất đầy đủ các thủ tục cần thiết để đảm bảo tính minh bạch của thị trường và quyền lợi của các bên. Ngoài ra các chủ đầu tư cần có thêm bổ sung nguồn vốn từ FDI, các quỹ đầu tư hoặc các đối tác liên doanh để giải quyết bài toán khó khăn về tài chính.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP. HCM (HoREA), vướng mắc lớn nhất của thị trường là pháp lý, chiếm 70% khó khăn của các dự án bất động sản, nhà ở trong quá trình chuẩn bị đầu tư, xây dựng và kinh doanh, mà nguyên nhân chủ yếu là do một số quy định pháp luật không đồng bộ, thống nhất.
Vướng mắc lớn thứ hai là thủ tục hành chính rắc rối, phức tạp, thiếu đồng bộ, liên thông làm kéo dài thời gian thực hiện các thủ tục hành chính đối với các dự án bất động sản, nhà ở thương mại và cả dự án nhà ở xã hội (mất khoảng 3-5 năm), thậm chí làm mất cơ hội kinh doanh và tăng chi phí đầu tư của doanh nghiệp,…