Trong quý 2 và quý 3 tới đây, trái phiếu doanh nghiệp bất động sản ghi nhận giá trị đáo hạn lớn. Chia sẻ tại chương trình Bí mật đồng tiền, Mr. X30 Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng kiêm Trưởng ban Đào tạo và Phát triển, Chứng khoán SSI nhận định: "Thực tế, nhiều khi lượng TPDN đáo hạn là những trái phiếu không trả được nợ. Doanh nghiệp kéo dài thời hạn trả nợ nên thời gian đáo hạn sẽ chạy từ quý này qua quý khác. Hơn nữa, con số các quý sau sẽ còn cao hơn quý trước."
Theo quan điểm của ông Hưng, việc đáo hạn trái phiếu phụ thuộc nhiều vào khả năng đàm phán của các trái chủ để có thể kéo dài thời gian trả nợ. Đồng thời, cuối tháng 4 sẽ đón nhận một số chính sách mới được ban hành, đến lúc này mới có thể đánh giá được.
Dưới góc nhìn đầu tư chứng khoán, bà Nguyễn Thị Thu Dung, Giám đốc Kinh doanh Hội sở, Chứng khoán SSI cho biết bản thân nhìn nhận 3 câu chuyện về chính sách như sau:
Thứ nhất, chính sách tiền tệ tác động nhanh tới thị trường như Thông tư 26 về việc điều chỉnh cách tính LDR: Dư nợ tín dụng/ Vốn huy động. Tổng số tiền gửi có kỳ hạn ở KBNN được phân bổ theo từng giai đoạn được tính vào tổng huy động. Chính sách này ít nhất đã bơm thêm 150.000 tỷ cho các ngân hàng để có thể tạo ra thanh khoản tốt nhất cho các nhà băng, cho vay trong thời gian tới. Rõ ràng, những chính sách này tác động nhanh tới thị trường. Khi chính sách được công bố hồi cuối năm 2022, nhiều cổ phiếu ngân hàng lớn đã có mức tăng trưởng giá tốt.
Thứ hai, chính sách tác động chậm: NHNN đã 2 lần công bố giảm lãi suất điều hành tháng 3 vừa qua. Động thái này tác động sâu rộng về sau với mục tiêu là giảm lãi suất huy động, giảm lãi suất cho vay và qua đó tiết giảm chi phí các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, dòng tiền thông minh lâu nay chờ đợi cơ hội khi CSTT bớt thắt chặt và được nới lỏng sẽ tham gia vào chứng khoán. Thực tế, khi chính sách được công bố, dòng tiền trên TTCK đã quay trở lại và nhóm chứng khoán lập tức được hưởng lợi.
Ngoài ra, một số chính sách khác có thể tác động sâu tới nền kinh tế như Nghị định 12 của Chính phủ giúp gia hạn thời gian đóng thuế VAT, thuế TNDN, thuế TNCN thêm 6 tháng và gia hạn 50% tiền thuế đất thêm 3 tháng. Đối với doanh nghiệp trên thị trường, chính sách trên góp phần giảm áp lực về tài chính để đưa thêm lượng tiền vào hoạt động sản xuất kinh doanh.
"Hay việc giảm thuế VAT cũng sẽ giúp tác động sâu rộng, kích thích nhu cầu trở lại thị trường của doanh nghiệp . Những chính sách "thẩm thấu" chậm hơn sẽ mang lại hiệu quả thực sự", bà Dung cho hay.
Thứ ba, các chính sách hành lang cũng sẽ đem đến một phản ứng khác, ví dụ như thời gian thanh toán trái phiếu được giãn tới 2 năm. Rõ ràng, chính sách này giúp các doanh nghiệp bất động sản để có thể gia hạn thời hạn trả nợ. Tuy nhiên, đây chỉ là hành lang pháp lý có tác động tới "sóng" trên thị trường trong ngắn hạn.
Tín hiệu tích cực trên thị trường chứng khoán
Mặt khác, đánh giá về dòng tiền, Giám đốc kinh doanh Hội sở SSI nhận định thanh khoản trên thị trường chứng khoán khá thấp gần đây, nguyên nhân do báo cáo KQKD chưa được công bố, nhà đầu tư đang theo dự phóng và kỳ vọng của bản thân để tham gia thị trường. Song càng đến gần ngày công bố, NĐT sẽ ở trạng thái chờ đợi.
Đồng thời, bà Dung cũng chỉ ra một điểm tích cực thời điểm hiện tại là thanh khoản trên thị trường chứng khoán phái sinh đang liên tục sụt giảm thời gian gần đây. Từ đầu tháng 4, thanh khoản CKPS chỉ bằng một nửa so với ngày 20/3 trở đi, thanh khoản trên thị trường cơ sở ngược lại có sự gia tăng.
Có thể thấy rằng, nhà đầu tư tham gia phái sinh trong các giai đoạn trước do thị trường cơ sở khó kiếm lợi nhuận. Họ lựa chọn kênh phái sinh có thể giao dịch T0 và kiếm lời kể cả khi thị trường giảm.
Tuy nhiên, chính sách tiền tệ được nới lỏng, thanh khoản hệ thống tích cực hơn, nhà đầu tư đã thay đổi tư duy và dịch chuyển dòng tiền vào thị trường cơ sở.
"Rõ ràng, bất chấp những giai đoạn khối ngoại bán ròng, nhưng thanh khoản trên thị trường vẫn có thể "chống đỡ". Thị trường giao dịch với thanh khoản thấp phù hợp với những yếu tố trên, ít nhất vẫn xuất hiện nhiều tín hiệu tích cực", Giám đốc kinh doanh SSI nêu rõ.