Nhìn lại những tháng đầu tiên của 2023, các doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều thách thức xen lẫn cơ hội. Những khó khăn đến từ diễn biến phức tạp của thị trường trong nước, tình hình lạm phát của thế giới cùng với nguy cơ suy thoái kinh tế và rủi ro hệ thống tài chính toàn cầu. Tuy nhiên, bức tranh kinh tế quý I đã dần xuất hiện những "gam màu sáng" có thể hỗ trợ các doanh nghiệp như Nghị định 08/2023 sửa đổi, Nghị định 65/2022 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ được ban hành và ngân hàng nhà nước điều chỉnh giảm các loại lãi suất điều hành để hỗ trợ nền kinh tế.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê mới đây cho biết, Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2023 ước tính tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước. Chia sẻ tại chương trình Bí mật đồng tiền số 4 mùa 2, Mr. X30 Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng kiêm Trưởng ban Đào tạo và Phát triển, CTCP Chứng khoán SSI cho biết do số liệu tăng trưởng 2 tháng đầu năm không quá khả quan, GDP tăng trưởng trong quý 1/2023 không phải quá xấu.
Tuy nhiên, xét theo các thành phố, tăng trưởng ở một số nơi là khá thấp. Thành phố Hồ Chí Minh chỉ tăng trưởng 0,7%, một số tỉnh có mức sản xuất công nghiệp lớn như Bắc Ninh, Bình Dương, Vĩnh Phúc cũng đạt mức tăng thấp, thậm chí còn ghi nhận âm 2 con số. Mr. X30 đánh giá rằng những điều này thể hiện khá rõ tình hình sản xuất công nghiệp Việt Nam hiện nay không mấy tích cực.
Trong quý 2/2023 sắp tới đây, kinh tế trưởng SSI cho biết áp lực tăng trưởng GDP là khá cao khi mục tiêu của chính phủ có phần thách thức, lên tới 6-7%.
Tựu chung, vị chuyên gia đặt mối quan tâm hàng đầu vào chỉ tiêu lạm phát cơ bản: “Lạm phát cơ bản 3 tháng nay vẫn trên 5%, đồng thời chưa cho thấy dấu hiệu tạo đỉnh. Đây là mối quan tâm của tôi ở thời điểm hiện tại, lạm phát cơ bản quá cao và duy trì lâu trong khoảng 3 tháng”.
Chuyên gia nói gì về nhóm đầu tư công và bán lẻ?
Nhìn vào GDP, ngành công nghiệp và xây dựng tăng trưởng không mấy tích cực. Trong khi nhóm công nghiệp hầu như giảm hết, ngành xây dựng tăng một chút 1%-2%, song vẫn lạc quan hơn các ngành khác ở thời điểm này.
Theo quan sát của ông Phạm Lưu Hưng, do đặc thù các doanh nghiệp trong nhóm tương đối nhỏ, nhiều nhà đầu tư tổ chức không quá ưu tiên đầu tư nhóm đầu tư công. Còn phía nhà đầu tư cá nhân, vẫn có khả năng lựa chọn nhóm ngành này.
Trên một góc nhìn khác tại nhóm doanh nghiệp bán lẻ, ông Bùi Văn Tốt, Giám đốc đầu tư, Công ty quản lý quỹ SSIAM đánh giá ngành bán lẻ nói chung đang rất khó khăn, ngay cả những doanh nghiệp top đầu như MWG hay FRT đều đặt kế hoạch thận trọng. Thậm chí, FPT Retail đặt mục tiêu lợi nhuận 2023 giảm tới 50% so với năm 2022.
Chuyên gia SSIAM cho biết không chỉ mặt hàng không thiết yếu bị ảnh hưởng bởi nhu cầu sụt giảm mà các mặt hàng thiết yếu cũng ảnh hưởng khá lớn. Các quỹ đầu tư đã nhìn nhận được vấn đề này khiến giá cổ phiếu MWG theo đó biến động mạnh trong thời gian vừa qua.
Về mặt kinh doanh, ông Tốt chia sẻ rằng năm 2023 sẽ là một năm đầy khó khăn với ngành bán lẻ, nhưng điểm tích cực là doanh nghiệp đang có sự chuẩn bị nhất định. Điển hình là MWG, họ giảm tỷ lệ cổ tức để ưu tiên cho dòng tiền, cũng như cắt giảm một số cửa hàng hoạt động không hiệu quả. Trước đây, MWG mở rộng quy mô do đánh giá quá lạc quan về thị trường, song giờ họ đã đánh giá lại và thay đổi chiến lược.
"Doanh nghiệp đã có những hành động đúng hướng để bảo tồn dòng tiền trước và kế hoạch phát triển sẽ để dành ở phía sau. Bán lẻ là một trong những ngành nhà đầu tư hoàn toàn có thể xem xét ở ngay thời điểm hiện tại. Bởi nhiều khó khăn đã được phản ánh cũng như thị giá có phần rất hấp dẫn so với quá khứ", vị chuyên gia SSIAM cho hay.