Những chính sách bán hàng chưa từng có
Chia sẻ tại “Thị trường bất động sản: Thanh lọc, tồn tại, phát triển” diễn ra mới đây, ông Phạm Anh Khôi, Kinh tế trưởng kiêm Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính – Bất động sản Dat Xanh Services (FERI) đánh giá, nhìn lại quá khứ khi thị trường bất động sản gặp khủng hoảng giai đoạn 2009 – 2010 cho thấy những chủ đầu tư lớn hiện nay đều đã vượt qua và phát triển mạnh mẽ sau giai đoạn thanh lọc.
Ông Khôi cho biết, trong thời gian đó, họ đã tái cấu trúc danh mục đầu tư, tập trung hóa nguồn lực, tập trung vào những sản phẩm có giá trung bình phục vụ nhu cầu thực, mở rộng quỹ đất liên tục để chuẩn bị cho thời kỳ thị trường phục hồi.
Ông Phạm Anh Khôi, Kinh tế trưởng kiêm Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính – Bất động sản Dat Xanh Services (FERI).
“Đây là những biện pháp mà các doanh nghiệp, đặc biệt là những chủ đầu tư lớn có thể áp dụng trong giai đoạn hiện nay”, ông Khôi khuyến nghị.
Vị này cho biết, trên thực tế, một số chủ đầu tư hiện nay đã và đang tiếp tục đa dạng hóa nguồn vốn ngoài tín dụng và trái phiếu, trong đó có huy động từ khách hàng bằng những chính sách ưu đãi như chiết khấu thanh toán nhanh. Hiện có những doanh nghiệp áp dụng chiết khấu lên đến 40 - 50% giá trị sản phẩm.
“Thị trường đang chứng kiến các chính sách bán hàng hấp dẫn nhất trong lịch sử khoảng 10 năm trở lại đây với những ưu đãi lớn cho phương thức thanh toán nhanh, chiết khấu “khủng”, hỗ trợ lãi suất chưa từng có”, ông Khôi cho hay.
Thực tế quan sát trên thị trường cho thấy, tại Hà Nội, chủ đầu tư của một dự án căn hộ tung chính sách chiết khấu 30-40% nếu khách hàng thanh toán sớm 95% giá trị sản phẩm. Cùng với đó, còn có chính sách hỗ trợ khách hàng vay ngân hàng đến 70%, lãi suất 0% và ân hạn trong 24 tháng. Hỗ trợ phí quản lý trong 2 năm đầu….
Hay một chủ đầu tư có dự án tại phía Đông TP. Hà Nội cũng áp dụng chính sách cam kết lợi nhuận "khủng" trên thị trường nhà ở thấp tầng trong dự án đô thị, tương đương 37,5% trong 5 năm. Với chính sách này, trong trường hợp khách hàng muốn thu hồi vốn nhưng gặp khó khăn trong việc tìm kiếm đầu ra, chủ đầu tư đảm bảo mua lại với mức lợi nhuận trung bình 7,5% một năm theo giá trị hợp đồng… Ngoài ra, chủ đầu tư còn tung chính sách cam kết thuê lại với mức 6%/năm, hỗ trợ vay với hạn mức cho vay linh hoạt, từ 40% hoặc tới 70% giá trị hợp đồng mua bán cùng lãi suất 0% trong 18 tháng.
Tại Đồng Nai, chủ đầu tư một dự án đất nền tung chính sách chiết khấu 50% cho 20 căn thanh toán nhanh ở một phân khu dự án. Theo đó, căn nhà phố rộng 154m2, có giá hơn 12,8 tỷ đồng thì chỉ còn hơn 6,8 tỷ đồng; chiết khấu 30% nếu khách hàng thanh toán sớm 95%, ưu đãi gói hoàn thiện nội thất chiết khấu 1,5 tỷ đồng trừ vào giá bán; cùng với đó là chính sách cam kết thuê thuê lại sản phẩm với mức lợi nhuận 18%/năm trong 3 năm đầu sau khi nhận nhà; cam kết mua lại 6-10%/năm.
Tại Bình Dương, một dự án nhà phố cam kết mua lại lô đất của khách hàng với mức lợi nhuận 40% sau 3 năm kể từ khi ký hợp đồng.
Doanh nghiệp xoay xở vượt khó
Bên cạnh việc tung các chính sách bán hàng khủng để đẩy nguồn hàng thu dòng tiền về, các doanh nghiệp bất động sản cũng tăng cường hợp tác với các quỹ đầu tư quốc tế, đa dạng hóa kênh huy động vốn thông qua mô hình kinh doanh chia nhỏ bất động sản hay các kênh huy động khác như hoạt động cầm cố cổ phiếu của các lãnh đạo doanh nghiệp, vay tiền mặt từ các kênh không chính thống…
Ngoài ra, các doanh nghiệp tập trung nguồn lực M&A, mở rộng quỹ đất, chuẩn bị cho chu kỳ hồi phục kỳ vọng cũng là điều mà các doanh nghiệp bất động sản đang thực hiện. Thời gian qua, hoạt động phát triển quỹ đất diễn ra rất sôi động. Đa phần bên mua là các chủ đầu tư có tài chính mạnh, giai đoạn này còn có thêm sự góp mặt của các “cá mập” nước ngoài, “bung” tiền mặt thu gom các quỹ đất sạch.
Ông Khôi bổ sung thêm, hiện các doanh nghiệp cũng tập trung cải thiện chất lượng sản phẩm, tập trung phục vụ nhu cầu ở thật của khách hàng. Một điểm mới là thời gian qua, đồng hành cùng quyết tâm của chính phủ, hàng loạt doanh nghiệp bất động sản cũng đã có kế hoạch đầu tư phát triển nhà ở xã hội, đang tạo nên bức tranh đa màu sắc cho phân khúc bất động sản này.
Song song đó, các doanh nghiệp ráo riết thực hiện công tác tái cấu trúc bộ máy theo hướng tinh gọn; tiết giảm chi phí vận hành; tập trung tìm kiếm nhân tài, nâng cao chất lượng nhân sự; ứng dụng công nghệ trong các công tác bán hàng, quản trị.
Ông Trần Minh Hoàng, Phó Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cũng cho biết, hiện có nhiều doanh nghiệp lớn đã rất tích cực đầu tư ứng dụng công nghệ nhằm phục vụ cho việc bán hàng, hoạt động hậu mãi, cho thuê, kết nối người dùng cuối và các dịch vụ liên quan đến quản lý, vận hành, hỗ trợ tăng giá trị cho bất động sản.
Vị này chỉ ra rằng, trong giai đoạn này, các doanh nghiệp nên tập trung vào việc hoàn thiện sản phẩm sắp bàn giao, hướng đến phát triển những dòng sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường. Bởi tính chất đặc thù của bất động sản, yếu tố quan trọng nhất vẫn là củng cố lòng tin khách hàng thông qua chất lượng và tính hữu dụng của sản phẩm.