Tại hội thảo “Quản lý rủi ro trong giao thương quốc tế” do UOB Group tổ chức, ông Đặng Tuấn Duy - Khối thị trường toàn cầu UOB cho biết trong giai đoạn 6 tháng đầu năm 2023, Việt Nam đã giữ tỷ giá VND/USD khá tốt so với nhiều quốc gia. Tuy nhiên, từ đầu tháng 7 đến tháng 9, VND đã trượt giá khá nhanh và mạnh so với USD. Điều này chủ yếu do 1) cầu ngoại tệ tăng cao; 2) chênh lệch lãi suất USD/VND; 3) Trung Quốc để đồng nội tệ mất giá mạnh.
Cụ thể, trong giai đoạn đầu tháng 7 đến tháng 9, có xuất hiện một lượng lớn cầu ngoại tệ đặc biệt là đối với USD. Chủ yếu do các doanh nghiệp cần một lượng tiền lớn để thanh toán tiền hàng nhập khẩu, trả nợ vay, chuyển lợi nhuận về nước,... Tuy nhiên, đây là các yếu tố mang tính chất mùa vụ, không có nhiều sự bất thường.
Về yếu tố chênh lệch lãi suất VND và USD, ông Duy cho rằng từ đầu năm đến nay, do tình hình kinh tế không được tích cực nên Ngân hàng Nhà nước đã phải đi ngược với xu hướng thắt chặt tiền tệ chung toàn cầu, liên tục hạ lãi suất điều hành để hỗ trợ tăng trưởng. Dưới tác động của chủ trương này, có một số giai đoạn lãi suất USD cao hơn so với VND, dẫn đến tỷ giá phải chịu không ít áp lực.
Chuyên gia từ UOB Group cũng dự báo, lãi suất điều hành của Việt Nam có thể tiếp tục giảm một lần nữa trong quý III/2023. Trong khi đó, ở phía Mỹ, diễn biến lạm phát vẫn còn phức tạp và Cục Dự trữ Liên Bang Mỹ (FED) vẫn chưa có tín hiệu cho thấy sẽ hạ lãi suất ngay trong năm 2023. Vì thế chênh lệch lãi suất của VND và USD sẽ khó lòng có thể thu hẹp trong thời gian ngắn và tiếp tục có một số áp lực lên tỷ giá
Bên cạnh đó, tính từ đầu năm đến đầu tháng 9, đồng Nhân dân tệ (CNY) đã mất hơn 5,6% giá trị so với USD. Theo ông Đặng Tuấn Duy, điều này đã khiến Việt Nam khó lòng tăng giá VND để tránh bị bất lợi về mặt xuất khẩu. Nếu thời gian tới, ngân hàng trung ương Trung Quốc tiếp tục hạ lãi suất, CNY mất giá vượt ngưỡng 7,4-7,5% so với USD, tỷ giá VND/USD sẽ còn phải chịu thêm nhiều áp lực.
“Nhìn chung, tỷ giá vẫn còn chịu rất nhiều áp lực và sức ép có thể sẽ lớn hơn trong thời gian tới, đặc biệt là trong quý III/2023. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu có nhu cầu mua bán ngoại tệ nên cân nhắc sử dụng các sản phẩm phái sinh ngoại tệ để dự phòng rủi ro biến động tỷ giá và lãi suất”, ông Duy khuyến nghị.
Theo đó, chuyên gia từ UOB đề xuất sử dụng sản phẩm hợp đồng mua bán ngoại tệ kỳ hạn, tức doanh nghiệp sẽ thực hiện mua/bán ngoại tệ, tại một thời điểm nhất định trong tương lai với tỷ giá đã được xác định ở hiện tại; hay sử dụng các sản phẩm hoán đổi lãi suất 1 đồng tiền (IRS) để đề phòng rủi ro lãi suất ngoại tệ biến động hay dùng sản phẩm hoán đổi lãi suất 2 đồng tiền (CCS) để đề phòng cả rủi ro biến động tỷ giá và lãi suất ngoại tệ thay đổi.