Mới đây, TAND Cấp cao tại TPHCM đã xem xét phúc thẩm khiếu kiện quyết định thuế giữa Công ty cổ phần B. và Cục thuế T.
Theo hồ sơ, vào đầu năm 2009, Công ty B. có thỏa thuận thuê quyền sử dụng đất dài hạn diện tích hơn 37,3 triệu m2 tại Long An. Để mua tài sản này, công ty có vay tiền ngân hàng để đầu tư công trình xây dựng trên đất. Dự án đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn với đất.
Doanh nghiệp bị phạt tiền, truy thu thuế
Vào năm 2017 do nợ quá hạn kéo dài nên ngân hàng yêu cầu công ty phải ủy quyền để bán đấu giá quyền sử dụng đất và tài sản trên đất. Tài sản bán đấu giá được hơn 70 tỷ đồng.
Công ty xuất hóa đơn không có VAT cho bên mua trúng đấu giá theo quy định tại khoản 3, Điều 1, Thông tư 26/2015/TT-BTC ngày 27/02/2015 về “Hướng dẫn về thuế giá trị gia tăng và quản lý thuế tại Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 2 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về Thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ”.
Ngày 2/4/2021, Cục thuế ban hành quyết định vi phạm hành chính về thuế số 833, xác định, công ty khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế giá trị gia tăng phải nộp. Công ty bị phạt tiền thuế hơn 1,5 tỷ đồng, đồng thời bị truy thu số tiền thuế hơn 7,7 tỷ đồng bao gồm tiền thuế GTGT, tiền chậm nộp thuế… Cục thuế có quyết định cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản công ty.
Không chấp nhận nội dung trên, công ty đề nghị tòa án hủy một phần Quyết định số 833 liên quan đến phạt tiền, truy thu tiền thuế…
Theo Cục thuế, sổ sách kế toán năm 2017 thể hiện dự án Long An vẫn còn xây dựng dở dang chưa đi vào hoạt động. Công ty đã kê khai hạch toán riêng thuế giá trị gia tăng đầu vào liên quan đến hoạt động chuyển nhượng bất động sản trên là hơn 7,6 tỷ đồng.
Căn cứ để xác định số thuế phải nộp là theo điểm a, khoản 9, Điều 1, Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/02/2015 của Bộ Tài chính, quy định: “a) Sửa đổi khoản 2 Điều 14 như sau: “2. Thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ (kể cả tài sản cố định) sử dụng đồng thời cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế và không chịu thuế GTGT thì chỉ được khấu trừ số thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT.
Cơ sở kinh doanh phải hạch toán riêng thuế GTGT đầu vào được khấu trừ và không được khấu trừ; trường hợp không hạch toán riêng được thì thuế đầu vào được khấu trừ tính theo tỷ lệ (%) giữa doanh thu chịu thuế GTGT, doanh thu không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT so với tổng doanh thu của hàng hóa, dịch vụ…”
Cục thuế cho rằng, công ty đã xuất hóa đơn đầu ra không chịu thuế giá trị gia tăng nên không được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào tương ứng đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản là 7,6 tỷ đồng.
Xác định đúng hành vi nhưng truy thu thuế không đúng
Theo tòa án, việc công ty xuất hóa đơn không chịu thuế giá trị gia tăng cho bên mua trúng đấu giá tài sản là đúng. Bảng kê chi phí và thuế giá trị gia tăng từ năm 2014 đến 2016 của công ty thể hiện, nguyên giá tài sản cố định dự án tại Long An là 77,3 tỷ đồng; thuế giá trị gia tăng là hơn 7,6 tỷ đồng.
Khoản 2, Điều 5, Điều 9 Thông tư số 19/2017 quy định “Tất cả tài sản cố định hiện có của doanh nghiệp đều phải trích khấu hau” và “Mỗi tài sản cố định phải được quản lý theo nguyên giá, số hao mòn lũy kế và giá trị còn lại trên sổ sách kế toán”.
Còn khoản 2, Điều 11, Thông tư 19/2017 quy định: “Đối với tài sản cố định vô hình là giá trị quyền sử dụng đất có thời hạn, quyền sử dụng đất thuê, thời gian trích khấu hao là thời gian được phép sử dụng đất của doanh nghiệp”.
Công ty đã khấu hao tài sản cố định hàng năm, được thể hiện trên sổ sách kế toán là hơn 4,5 tỷ đồng là đúng quy định. Tòa án xác định, công ty bán dự án để trả nợ vào năm 2017 là phần giá trị còn lại của nguyen giá tài sản cố định trừ đi giá trị tài sản đã được khấu hao.
Theo khoản 1, Điều 10 Luật thuế giá trị gia tăng 2008 và khoản 5, Điều 12 Thông tư số 219/2013 thì thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ khi giá trị hàng hóa bán ra chịu thuế giá trị gia tăng đầu ra. Cục thuế xác định công ty không ghi giảm thuế giá trị gia tăng đầu vào tại thời điểm bán tài sản cố định là có căn cứ.
Tuy nhiên, tại khoản 9, Điều 14 Thông tư số 219: “Số GTGT đầu vào không được khấu trừ, cơ sở kinh doanh được hạch toán vào chi phí để tính thuế thu nhập doanh nghiệp hoặc tính vào nguyên giá của tài sản cố định...”.
Khi Công ty khấu hao tài sản thì phần thuế tương ứng cũng được tính vào chi phí đã trừ theo khấu hao. Cục thuế chỉ được xác định Công ty vi phạm trong việc không ghi giảm thuế giá trị gia tăng đầu vào tương ứng với giá trị còn lại của quyền sử dụng đất thuê và tài sản trên đất sau khi đã khấu hao.
Cục thuế đã xác định đúng hành vi vi phạm của doanh nghiệp nhưng truy thu thuế hơn 7,6 tỷ đồng là không đúng, xâm phạm quyền lợi hợp pháp của công ty.
Cũng theo tòa án, quyết định số 833 xử phạt vi phạm hành chính gộp chung cả 3 năm 2016, 2017, 2018 mà không tách bạch từng năm. Vì vậy, tòa án quyết định hủy một phần quyết định số 833 về phạt tiền hơn 1,5 tỷ đồng và truy thu hơn 7,7 tỷ đồng. Hủy các quyết định về biện pháp cưỡng chế là trích tiền từ tài khoản công ty này.