Nội dung chính:
- CII cập nhật tình hình thu hút vốn tín dụng của công ty từ một tổ chức tài chính Việt Nam: chính thức quyết định 2.400 tỷ đồng, gần 7.000 tỷ đồng sẽ quyết định vào tuần tới.
- Dự án BOT Thủ Thiêm khởi động lại sau khi đại diện Thành ủy TP.HCM qua kiểm tra, tìm kiếm giải pháp.
- Đang nghiên cứu một dự án BOT thuộc địa bàn TP.HCM, với vốn đầu tư dưới 4.000 tỷ đồng, nhưng có triển vọng lớn nếu thắng thầu.
Sáng 24/5/2023, Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (CII) đã tổ chức cuộc họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2023 lần 2 sau lần 1 tổ chức bất thành cuối tháng 4/2023.
Ông Lê Quốc Bình, Tổng giám đốc CII đã cập nhật một số thông tin mới nhất của công ty kể từ tháng 4 đến nay.
Ông Bình cho biết một tổ chức tài chính lớn, nằm trong Top 3 thị trường Việt Nam đã thông qua quyết định chính thức tài trợ 2.400 tỷ đồng cho CII. Đây là số tiền nằm trong gói vay dài hạn (12 năm) trị giá gần 9.400 tỷ đồng. Gần 7.000 tỷ đồng sẽ được tổ chức tài chính quyết định trong tuần tới. Khi đó, CII sẽ công bố chính thức thương vụ này cùng tên của tổ chức tài chính, ông Bình cho biết.
Ông Bình cũng cập nhật tình hình dự án BOT Thủ Thiêm - dự án mà công ty làm chủ đầu tư, vẫn đang vướng mắc bởi một số quy định. Tháng 4 vừa qua, Thành ủy TP.HCM đã thành lập tổ công tác gỡ vướng cho các dự án bất động sản, trong đó có dự án BOT Thủ Thiêm. Đoàn công tác của Thành ủy đã khảo sát dự án và gỡ vướng một số vấn đề liên quan đến đền bù, giải tỏa. Ông Bình cho biết dự án BOT Thủ Thiêm đã đủ điều kiện khởi động lại sau 4 năm tạm dừng thi công.
Ngoài ra, CII cũng đang nghiên cứu một dự án BOT thuộc địa bàn TP.HCM. Dự án có tổng mức đầu tư dưới 4.000 tỷ đồng, được Tổng giám đốc CII đánh giá là “mỏ vàng” nếu công ty thắng thầu. “Đây sẽ là dự án huyết mạch của TP.HCM” - ông Bình nhấn mạnh. Nếu nhanh, trong tháng 7, CII sẽ chính thức kiến nghị với TP.HCM về việc đầu tư dự án.
Kế hoạch kinh doanh thận trọng
Năm 2023 được CII đánh giá là năm khó khăn của nền kinh tế nói chung, của công ty nói riêng. Công ty trình ĐHĐCĐ kế hoạch kinh doanh với doanh thu và lợi nhuận lần lượt 5.155 tỷ đồng và 469 tỷ đồng, lần lượt giảm 12,7% và 32,5% so với kết quả thực hiện năm 2022.
Ông Bình cho biết phải đến năm 2024, công ty mới đẩy mạnh đầu tư các dự án mới khi tình hình kinh tế tốt lên. Giai đoạn này, giữ tín nhiệm với các tổ chức tín dụng là việc cần được ưu tiên, bởi “hạ tín nhiệm thì rất nhanh, tăng trở lại rất khó”.
CII cũng trình ĐHĐCĐ thường niên phương án phát hành 4.500 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi, chia làm 2 gói: 2.522 tỷ đồng thực hiện trong năm 2023 và 1.978 tỷ đồng sau khi thực hiện gói 1.
Mục đích của kế hoạch phát hành trái phiếu là tạo dòng tiền để thanh toán các khoản nợ ngân hàng cho các dự án BOT đã đến giai đoạn thu phí. Trả trước nợ ngân hàng giúp CII có thể sử dụng ngay nguồn tiền thu phí từ các dự án BOT để trả cổ tức đều đặn cho cổ đông, thay vì phải ưu tiên cho trả nợ. Chi tiết phương án phát hành trái phiếu chuyển đổi của CII như sau: