Nội dung chính:
- CII chuẩn bị phát hành lô trái phiếu chuyển đội trị giá 2.840 tỷ đồng để trả nợ trước hạn ngân hàng đối với các dự án BOT đang thu phí, chuẩn bị dòng tiền cổ tức cho cổ đông.
- Trái phiếu không có tài sản đảm bảo, nhưng trái chủ có thể chuyển đổi thành cổ phiếu CII sau một năm, với giá 10.000 đồng/cổ phiếu.
- Trái phiếu phát hành dành cho cổ đông hiện hữu của công ty.
Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (CII) vừa được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông qua phương án phát hành trái phiếu chuyển đổi với tổng giá trị 2.840 tỷ đồng tính theo mệnh giá.
Đây là lô trái phiếu chuyển đổi phát hành cho cổ đông hiện hữu của CII. Cổ đông nắm giữ 10 cổ phiếu CII sẽ có quyền mua một trái phiếu với mệnh giá 100.000 đồng. Số lượng trái phiếu phát hành tổng cộng là 28,4 triệu đơn vị. Tuy nhiên, cổ đông của CII có thể nhường quyền mua cho người khác thông qua chuyển nhượng quyền mua (chỉ được chuyển nhượng 1 lần).
Trả trước tiền cho ngân hàng trong hai dự án BOT
Trong phương án phát hành, CII cho biết số tiền thu được sẽ được đầu tư mua trái phiếu của hai công ty dự án là Công ty TNHH MTV BOT tỉnh Ninh Thuận (1.200 tỷ đồng) và Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Xa lộ Hà Nội (1.640 tỷ đồng).
Đây là hai doanh nghiệp dự án trực thuộc CII - hiện đang thực hiện thu phí hai dự án BOT Ninh Thuận và Xa lộ Hà Nội. Đây là hai dự án BOT đã bắt đầu thu phí từ năm 2022.
“Việc mua trái phiếu của hai công ty này về bản chất là thu xếp nguồn vốn trả nợ ngân hàng trước hạn, dành nguồn tiền thu phí để chi trả cổ tức cho cổ đông” - Ông Lê Quốc Bình, Tổng giám đốc CII xác nhận.
Kế hoạch phát hành trái phiếu nói trên đã được CII công bố trong cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 và được ĐHĐCĐ thông qua.
Lý giải về mục đích phát hành, ông Bình cho biết các dự án BOT hiện nay có phương thức thu phí hoàn vốn theo thứ tự ưu tiên: Trả nợ ngân hàng - trả tiền đầu tư cùng định mức lãi cho nhà đầu tư. Như vậy, CII với tư cách là nhà đầu tư sẽ chỉ nhận được tiền từ giai đoạn sau của dự án. Điều này, theo ông Bình sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích cổ đông. Vì cho dù dự án BOT đã đi vào vận hành, thì trong giai đoạn đầu, nguồn tiền thu được cũng không được “về túi” cổ đông CII.
Việc phát hành trái phiếu để trả nợ trước hạn cho các khoản vay ngân hàng giúp CII có được nguồn tiền đều đặn, ổn định, qua đó chi trả cổ tức cho cổ đông.
Ông Lê Quốc Bình tin rằng phương án phát hành là "rất có lợi" cho cổ đông. Nếu cổ đông không mua trái phiếu, họ có thể bán lại quyền mua cho bên có nhu cầu. CII đã chuẩn bị các kịch bản để đợt phát hành thành công, thu về 2.840 tỷ đồng như kế hoạch, ông Bình bổ sung.
Trái phiếu chuyển đổi “giá rẻ”
Là trái phiếu chuyển đổi, trái chủ của CII có quyền chuyển đổi sang cổ phiếu của công ty từ năm thứ hai trở đi. CII sẽ phát hành thêm cổ phiếu để đáp ứng nhu cầu chuyển đổi (nếu có).
Mức giá chuyển đổi là 10.000 đồng/cổ phiếu. Có nghĩa là trái chủ nắm giữ 1 tỷ đồng trái phiếu sẽ được chuyển đổi thành 100.000 cổ phiếu CII. Đây được xem là phương án chuyển đổi “giá rẻ” khi hiện tại cổ phiếu CII đang được giao dịch xung quanh mức 18.000 đồng/cổ phiếu.
Ngoài quyền được chuyển đổi sang cổ phiếu, trái chủ của CII được hưởng lãi suất 10%/năm trong năm đầu tiên (trả lãi 3 tháng/lần). Từ năm thứ hai, lãi suất được thả nổi với phần bù 2,5%/năm cộng vào mức lãi suất tiết kiệm 12 tháng bình quân hai ngân hàng Vietcombank và Vietinbank.
Như vậy, từ năm thứ hai trở đi, trái chủ của CII có hai lựa chọn: giữ trái phiếu và hưởng lãi suất, hoặc chuyển đổi sang cổ phiếu CII.
Nếu chuyển đổi sang cổ phiếu CII, trái chủ không còn quyền hưởng lãi suất, nhưng có thể được hưởng cổ tức của công ty tính trên số lượng cổ phiếu nắm giữ. CII chưa lên kế hoạch chi trả cổ tức cụ thể. Ông Bình cho biết nhờ nguồn tiền thu phí đều đặn và tăng mỗi năm (nhờ chính sách tăng phí, và lưu lượng tăng dần), công ty sẽ chi trả cổ tức tiền mặt đều đặn cho cổ đông từ năm 2024. Mức cổ tức dự kiến 16%/năm, được chi trả mỗi quý một lần.
Kế hoạch cổ tức thực tế hàng năm phải căn cứ tình hình hoạt động kinh doanh và dòng tiền trong năm đó, và được ĐHĐCĐ thường niên thông qua bằng Nghị quyết cụ thể.