Liên quan đến vấn đề nhà ở cho công nhân, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất, trước mắt, trong khi chưa sửa đổi các luật, Chính phủ giao Tổng Liên đoàn và các bộ liên quan nghiên cứu, trình Chính phủ đề xuất với Quốc hội ban hành nghị quyết về chính sách xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Qua đó để giải quyết kịp thời các bức xúc hiện nay do các vướng mắc liên quan đến chồng chéo, khoảng trống của pháp luật.
Cơ quan này cũng kiến nghị Chính phủ xem xét, lồng ghép phần xây dựng nhà ở tại Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất” vào Đề án xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở cho công nhân, cho người có thu nhập thấp do Bộ Xây dựng chủ trì, để đảm bảo quyền lợi cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Tổng Liên đoàn đã phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất nội dung liên quan đến vấn đề nhà ở cho công nhân vào góp ý dự thảo Luật đất đai sửa đổi. Theo đó làm rõ các nội dung như: Bổ sung Tổng Liên đoàn là đối tượng được giao đất xây dựng nhà ở công nhân.
Đề xuất quy hoạch, bố trí quỹ đất dành để xây dựng nhà ở công nhân thuê trong và ngoài khu công nhiệp, khu chế xuất. Ủy ban nhân dân có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch có trách nhiệm xác định rõ diện tích đất để xây dựng khu nhà ở, công trình công cộng phục vụ đời sống người lao động làm việc trong khu công nghiệp, khu chế xuất.
Trong trường hợp khu đất phát triển nhà ở, công trình công cộng cho người lao động làm việc trong khu công nghiệp nằm liền kề khu công nghiệp, thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt quy hoạch xây dựng khu công nghiệp gắn với quy hoạch xây dựng khu nhà ở, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động làm việc trong khu công nghiệp.
Tại địa phương có đông lao động ngoại tỉnh đến làm việc, nhu cầu nhà ở của công nhân rất lớn, bà Nguyễn Thị Vân Hà, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Ninh cho biết, Bắc Ninh hiện có 12/16 khu công nghiệp đi vào hoạt động, với hơn 330.000 công nhân lao động làm việc trong các khu công nghiệp, trong đó hơn 75% là lao động ngoại tỉnh, hơn 100.000 công nhân lao động có nhu cầu về nhà ở.
Vấn đề nhà ở cho công nhân luôn rất bức thiết, vì thế để giải quyết vấn đề này, Bắc Ninh đã quy hoạch 22 dự án nhà ở công nhân, hiện 7 dự án đã đi vào hoạt động, số căn đã bán và cho thuê của các dự án đạt từ 10-50%. Hiện có gần 100.000 công nhân đang phải thuê trọ trong các khu dân cư, nhiều khu chất lượng và an ninh chưa được đảm bảo.
Trước những thực tế này, Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Ninh kiến nghị Nhà nước cần đầu tư một phần ngân sách xây dựng nhà ở cho công nhân thuê; có chính sách hỗ trợ công nhân lao động tiền thuê nhà ở, thông qua các hình thức như: Hỗ trợ trực tiếp người lao động thuê nhà ở của các dự án nhà ở công nhân, hoặc hỗ trợ thông qua doanh nghiệp khi thuê lại các dự án nhà ở công nhân, cho công nhân của họ ở theo nhu cầu.
Đơn vị này cũng đề nghị cần có quy định nếu doanh nghiệp không bố trí được nhà ở cho công nhân, phải hỗ trợ người lao động tiền thuê nhà, tối thiểu 500.000 đồng/tháng/người và được hạch toán vào chi phí của doanh nghiệp.
Trao đổi về vấn đề nhà ở cho công nhân lao động, ông Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, trong lúc đợi xây dựng nhà ở xã hội đáp ứng cơ bản nhu cầu về nhà ở thì trước mắt ngay và luôn là cải thiện chỗ ở, chất lượng nhà ở cho người lao động hiện đang đi thuê trọ trong các khu dân cư. Đó là bằng việc Nhà nước có chính sách đầu tư, hỗ trợ cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường, trạm y tế, văn hóa…, bảo đảm an ninh ở những nơi công nhân thuê trọ.
Cùng với đó, cần hỗ trợ vay tài chính cho những hộ dân gần các khu công nghiệp xây dựng, cung cấp dịch vụ nhà thuê cho người lao động thuê; giảm giá điện, nước, vệ sinh môi trường, thuế, để chất lượng cuộc sống của người lao động được cải thiện.