Ly cà phê chạm ngưỡng nửa triệu đồng nhận về nhiều ý kiến trái chiều từ thực khách. Ảnh: XLIII Coffee.
Tiệm cà phê trên đường Pasteur (quận 1, TP.HCM) gây chú ý khi bán một ly cà phê với giá 500.000 đồng, dung tích 250 ml. Sản phẩm ra mắt từ khoảng giữa năm 2023, niêm yết mức giá 500.000 đồng từ tháng 3/2024.
Chia sẻ với Tri Thức - Znews, Nguyễn Thị Bích Kiều, đại diện cửa hàng, cho biết loại cà phê này là Sudan Rume #00046, được nhập khẩu từ Columbia. Ngoài ra, menu của tiệm còn có các loại cà phê đến từ Ecuador, Peru, Ethiopia... cũng có giá dao động 250.000-375.000 đồng/ly.
Nếu so sánh với Saigon Coffee Roastery (quận 3), Hoff Specialty (quận 3) và Bosgaurus Coffee Roasters (quận 1), những cửa hàng nằm cùng khu vực trung tâm, sử dụng hạt cà phê nhập từ nước ngoài và hướng đến phân khúc specialty (hảo hạng), mức giá này cao hơn khoảng 3-4 lần.
Không gian tiệm cà phê bán ly Sudan Rume #00046 giá 500.000 đồng tại TP.HCM. Ảnh: @foodandfeast.
Chịu chi cho trải nghiệm
Biết đến tiệm cà phê trên qua mạng xã hội, Lê Thị Nguyên Ngân (28 tuổi, sống và làm việc tại TP.HCM) quyết định đến trải nghiệm. Cô sinh ra và lớn lên ở Bảo Lộc (Lâm Đồng) - mảnh đất trồng nhiều Arabica - nên có hiểu biết về cà phê.
"Tôi uống cà phê tầm 7 năm, Sudan Rume #00046 là đắt nhất. Quả thật, loại cà phê này gây cho tôi ấn tượng mạnh. Hậu chua vừa, vị đắng nguyên bản và tinh tế. Độ axit phức tạp nên khí vị linh hoạt. Khi cà phê nóng tỏa ra hương thơm của sả, bạch đàn và dưa mật, khi ấm dần lại điểm chút thanh tao của hoa cúc và bạc hà. Đến khi lạnh lại thấm đẫm hương gừng và đào", cô mô tả lại.
Nguyên Ngân cũng thử thêm Nueva Alianza Red Gesha #3189 đến từ Peru. Theo cô, dải hương vị của loại cà phê này đằm thắm, phảng phất hương hoa trắng xen lẫn vị ngọt nhẹ của táo đỏ và cherry. Các đặc tính này đều được dung nạp từ thiên nhiên, tạo nên hậu vị hoa quả độc đáo.
Nguyên Ngân muốn trải nghiệm loại cà phê khác biệt, hương vị độc đáo sau nhiều năm trung thành với cà phê thông thường. Ảnh: Takahashi, Lê Thị Nguyên Ngân.
Giống với Nguyên Ngân, Ngọc Anh (31 tuổi, sống tại TP.HCM) cũng sẵn sàng chi đến nửa triệu đồng cho một ly cà phê mới lạ.
Cô chia sẻ: "Tôi không phải tuýp người quá mê cà phê và có chút say caffein, nhưng loại cà phê này chinh phục tôi từ ngụm đầu tiên. Chất cà phê đạt mức cân bằng và độ đắng vừa vặn, không gây khó chịu. Vụ cà phê tôi uống thoang thoảng hương cam và bạch đàn. Tôi chưa quen với hậu chua nên uống từng ngụm nhỏ, vị ngọt nhẹ xen lẫn vị chua nhâm nhi cũng khá thú vị".
Ngoài ra, nhân viên văn phòng này cho biết cách phục vụ và không gian khiến ly cà phê thêm phần đắt giá. Cà phê được barista chia sẻ cặn kẽ từ xuất xứ, quá trình trồng, cách rang đến niên vụ để thực khách biết rõ về loại cà phê sắp uống.
"Tôi sẵn lòng giảm số buổi cà phê để thưởng thức một buổi cà phê thật đặc biệt. Dù khá 'xót ví', tôi vẫn vui vẻ chi 500.000 đồng vì trải nghiệm xứng đáng. Với tôi, cà phê chỉ thật sự đắt khi chất lượng không xứng đáng với giá tiền", Ngọc Anh bộc bạch.
Dù không quá sành cà phê, nữ thực khách vẫn đánh giá cao Sudan Rume #00046. Ảnh: Ngọc Anh.
Trong khi đó, một số thực khách khác cho rằng không gian của tiệm cà phê trên khá nhỏ và đơn giản, không tương xứng với mức giá 500.000/ly.
Có gì trong ly cà phê 500.000 đồng?
Bích Kiều, đại diện cửa hàng, cho biết giá vốn của ly cà phê không cao đến mức 500.000 đồng. Ngoài hạt cà phê được tuyển chọn gắt gao từ nông trại quốc tế, giá niêm yết trên menu còn bao gồm không gian, trải nghiệm và dịch vụ.
Theo Bích Kiều, mức giá của Sudan Rume #00046 phụ thuộc chính vào giống và tiêu chuẩn của cà phê. Khi mua hạt thô, giá đã rơi vào 120 USD/kg (tương đương 3 triệu đồng).
"Loại cà phê này thuộc Arabica - giống cà phê đắt hơn Robusta. Giống này đòi hỏi điều kiện tự nhiên chuẩn xác và kĩ thuật canh tác chuyên nghiệp, không phải nơi nào cũng trồng được. Tại Việt Nam, Arabica chưa đạt chất lượng cao như châu Mỹ", đại diện này cho biết. Đây cũng là lý do cửa hàng làm việc trực tiếp với nông trại lâu đời ở Columbia để nhập về cà phê tốt nhất.
Tính theo thang đánh giá của SCA - Hiệp hội Cà phê Đặc sản Quốc tế - Sudan Rume #00046 đạt 93,5/100 điểm. Đồng nghĩa với việc nông trại được kiểm định quy hoạch chặt chẽ và số lượng cà phê sản xuất chỉ ở mức cho phép.
Cửa hàng cà phê này đang giữ mức giá cao nhất so với mặt bằng chung phân khúc specialty. Các loại cà phê tại đây đều đạt tiêu chuẩn SCA. Ảnh: XLIII Coffee.
Chưa kể, loại cà phê này phải trải qua quá trình nếm thử (cupping) với những bậc thầy cà phê. Chất lượng cũng xếp ở mức "tuyệt vời", hương vị đặc biệt hơn các loại cà phê thương mại.
Mặt khác, mức giá vận chuyển và thuế từ Columbia về Việt Nam cũng là yếu tố làm tăng giá sản phẩm. Cà phê phải rút ngắn tối đa thời gian vận chuyển để tránh hỏng và biến đổi. Để cho ra hương vị đúng của specialty, cửa hàng phải pha cà phê bằng nước chiết xuất và màn lọc chuẩn.
"Cà phê specialty là thách thức lớn. Với mức giá trên, dòng cà phê này khó tiếp cận thực khách, đặc biệt là những ai chưa có nhu cầu cao trong việc thưởng thức cà phê. Để thay đổi cái nhìn của thực khách, cửa hàng luôn trong tâm thế tạo ra sản phẩm tốt và thuận theo thời gian", Bích Kiều bày tỏ.
Báo cáo thị trường Kinh doanh Ẩm thực tại Việt Nam năm 2023 của iPOS.vn chỉ ra 60% người được hỏi sẵn sàng chi từ 41.000 đồng cho một lần đi cà phê và 14,3% cho biết họ chi trên 70.000 đồng để đi cà phê với bạn bè. Cũng theo khảo sát này, có hơn 30% số người đi cà phê với tần suất 1-2 lần/tuần.
Tính hết năm 2023, riêng nhà hàng/cà phê tại Việt Nam đạt mốc 317.299 cửa hàng, tăng 1,26% so với năm trước đó.