Trong thông báo mới nhất, Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam - Vocarimex (VOC) - cho biết sẽ thực hiện chi trả cổ tức cho cổ đông bằng tiền với tỷ lệ lên tới 100% (1 cổ phiếu nhận 10.000 đồng). Ngày giao dịch cuối cùng để đăng ký nhận cổ tức là 17/3 và thời gian thanh toán dự kiến là ngày 12/4.
Theo đó, với 121,8 triệu cổ phiếu đang giao dịch trên UPCoM, Vocarimex dự kiến phải chi khoảng 1.218 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông đợt này.
Trong cơ cấu cổ đông, Vocarimex là công ty thành viên của Tập đoàn Kido (KDC) với tỷ lệ sở hữu 87,3%. Như vậy, ước tính riêng Tập đoàn Kido sẽ nhận về hơn 1.063 tỷ đồng từ đợt chia cổ tức của Vocarimex.
Tương tự, Công ty CP Phốt Pho Apatit Việt Nam (PAT) cũng đã trình cổ đông kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt năm 2023 với tỷ lệ 140% (1 cổ phiếu nhận được 14.000 đồng). Và với 25 triệu cổ phiếu đang lưu hành, Phốt Pho Apatit Việt Nam sẽ phải chi khoảng 350 tỷ đồng cho đợt trả cổ tức năm nay.
Về cơ cấu sở hữu, Phốt Pho Apatit Việt Nam là công ty con của Công ty CP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (DGC) với tỷ lệ sở hữu 51%. Ngoài ra, phần lớn vốn cổ phần còn lại của công ty cũng do ông Đào Hữu Huyền, Chủ tịch HĐQT DGC và con trai Đào Hữu Duy Anh nắm giữ.
Bên cạnh đó, gia đình ông Huyền cũng đang là chủ sở hữu và cổ đông lớn nhất tại DGC. Do đó, phần lớn trong khoản cổ tức tiền mặt 350 tỷ đồng Phốt Pho Apatit Việt Nam dự kiến chia năm 2023 sẽ thuộc về ông Huyền và nhóm cổ đông liên quan.
Thực tế, Phốt Pho Apatit Việt Nam thường xuyên là công ty có tỷ lệ chia cổ tức khủng hàng năm. Trong năm 2022, nhà sản xuất phốt pho này có tỷ lệ chia cổ tức lên tới 306,55% và toàn bộ được trả bằng tiền (1 cổ phiếu nhận 30.655 đồng). Trong đó, công ty đã 2 lần tạm ứng cổ tức cho cổ đông bằng tiền mặt với tỷ lệ 100%/lần và còn 1 lần chi trả với tỷ lệ 106,55%. Tổng số tiền doanh nghiệp này phải chi ra để trả cổ tức cho cổ đông năm 2022 lên tới 766 tỷ đồng.
Tại Tổng công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn - Sabeco (SAB), doanh nghiệp này đã có thông báo chốt quyền tạm ứng cổ tức bằng tiền mặt năm 2022 với tỷ lệ 10% (1 cổ phiếu nhận được 1.000 đồng). Ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền nhận cổ tức là 3/3 và ngày thanh toán dự kiến là 24/3.
Với khối lượng cổ phiếu đang lưu hành đạt khoảng 641 triệu đơn vị, ước tính, nhà sản xuất bia lớn nhất thị trường trong nước sẽ phải chi khoảng 641 tỷ đồng để trả cổ tức cho các cổ đông. Trong số này, riêng Vietnam Beverage (công ty thành viên của Thaibev) sẽ nhận về gần 344 tỷ đồng nhờ việc là cổ đông lớn nhất nắm 53,59% vốn Sabeco. Ngoài ra, Bộ Công Thương với tỷ lệ sở hữu 36% vốn doanh nghiệp cũng sẽ nhận về gần 231 tỷ đồng.
Tương tự, một doanh nghiệp trong ngành F&B khác cũng đã thông qua kế hoạch cổ tức tiền mặt là Công ty CP Sữa Việt Nam - Vinamilk (VNM) - với tỷ lệ 14% (1 cổ phiếu nhận 1.400 tỷ đồng). Dựa trên hơn 2,089 tỷ cổ phiếu đang niêm yết, nhà sản xuất sữa lớn nhất thị trường trong nước sẽ phải chi khoảng 2.920 tỷ đồng để trả cổ tức.
Theo báo cáo gửi các Sở Giao dịch, trong tháng 3 và 4, hàng loạt doanh nghiệp sẽ thực hiện chi trả cổ tức cho cổ đông bằng tiền với giá trị hàng nghìn tỷ đồng.
Trong đó, Công ty CP Tập đoàn Nova Consumer (NCG) dự kiến chi gần 60 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 5%; Công ty CP Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất - Sasco (SAS) - cũng sẽ chi hơn 133 tỷ đồng để trả cổ tức trong tháng tới; hay Công ty CP Cơ Điện Lạnh (REE) dự kiến trả cổ tức tỷ lệ 25%, gồm 10% bằng tiền mặt và 15% bằng cổ phiếu, tương ứng số tiền phải chi là 356 tỷ đồng...
Không riêng các doanh nghiệp, hiện một loạt ngân hàng thương mại như VIB, VPBank, TPBank, ACB... đều đã công bố kế hoạch chia cổ tức tiền mặt cho cổ đông. Với khối lượng niêm yết lên tới hàng tỷ cổ phiếu, cổ đông các nhà băng này cũng sắp nhận về hàng nghìn tỷ đồng tiền mặt.