Chia sẻ bên lề đại hội cổ đông Eximbank hôm 14/04, ông Trần Tấn Lộc, Tổng Giám đốc ngân hàng này cho chúng tôi biết, Eximbank hiện đã bắt đầu chuyển dịch cơ cấu sang cho vay bán lẻ nhiều hơn. Danh mục cá nhân đang chiếm tỷ trọng lớn nhất. Trong đó, có khoảng 40% là cho vay sản xuất kinh doanh. Cho vay mua bất động sản đang chiếm tỷ trọng khoảng 19%. Dư nợ cấp tín dụng cho lĩnh vực bất động sản hiện vào khoảng 2%.
Ông Lộc nhận định, trong thời gian tới, với mảng retail banking (ngân hàng bán lẻ) Eximbank sẽ vẫn chú trọng cho vay sản xuất kinh doanh đối với các khách hàng cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Vì nhu cầu vốn của các đối tượng trên với mục đích này vẫn còn nhiều. Hơn nữa, thế mạnh của Eximbank hiện là cung cấp nguồn vốn cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Do đó, trong tương lai, ngân hàng sẽ tiếp tục phát huy các ưu thế này.
“Hiện nay, khách hàng cá nhân đi vay để sản xuất kinh doanh rất nhiều. Nhiều người nghĩ khách hàng cá nhân chỉ vay vốn để mua bán bất động sản. Tuy nhiên, thực tế không phải như vậy, rất nhiều khách hàng vẫn có nhu cầu vay vốn vốn sản xuất kinh doanh”, ông Lộc đánh giá.
Đề cập đến vấn đề trái phiếu, ông Trần Tấn Lộc nói, Eximbank không cho tham gia hoạt động trái phiếu doanh nghiệp.
Trước đó, tại đại hội cổ đông thường niên của ACB hôm 13/4, các nhà đầu tư bày tỏ đặc biệt quan tâm đến danh mục tín dụng và trái phiếu của ngân hàng.
Ông Từ Tiến Phát, Tổng Giám đốc ngân hàng khẳng định với cổ đông rằng, trong danh mục dư nợ của ACB, 65% cho vay khách hàng cá nhân; 30% là cấp tín dụng cho khối SME. Trong danh mục cho vay cá nhân của ACB có đến 40% cho vay các hộ sản xuất kinh doanh. Phần còn lại là cho vay mua nhà và cho vay tiêu dùng. Dư nợ tín dụng cho bất động sản trong mảng bán lẻ của ACB cũng không chiếm tỷ trọng lên đến 70-80% như các ngân hàng khác.
“Tỷ lệ cho vay lĩnh vực bất động sản của ACB hiện vào khoảng 24%. Trong đó, 82% là cho vay mua nhà để ở. Với riêng lĩnh vực đầu tư các dự án bất động sản, dư nợ của ACB đang ở mức dưới 1% và con số này là không lớn”, ông Phát chia sẻ.
Tổng giám đốc ACB nói thêm, thời gian tới, ngân hàng sẽ vẫn tập trung phát triển ngân hàng bán lẻ. Với mảng doanh nghiệp, ACB tiếp tục kiên định với chiến lược tập trung vào cho vay SME. Ngoài ra, từ năm 2023 trở đi nhà băng này sẽ tập trung thêm một số phân khúc như doanh nghiệp FDI, đặc biệt là nhóm ở trong các khu công nghiệp.
Đồng thời, năm nay ngân hàng không định hướng đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp trừ các trái phiếu của các tổ chức tín dụng.
Tương tự tại đại hội cổ đông thường niên SHB hôm 11/04, các cổ đông ngân hàng đề nghị Ban lãnh đạo làm rõ khoản đầu tư hơn 4.100 tỷ vào bất động sản/ quyền sử dụng đất và giải trình chi tiết danh mục trái phiếu của ngân hàng. Ông Đỗ Quang Hiển- Chủ tịch Hội đồng Quản trị SHB cho biết, con số 4.100 tỷ kể trên là giá trị sổ sách của các trụ sở, chi nhánh của SHB tại Hà Nội. Đây là các tài sản ngân hàng mua cách đây rất lâu.
Cụ thể, SHB đã mua khu đất 31 – 33 Lý Thường Kiệt có diện tích 2.200m là đất thổ cư, đất ở lâu dài làm trụ sở. Hiện ngân hàng đã xin phép các cơ quan quản lý xây cao tầng nhưng đang bị vướng thủ tục pháp lý. Năm nay sẽ chốt lại theo quy định là 8 tầng của cơ quan quản lý để xúc tiến xây dựng. Chậm nhất là năm sau sẽ khởi công xây dựng trụ sở chính tại Lý Thường Kiệt – Hà Nội.
Về danh mục trái phiếu, Tổng Giám đốc Ngân hàng SHB, bà Ngô Thu Hà cho biết khoản này hiện gồm 3 phần: 1) trái phiếu chính phủ (19.000 tỷ); 2) trái phiếu tổ chức tín dụng (1.150 tỷ); 3) trái phiếu tổ chức kinh tế/doanh nghiệp (13.186 tỷ). “Trái phiếu doanh nghiệp của SHB chủ yếu trong lĩnh vực năng lượng xanh chiếm 60%, đã bắt đầu có dòng tiền. 40% còn lại là bất động sản trong các dự án khu công nghiệp và nhà ở, các dự án này đều có thanh khoản và đơn vị phát hành đều thanh toán đầy đủ cho SHB với kỳ hạn 3 – 5 năm”, bà Hà nói cụ thể hơn.
Tại VIB, đại hội cổ đông thường niên diễn ra hồi giữa tháng 3 cũng nhận được các câu hỏi liên quan tín dụng bất động sản.
Ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch Hội đồng quản trị VIB cho biết, năm 2022, ngân hàng đã dùng 210 nghìn tỷ đồng để cho vay bán lẻ. Trong đó, cho vay mua nhà ở chiếm 50%, sản xuất kinh doanh (18-19%); mua ô tô (18-19%); thẻ tín dụng (7%); phần còn lại là cho vay sửa chữa nhà hoặc cấp tín dụng thông qua cầm cố bằng sổ tiết kiệm.
“Cho vay nhà ở VIB khác hoàn toàn với các ngân hàng khác khi không cho vay nhà ở biển đảo, không cho vay nhà ở các dự án đang được triển khai, không cho vay condotel. VIB đang cho vay đúng nghĩa cho vay tiêu dùng. Vì chỉ cho vay nhà có sổ đỏ, nhà sử dụng đa mục đích, một phần kinh doanh một phần để ở”, ông Vỹ chia sẻ.
Vị lãnh đạo ngân hàng này nói thêm, theo báo cáo của Credit Suisse và Moody's hiện trái phiếu tại VIB chỉ có 1.800 tỷ trên tổng 32.000 tỷ dư nợ. Hầu hết trái phiếu đều thuộc nhóm sản xuất kinh doanh và định chế tài chính. Chỉ có 3% trái phiếu là cho vay bất động sản.
Sau những biến động vừa qua, nhìn chung, đến thời điểm hiện tại, hầu hết các ngân hàng đều bắt đầu chuyển dịch cơ cấu cho vay. Trong đó, tập trung vào cho vay bán lẻ, cho vay sản xuất kinh doanh nhiều hơn. Đồng thời, các nhà băng cũng đang giảm dần tỷ trọng cho vay đối với lĩnh vực bất động sản dù là đối với hoạt động mua nhà để ở. Về hoạt động trái phiếu, hầu hết các ngân hàng đều bày tỏ quan điểm thận trọng, tập trung vào trái phiếu các tổ chức tín dụng.