Ngân hàng TMCP Quốc Tế (VIB) vừa có thông báo về kế hoạch phát hành 421,5 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu, tương đương tỷ lệ 20% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được nhận thêm 20 cổ phiếu mới).
Theo kế hoạch, ngày giao dịch không hưởng quyền là 22/6 và ngày đăng ký cuối cùng để chốt danh sách cổ đông hưởng quyền nhận cổ phiếu thưởng là 23/6.
Trong thông báo gửi cổ đông, nhà băng này cho biết nguồn vốn dùng để phát hành cổ phiếu thưởng sẽ được trích từ quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại thời điểm 31/12/2022 trên báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022 đã được kiểm toán.
Như vậy, sau khi hoàn tất đợt phát hành cổ phiếu thưởng, vốn điều lệ của VIB sẽ tăng thêm tối đa 4.215 tỷ đồng, từ mức 21.077 tỷ đồng hiện tại lên 25.292 tỷ đồng.
Trước đó, ngày 10/5, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có văn bản chấp thuận cho VIB tăng vốn điều lệ thêm tối đa 4.291 tỷ đồng dưới hình thức phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu. Đồng thời, nhà băng này cũng được phát hành cổ phiếu thưởng cho cán bộ nhân viên (ESOP) tối đa 76 tỷ đồng theo phương án đã được thông qua tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023.
Với 2 phương án phát hành này, vốn điều lệ của VIB dự kiến tăng từ gần 21.077 tỷ đồng lên 25.368 tỷ đồng.
Tính tới cuối tháng 3 năm nay, tổng tài sản của VIB đã đạt hơn 357.000 tỷ đồng, tăng 4,2% so với đầu năm. Trong bối cảnh lãi suất ở mức cao, tình hình thị trường nhà đất, thị trường tiêu dùng và đầu tư đang chững lại khiến tín dụng của nhà băng này giảm nhẹ 1,2%.
Hiện VIB là một trong những ngân hàng có rủi ro tín dụng tập trung thấp với tỷ trọng dư nợ bán lẻ chiếm tới gần 90% danh mục cho vay. Trong đó, trên 90% khoản vay có tài sản đảm bảo chủ yếu là nhà ở, đất ở có tính thanh khoản.
Bên cạnh đó, nhà băng này cũng có số dư đầu tư trái phiếu doanh nghiệp ở nhóm thấp nhất ngành, khoảng 1.500 tỷ đồng, tương đương 0,6% tổng dư nợ tín dụng. Trong đó, phần lớn là trái phiếu thuộc lĩnh vực sản xuất, thương mại và tiêu dùng.
Đến cuối tháng 3, nguồn vốn huy động của VIB vào khoảng hơn 248.000 tỷ đồng, bao gồm tiền gửi khách hàng, giấy tờ có giá, huy động từ các định chế quốc tế như IFC, ADB. Cùng trong giai đoạn này, IFC - thành viên của Ngân hàng Thế giới - đã phê duyệt khoản vay trị giá 100 triệu USD trong 5 năm cho VIB.