Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, căn cứ quy định tại Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014; Điều 12 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội tự nguyện, người lao động là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thì thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Mỗi năm 9.000 người hưởng lương hưu mới
Mức hưởng bảo hiểm xã hội được tính trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng bảo hiểm xã hội và có chia sẻ giữa những người tham gia bảo hiểm xã hội.
Người lao động vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng chế độ hưu trí và chế độ tử tuất trên cơ sở thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội.
Mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 54 Luật Bảo hiểm xã hội được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ; mức tối đa bằng 75%.
Chế độ hưu trí đối với người trước đó có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được thực hiện theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP của Chính phủ, riêng điều kiện về tuổi đời được hưởng lương theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 135/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tuổi nghỉ hưu.
Căn cứ các quy định nêu trên, trường hợp người lao động đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, nay nghỉ việc chờ đến tuổi nghỉ hưu, nếu có nhu cầu tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện để được hưởng chế độ hưu trí mức cao hơn, thì có thể liên hệ cơ quan Bảo hiểm xã hội, hoặc đại lý thu tại nơi cư trú để được hướng dẫn cụ thể.
Tổng kết thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội 2014, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, trong giai đoạn 2016 - 2021, có trên 54.000 người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện nghỉ việc hưởng lương hưu hằng tháng, bình quân khoảng 9.000 người hưởng lương hưu mới mỗi năm.
Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định chế độ hưu trí của bảo hiểm xã hội tự nguyện liên thông với chính sách bảo hiểm xã hội bắt buộc, thông qua việc quy định điều kiện hưởng lương hưu giống nhau; cách tính tỷ lệ hưởng lương hưu và mức bình quân tiền lương, thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội giống nhau; thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm xã hội bắt buộc được cộng dồn.
Điều này tạo điều kiện cho người lao động linh hoạt, tiện lợi chuyển đổi giữa 2 loại hình bảo hiểm xã hội phù hợp với quan hệ lao động, nhu cầu và khả năng tài chính của mình.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đánh giá, thời gian qua, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện có sự gia tăng lớn, tuy nhiên chính sách vẫn chưa đủ tính hấp dẫn do chưa có các chế độ ngắn hạn như chính sách bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Tương tự như chính sách bảo hiểm xã hội bắt buộc, nhiều người lao động phản ánh việc quy định phải đóng đủ bảo hiểm xã hội từ 20 năm trở lên mới đủ điều kiện hưởng lương hưu là quá dài, khiến họ không đủ động lực để tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Ngoài ra, mặc dù chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện được thiết kế hướng tới việc gia tăng số người nghỉ hưu, tuy nhiên thời gian qua số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện hưởng bảo hiểm xã hội một lần là khá cao.
Bổ sung nhiều quy định để tăng tính hấp dẫn của Bảo hiểm tự nguyện
Vì vậy, để tăng tính hấp dẫn cho bảo hiểm xã hội tự nguyện, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã bổ sung quy định chuyển tiếp liên quan tới người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trước khi luật mới có hiệu lực (dự kiến từ 1/7/2025).
Theo đó, người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện từ trước ngày luật này có hiệu lực thi hành và có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện trở lên thì được hưởng lương hưu khi đủ 60 tuổi đối với nam, đủ 55 tuổi đối với nữ.
Khi nghỉ hưu ở tuổi này, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện không bị trừ tỷ lệ hưởng lương hưu như với trường hợp nghỉ hưu trước tuổi.
Tại báo cáo tổng kết Luật Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng đề xuất nghiên cứu bổ sung chế độ ngắn hạn trong chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Đồng thời, nghiên cứu giảm điều kiện hưởng lương hưu từ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội xuống còn 15 năm, để nhiều người có điều kiện hưởng lương hưu khi về già, đặc biệt với những người có thời gian tham gia đóng bảo hiểm xã hội ngắn do đặc thù công việc, hoặc tham gia bảo hiểm xã hội muộn, hoặc công việc không ổn định…
Trường hợp Luật quy định giảm điều kiện hưởng lương hưu từ có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 20 năm xuống 15 năm, thì cần nghiên cứu quy định công thức tính lương hưu đối với lao động nam có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm.
Ngoài ra, Bộ cũng đề nghị nghiên cứu bổ sung trường hợp người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện không hưởng bảo hiểm một lần, thì có thể lựa chọn hưởng trợ cấp hàng tháng đối với người lao động đã đủ tuổi hưởng lương hưu, nhưng chưa đủ điều kiện về số năm đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.