Từ bé, Phạm Diệu Linh (28 tuổi, Tuyên Quang), hiện làm freelancer, ước mơ có nông trại theo phong cách đồng quê châu Âu với ngôi nhà nhỏ, hàng rào gỗ màu trắng.
Trước năm 30 tuổi, Linh biến điều ấp ủ thành hiện thực. Cô thuê mảnh đất của người quen tại Mộc Châu (Sơn La), xin phép cải tạo căn nhà cũ thành nơi ở mới và có môi trường làm việc gần gũi với thiên nhiên.
Với Linh, đây là lựa chọn phù hợp nhất với khả năng tài chính ở hiện tại.
“Mình biết nhiều bạn trẻ bỏ phố về rừng sống chậm và lựa chọn thuê đất dài hạn thay vì mua hẳn để đầu tư. Mình từng đi nhiều nơi để học hỏi, tích lũy kinh nghiệm và đến giờ mới quyết định thực hiện nên không nghĩ đó là quyết định bồng bột”, cô nói với Zing.
Nông trại trong mơ
Năm 2018, Linh làm việc cho một trang trại dâu tây ở Mộc Châu. Thời gian này, cô có cơ hội học hỏi kiến thức căn bản và hữu ích về nông nghiệp.
Đầu năm 2020, khi dịch bệnh bùng phát, Linh gặp vài biến cố lớn. Cô cũng phải chiến đấu với chứng rối loạn lo âu và trầm cảm trong thời gian dài. Nhờ sống gần gũi thiên nhiên, cô cảm thấy được chữa lành.
Đầu năm nay, sau khi suy nghĩ kỹ, Linh xin nghỉ việc để chuyển sang làm freelancer, từng bước xây dựng ước mơ.
Cô bắt đầu từ việc thuê mảnh đất nhỏ và sửa ngôi nhà cũ của gia chủ để ở. Đây là nơi gia đình họ từng sống rồi chuyển thành kho cất giống cây và chuồng nuôi lợn, gà, vịt.
“Ban đầu, hai bác khuyên mình nên suy nghĩ kỹ vì không ai tưởng tượng được nơi này sẽ được sửa kiểu gì. Tuy nhiên, mình thấy dù cũ, kết cấu nhà vẫn khá chắc chắn”, cô kể.
Với Linh, 6 tháng sửa nhà là quãng thời gian nhiều khó khăn khi thợ xây, thợ điện nước thay nhau mắc Covid-19. Bên cạnh đó, xăng dầu tăng kéo theo giá vật liệu leo thang.
Không có kinh nghiệm về xây dựng nhưng kinh phí hạn hẹp, Linh tham khảo từ nhiều người rồi tự lên ý tưởng thay vì thuê đơn vị thiết kế. Tuy nhiên, thợ địa phương nhiều khi không hiểu hết ý cô.
“Mình quyết định giữ lại kết cấu nhà, thay phần mái hỏng bằng tôn lạnh, làm trần nhựa thả với mức giá hợp lý. Ở bên trong, mình thuê thợ trát nốt tường dang dở từ trước và phía ngoài”.
Mẹ Linh ban đầu không ủng hộ nhưng thấy con gái quyết tâm, bà chuyển lên ở cùng để giúp trông nom nhà cửa và làm vườn. Em trai cô cũng nghỉ việc một thời gian để lên giúp chị.
Ba người cố gắng lo liệu mọi thứ trong khả năng như sơn nhà, tự làm đồ decor, đóng cửa và hàng rào… để tiết kiệm chi phí.
Linh chăm chút cho khu bếp khi mua vải về tự may rèm cửa sổ, nhờ em trai đóng kệ và bàn để bày đồ trang trí. Cô cũng nhận được sự hỗ trợ từ chủ nhà và hàng xóm xung quanh.
“Mình lựa chọn phong cách farmhouse vì sự mộc mạc nhưng không kém phần tinh tế và lãng mạn. Đặc trưng của phong cách này là tông màu sáng và trung tính kết hợp với nội thất bằng gỗ. Vật dụng trong nhà cũng không cần quá cầu kỳ, có thể tận dụng đồ tái chế để decor vừa tiết kiệm lại mang nét độc đáo”, cô nói.
Căn nhà sau khi sửa lại có 4 phòng, được sắp đặt theo chủ đề xuân, hạ, thu, đông. Hiện Linh đã hoàn thành một nửa.
Sống trọn vẹn hơn
Linh cho hay chi phí cải tạo nhà và sắm đồ hết khoảng 300 triệu đồng. Trong đó, ngoài tiền cô tích cóp được, phần lớn là gia đình hỗ trợ.
Nhìn lại thành quả, Linh khá mãn nguyện. Dù nhà không to và đầy đủ tiện nghi vật chất, cô vẫn hạnh phúc khi được tự tay chăm chút tỉ mỉ từng góc nhỏ.
Ngoài ra, Linh và mẹ dọn vườn để làm luống, trồng nhiều loại rau, củ như bí ngòi, cải kale, cải cầu vồng, xà lách và rau gia vị. Thời gian đầu, họ mệt mỏi do chưa quen làm việc nặng nhưng dần quen.
Cũng nhờ lao động chăm chỉ, Linh đi ngủ và thức dậy sớm khiến tinh thần thoải mái, an yên hơn.
Ngoài làm nhà để ở, Linh dự định đón những người bạn có cùng phong cách sống yêu thiên nhiên đến homestay trải nghiệm.
“Mình hy vọng sau này, khi đạt được tự do tài chính, có thể mua mảnh đất của riêng mình ở bìa rừng, dựng căn nhà gỗ nhỏ sống những ngày tháng an yên. Mình không khuyến khích mọi người bỏ phố về quê vì đây chưa bao giờ là hành trình dễ dàng. Hãy cho bản thân thời gian sống và trải nghiệm trước khi quyết định gắn bó lâu dài”, cô nói.