Nêu rõ quy tắc làm việc giúp bạn có cuộc sống văn phòng suôn sẻ hơn.
Dù hoàn thành nhiều nhiệm vụ khác nhau hay chuyển sang công ty mới, bạn vẫn không cảm thấy vui vẻ khi làm việc. Thậm chí, bạn có xu hướng lâm vào kiệt sức.
Để vượt qua trở ngại này, vạch rõ giới hạn công việc là điều cần được ưu tiên hàng đầu.
Dưới đây, Refinery29 trao đổi cùng Evelyn Cotter và Helen Snape, hai chuyên gia về đời sống và hướng nghiệp, về những giới hạn lành mạnh giúp bạn có được sự cân bằng giữa cuộc sống văn phòng và đời sống cá nhân.
Đặt giới hạn với đồng nghiệp
Chúng ta thường chỉ nhận thức về giới hạn của bản thân một khi có ai đó vượt qua chúng.
Vì vậy, Evelyn khuyên bạn nên ưu tiên bày tỏ sớm nguyện vọng của mình tại nơi làm việc.
Trước đó, bạn nên tìm một nơi yên tĩnh và dành thời gian tìm hiểu về những gì bản thân mong muốn.
Tuy nhiên, bạn nên nhớ ước muốn hoàn toàn có thể thay đổi. Chẳng hạn, vì đã là nhân viên chính thức nên bạn có thể nhận thấy những hành vi khi còn là thực tập sinh không còn phù hợp.
Thế nên, bạn hãy lưu ý thỉnh thoảng xem xét lại các giới hạn để điều chỉnh và bổ sung hợp lý. Helen gợi ý một số nguyên tắc bạn có thể đặt ra với đồng nghiệp như sau:
- Không tham gia các hoạt động xã giao với đồng nghiệp sau giờ làm
- Không làm thay công việc của người khác
- Không tham gia bàn tán, nghị luận chốn công sở
- Học cách chuyển giao công việc cho người phù hợp
- Không tiết lộ các tài khoản mạng xã hội của mình cho đồng nghiệp.
Một khi danh sách giới hạn được thiết lập, bạn nên cho mọi người biết về chúng càng sớm càng tốt. Đôi khi, điều tưởng chừng hiển nhiên với bạn chưa chắc đã được những người khác nhận thấy.
Để làm điều này, bạn hãy giữ cuộc trò chuyện rõ ràng, trực tiếp và gãy gọn.
Ví dụ: Khi đồng nghiệp muốn tám chuyện mà bạn không muốn bị phân tâm, bạn có thể nói: “Hiện tại tôi còn việc đang làm dở. Mình nói chuyện sau vào giờ nghỉ trưa nhé!”.
Ngoài ra, sự thay đổi có thể khiến một số người không thoải mái. Lý do là họ quen thuộc hơn với với việc mọi người xung quanh ổn định như bình thường.
Vì vậy, bạn hãy cố gắng bày tỏ yêu cầu của bản thân một cách từ tốn và tinh tế để đồng nghiệp kịp thích nghi. Điều này cũng sẽ giúp bạn tránh được sự thù ghét và lấy được lòng đồng cảm của đối phương.
Vạch ranh giới với sếp
Trao đổi nguyện vọng với sếp không phải là điều dễ dàng bởi họ thường được xem là hình mẫu trong công việc.
Chẳng hạn, họ luôn trả lời email nhanh chóng vào bất cứ thời điểm nào trong ngày. Vì vậy, họ mong muốn nhân viên của mình cũng làm như thế.
Để cuộc thương lượng với cấp trên thành công, Helen và Evelyn khuyên bạn nên tránh phán xét và cẩn trọng đề ra những giới hạn công việc chỉ xoay quanh bản thân.
Bạn không nên nói thẳng mặt sếp rằng kỳ vọng của họ về bạn quá cao khiến cuộc sống của bạn bị đảo lộn.
Thay vào đó, bạn có thể nhẹ nhàng trình bày như sau: “Tôi coi trọng sự tách biệt giữa công việc và cuộc sống cá nhân. Điều này giúp tôi tập trung và năng suất hơn khi làm việc ở văn phòng. Vì vậy, tôi mong muốn được tắt thông báo email khi hết giờ làm”.
Bên cạnh đó, Evelyn nhấn mạnh tầm quan trọng của sự nhất quán và lòng tin trong các giới hạn đặt ra.
Tinh tế trong lời ăn tiếng nói vẫn chưa đủ để thiết lập những ranh giới chắc chắn và bền vững. Để bổ sung, bạn cần tin rằng mình xứng đáng và có quyền được nêu lên ước muốn riêng.
Đồng thời, thường xuyên củng cố niềm tin này với người khác là điều quan trọng không kém. Có như vậy, đối phương mới nhận thức rõ ràng được cách bạn muốn và không muốn được đối xử.
Giới hạn của bạn nên phù hợp với công việc chung
Tất nhiên, việc đặt ra các giới hạn không phải lúc nào cũng nằm trong tầm kiểm soát của bạn.
Chuyện sẽ trở nên thử thách hơn nếu bạn gặp phải cấp trên khắt khe hay một công việc khó.
Trong trường hợp này, bạn cần tìm hiểu xem mình được kỳ vọng biểu hiện như thế nào cùng lý do của điều này.
Bạn được đối xử đặc biệt hay đây là văn hóa làm việc bấy lâu nay ở công ty? Tần suất bạn được yêu cầu ưu tiên công việc trước cả việc riêng là bao nhiêu?
Evelyn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hiểu rõ được chuẩn mực trong ngành bạn đang theo đuổi.
Chẳng hạn, bạn làm về thời trang và trong các tuần lễ cao điểm, mọi người đều làm việc 12 tiếng/ngày, việc đề xuất giới hạn làm việc ít hơn sẽ không giúp bạn phát triển hay giữ được mối quan hệ tốt đẹp với đồng nghiệp.
Nếu bạn vẫn không thể theo kịp cường độ công việc, rất có thể bạn không phù hợp tiếp tục theo đuổi ngành này.
Đối với cấp trên khó tính, cách giải quyết hữu hiệu là cố gắng tin tưởng và quyết đoán hơn với những mong muốn của mình. Bạn có thể cân nhắc trò chuyện nghiêm túc với họ để xử lý các vướng mắc tồn tại.
Ngoài ra, quan sát và học hỏi cách những người xung quanh khẳng định giới hạn của bản thân cũng là một phương án xử lý hay ho.
Ứng xử khi ai đó vượt quá giới hạn
Đối phó ranh giới đã bị phá bỏ còn tùy thuộc vào mức độ xảy ra.
Nếu sự việc mới diễn ra một lần, bạn chỉ cần gửi lời nhắc rằng mình không thể làm việc quá muộn hoặc không còn đủ sức đảm đương thêm một dự án nào khác.
Còn khi chuyện tương tự lặp lại nhiều lần, bạn cần phải thẳng thắn hơn. Song, bạn nên tránh đưa lời giải thích về các giới hạn công việc của mình.
Giãi bày quá nhiều có khả năng để lộ điểm yếu cho người khác xem nhẹ mình. Bạn nên nhớ mình không nợ ai lời giải thích cho những yêu cầu cá nhân hợp lý.
Điều này càng trở nên quan trọng trong trường hợp cấp trên của bạn hống hách. Vì bạn càng đưa ra nhiều cơ sở, họ sẽ càng lấn tới và “nắm thóp” bạn.
Thay vào đó, bạn nên giữ vững lập trường của mình, ghi lại mọi vấn đề nảy sinh và tìm kiếm trợ giúp từ những đồng nghiệp đáng tin cậy.
Trân trọng ranh giới cá nhân
Tất cả chúng ta, đặc biệt là những người dễ rơi vào căng thẳng và kiệt sức, việc tạo lập được giới hạn làm việc là rất quan trọng.
Cách tiếp nhận cũng như từ chối các đầu công việc có tác động không nhỏ đến cuộc sống của mỗi người.
Bạn có thể cân nhắc xem xét trạng thái tinh thần hay khối lượng công việc hiện tại để có được quyết định có lợi nhất. Khi bạn nói "có" với mọi yêu cầu được đưa đến, lời đồng ý của bạn có khả năng trở nên “mất giá”.
Chưa kể, sẵn sàng nhận làm mọi công việc thừa thãi chỉ để có thêm sự công nhận sẽ chỉ khiến bạn quên đi việc phải chăm lo cho cuộc sống riêng.
Trong trường hợp này, bạn nên tìm kiếm sự giúp đỡ từ các chuyên gia để thấu hiểu cũng như sớm loại bỏ hành vi hay làm hài lòng mọi người.
Bên cạnh đó, bạn nên chú ý đối xử tử tế với bản thân mình. Việc nói "không" và thiết lập ranh giới có thể mới mẻ và đôi khi phức tạp, thế nên, mắc sai lầm và trở nên khó xử là chuyện bình thường.
Cuối cùng, chúng ta dành phần lớn thời gian cuộc đời để làm việc. Vì vậy, đặt ra và duy trì các giới hạn công việc lành mạnh sẽ giúp bạn có trải nghiệm làm việc thoải mái và thuận lợi hơn.
Bạn sẽ không cảm thấy quá căng thẳng cũng như có thêm nhiều năng lượng và thời gian cho những gì mình thực sự thích.