Hơn 4.500 tấn gạo của Lộc Trời, trị giá trên 3 triệu USD đã được giao lần lượt sang các nước Ý, Pháp, Canada, Hồng Kông, Singapore, Philippines, Kuwait… từ đầu năm đến giữa tháng 2/2022; Nguồn: Lộc Trời Group
Thế giới đang đứng trước nguy cơ thiếu lương thực. Đây là lời cảnh báo đưa ra từ Liên Hiệp Quốc (LHQ). LHQ đã kêu gọi các quốc gia “cùng nhau hành động, khẩn trương và đoàn kết” để chấm dứt cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu hiện nay.
Thế giới với nỗi lo thiếu hụt lương thực
Xung đột Nga - Ukraine và các biện pháp trừng phạt kinh tế nhắm vào Nga đã gây gián đoạn nguồn cung phân bón, lúa mì và các mặt hàng khác. Bởi Nga và Ukraine đang nắm khoảng 30% lúa mì, lúa mạch toàn cầu.
Riêng Nga còn là nhà cung cấp phân bón và khí đốt hàng đầu thế giới. Vì thế, mỗi động thái của Nga và Ukraine đều ảnh hưởng đến tình hình thế giới.
Theo Fitch Solutions, khoảng 30 quốc gia đã thực hiện các biện pháp hạn chế xuất khẩu lương thực kể từ khi chiến sự bắt đầu ở Ukraine.
Sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ lương thực đã đặt các nước vào nỗi lo lạm phát. Tháng 4 vừa qua, chỉ số giá lương thực của Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO) ghi nhận, giá lương thực thế giới đã tăng hơn 70% kể từ giữa năm 2020 và gần đạt mức kỷ lục sau khi Nga đưa quân vào Ukraine.
Sang tháng 5, chỉ số tuy có giảm nhưng vẫn tăng hơn 22,8% so với cùng kỳ. Còn theo Bloomberg, giá lúa mì giao sau đã tăng 56% trong năm nay và dầu cọ tăng 38%.
Áp lực cạnh tranh
Căng thẳng trên thị trường lúa mì, lúa mạch của thế giới có vẻ hứa hẹn sẽ tạo thuận lợi cho mặt hàng gạo nổi lên.
Tuy nhiên, theo quan sát của ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc của Phước Thành IV, nguồn cung gạo vẫn ổn định. Đơn cử Ấn Độ chỉ mới cấm xuất khấu lúa mì chứ chưa có thông tin cấm xuất khẩu gạo. Trong khi Ấn Độ đang là một trong những quốc gia xuất khẩu gạo đứng đầu thế giới với giá rẻ. Nếu so sánh, giá gạo Việt Nam ở mức khá cao, theo đánh giá từ Bộ NNPTNT.
Tháng 4 vừa qua, cùng loại gạo tiêu chuẩn 5% tấm, gạo của Việt Nam ở mức 425 USD/tấn, cao hơn của Thái Lan (410-415 USD/tấn) và gạo Ấn Độ (chỉ 361-365 USD tấn).
Gạo Việt Nam hướng đến chiến lược chú trọng những giống đặc sản, lúa thơm, giúp khẳng định thương hiệu gạo Việt ở những thị trường khó tính.
Trước mắt, theo dự báo của Bộ Công Thương, gạo Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục gia tăng xuất khẩu, có thể đạt trên 6,4 triệu tấn. Bởi sản lượng gạo của Trung Quốc bị giảm vì ảnh hưởng lũ lụt còn nguồn gạo dự trữ của Philippines đang giảm mạnh, cần nhập thêm.
Ở các thị trường đang thiếu hụt lương thực, ông Nguyễn Văn Thành cho biết, các nước có chuyển sang dùng gạo hay không là chưa chắc chắn. Vì sản phẩm từ lúa mì lúa mạch rất khác với sản phẩm từ lúa gạo. Nếu chọn dùng gạo thì như ở Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan.. các nước sẽ mở thầu và chỉ cho công ty nội địa tham gia đấu thầu. Từng quốc gia sẽ đưa ra yêu cầu phẩm cấp gạo và mức quota. Khi đó, các doanh nghiệp trúng thầu sẽ tìm đối tác ở nước xuất khẩu để ký hợp đồng cung ứng gạo.
Doanh nghiệp Việt tìm đường
Như vậy, Vinafood1, Vinafood2, Kigimex, Quốc Tế Gia, Tân Long, Thuận Minh, Cỏ Mây, Trung An …muốn xuất khẩu gạo phải được đối tác nước ngoài chọn và được cấp quota. Doanh nghiệp cũng phải tính toán làm sao để thương vụ có lãi.
Trong điều kiện nhiên liệu, giá cước vận chuyển tăng cao thì đây là bài toán không dễ. Thêm vào đó, giá gạo Thái Lan, Ấn Độ đang rẻ hơn Việt Nam, giá cũng là một áp lực cạnh tranh lớn lên gạo Việt.
Tuy nhiên, theo đánh giá của giới chuyên gia, những khó khăn kể trên doanh nghiệp ngành gạo đã có kinh nghiệm vượt qua và xuất khẩu gạo vẫn liên tục tăng trưởng.
Thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan chỉ ra, 5 tháng đầu năm 2022, cả nước xuất khẩu gần 2,77 triệu tấn gạo, trị giá trên 1,35 tỷ USD với giá trung bình đạt 489 USD/tấn. Những thị trường xuất khẩu chính của gạo Việt Nam vẫn là Philippines, Trung Quốc, Bờ Biển Ngà.
Đối với từng doanh nghiệp, năm ngoái Tập đoàn Lộc Trời (LTG) xuất khẩu gạo tăng gấp 4 lần, lên hơn 80.000 tấn gạo và đã xuất khẩu gạo vào các thị trường khó tính như Châu Âu, Mỹ... Năm nay, Lộc Trời ký kết bao tiêu 110.000 ha tại tỉnh An Giang và dự kiến đạt doanh số 12.000 tỷ đồng với đối tác sẵn có.
Lãnh đạo công ty Trung An, một doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn trụ sở tại Cần Thơ xác nhận, trong đợt dịch Covid-19, theo lãnh đạo Trung An, gạo là mặt hàng có giá trị tăng trưởng cao nhất trong các sản phẩm nông nghiệp.
Năm nay, Trung An đặt mục tiêu doanh thu 3.500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 110 tỷ đồng, tăng lần lượt 12,2% và 13,8% so với cùng kỳ. Trung An dự kiến tập trung xuất tìm đối tác phân phối ở các nước phát triển như Đức, Australia, Mỹ, Malaysia, UAE…để xuất khẩu lô hàng khối lượng lớn.
Tên tuổi đáng chú ý khác là Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang-Angimex (AGM) với doanh thu và lợi nhuận năm 2021 đều tăng trưởng mạnh.
Sang năm 2022, Angimex tiếp tục theo đuổi mục tiêu tăng trưởng cao với doanh thu năm ước đạt 8.004 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế khoảng 70 tỷ đồng.
Riêng Công ty cổ phần Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam-Vinaseed (NSC) ghi nhận lợi nhuận cao nhờ mở rộng thêm thị trường gạo và xuất khẩu gạo.
Có thể yếu tố thị trường đã tác động đến giá cổ phiếu, một tháng qua, dù thị trường tiếp tục u ám, giá cổ phiếu LTG của Lộc Trời vẫn ở mức 36.000-37.000 đồng/cổ phiếu, không biến động nhiều.
Tương tự, cổ phiếu TAR của Trung An cũng duy trì sắc xanh và vẫn được giao dịch ở mức 25.000-26.000 đồng/cổ phiếu bất chấp hầu hết cổ phiếu trên sàn đều giảm mạnh.
Agriseco Research cho rằng, triển vọng ngành gạo khả quan khi giá gạo có thể tăng theo giá lương thực thế giới và nhu cầu xuất khẩu gạo có thể tăng lên, trở thành sản phẩm thay thế cho lúa mì hay ngô.
Điều này có thể là chỉ dấu cho thấy những doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu bền vững, có hệ thống chế biến, phân phối, có lịch sử tín dụng, sản lượng xuất khẩu cao các năm trước có thể sẽ tiếp tục có kết quả kinh doanh thuận lợi trong nửa cuối 2022 và đầu 2023.