Vì sao thời gian qua nhiều cổ phiếu ngân hàng tăng trưởng mạnh?
Theo ông Đặng Trần Phục - Chủ tịch HĐQT HĐQT CTCP AZfin Việt Nam, từ đầu năm, tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn như: Thị trường bất động sản bị ách tắc, xuất khẩu khó khăn, trái phiếu chậm thanh toán vẫn là vấn đề nhức nhối …
Trong bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp đã phải đóng cửa, ngừng hoạt động. Kết quả kinh doanh quý 1/2023 của các nhà băng giảm 4,5% so với quý trước. Ngoài ra, tín dụng cũng tăng trưởng thấp, trong 4 tháng đầu năm 2022 chỉ đạt 2,57% - thấp hơn nhiều so với mức gần 7% cùng kỳ năm 2022. Tỷ lệ nợ xấu bình quân tại các ngân hàng từ mức 2% cuối năm 2022 đã lên đến 2,9% vào cuối quý 1/2023.
Từ giữa tháng 3, Chính phủ và các cơ quan điều hành đã có nhiều chính sách tiền tệ và tài khoá như: Giảm lãi suất điều hành; mua USD cung tiền Đồng hỗ trợ thanh khoản; giãn, hoãn nợ quá hạn cho các doanh nghiệp; giảm thuế giá trị gia tăng 2% với đa phần các mặt hàng nhằm hỗ trợ nền kinh tế nói chung. Đồng thời, nhiều giải pháp để tháo gỡ các vướng mắc khó khăn của ngành bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp cũng được triển khai.
“Nhiều cổ phiếu ngân hàng cũng đã đạt được một mức tăng trưởng tốt trong thời gian vừa qua. Điều này chủ yếu do 3 nguyên nhân: 1) Nền kinh tế nói chung và cổ phiếu ngân hàng nói riêng đã qua giai đoạn khó khăn nhất, các chính sách hỗ trợ đang được đưa ra nhiều hơn; 2) Định giá cổ phiếu ngân hàng đang ở mức hấp dẫn; 3) lãi suất hạ nhiệt khiến dòng tiền dần dần trở lại thị trường chứng khoán nói chung và cổ phiếu ngân hàng nói riêng”, ông Đặng Trần Phục đánh giá.
Nhìn về tương lai, cơ hội nào cho cổ phiếu ngân hàng?
Theo đó, chuyên gia từ AzFin dự phóng lợi nhuận quý 2/2023 của ngành ngân hàng sẽ tăng trưởng nhẹ. Cả năm 2023 toàn ngành có thể tăng trưởng lợi nhuận khoảng 10% bất chấp bối cảnh kinh tế khó khăn.
“Chúng tôi dự báo từ cuối năm 2023 đến năm 2024 cổ phiếu ngân hàng sẽ tiếp tục thu hút được dòng tiền và có diễn biến tích cực nhờ vào sức khoẻ tài chính của ngành ngân hàng vẫn được duy trì ổn định, định giá rẻ. Đây sẽ là 1 trong các ngành có sự phục hồi sớm nhất. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần lưu ý rằng ngành ngân hàng có số lượng cổ phiếu lưu hành tương đối lớn với gần 60 tỷ cổ phiếu, đồng nghĩa với cung tương đối nhiều. Vì thế để cổ phiếu ngành ngân hàng lên giá mạnh cần thêm dòng tiền lớn chảy vào”, ông Đặng Trần Phục đánh giá.
Từ ngày 25/5, Ngân hàng Nhà nước hạ tiếp lãi suất điều hành, lần thứ 3 chỉ trong chưa đầy 3 tháng. Chuyên gia cho rằng đây là động thái phù hợp với mục tiêu tập trung tăng trưởng kinh tế và thực tế khống chế lạm phát cùng một số điều kiện vĩ mô khác.
Theo đó, 2 lần hạ lãi suất trước đã phần nào khiến mặt bằng lãi suất giảm xuống đáng kể. Tuy nhiên, nếu so với trước đại dịch, lãi suất vẫn ở mức cao. Điều này khiến cho doanh nghiệp và người dân không tiếp cận được vốn làm tăng trưởng kinh tế chỉ ở mức thấp dù bối cảnh vĩ mô Việt Nam vẫn ổn định. Do đó, lần hạ lãi suất này sẽ sẽ góp phần giảm chi phí huy động cho các ngân hàng, qua đó hỗ trợ giảm áp lực tài chính cho doanh nghiệp, giúp thúc đẩy kinh tế quay lại đà tăng trưởng và hạn chế nợ xấu tại các nhà băng không tăng quá nhanh.
“Như đã nói ở trên, mặc dù cổ phiếu ngân hàng hấp dẫn nhưng do lượng cung cổ phiếu tương đối lớn, điều này đòi hỏi phải có dòng tiền lớn tham gia thị trường thì cổ phiếu ngân hàng mới có thể tăng trưởng mạnh. Vì thế nhà đầu tư ngoài chú ý đánh giá nợ xấu, lợi nhuận cần hết sức chú ý đến các yếu tố quyết định đến dòng tiền vào thị trường chứng khoán. Một số chỉ báo nhà đầu tư có thể theo dõi là lãi suất cho vay thực của các ngân hàng thương mại có đang giảm mạnh không; lượng tiền giao dịch ký quỹ (margin) tại các công ty chứng khoán có gia tăng không; số lượng tài khoản chứng khoán mở mới có đang tăng lên không… Ngoài ra, nhà đầu tư cũng cần quan sát thêm diễn biến thị trường tài chính toàn cầu cũng như sức khỏe các ngân hàng trên thế giới như thế nào”, ông Phục lưu ý nhà đầu tư.