Trong phiên giao dịch cuối tuần 18/08/2023, VN-Index bất ngờ giảm 55,49 điểm và đóng cửa ở mức 1.177,99 điểm. Cùng lúc, hàng loạt cổ phiếu ngân hàng đã giảm sâu hoặc thậm chí nằm sàn. Đáng chú ý, đợt giảm này diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế đang có tín hiệu phục hồi, lãi suất huy động và cho vay vẫn tiếp tục hạ xuống. Liệu đây là dấu hiệu cho thấy thị trường đã “quay xe” hay là một nhịp điều chỉnh để tiếp tục tăng trưởng?
Về diễn biến này, ông Vicente Nguyen - Giám đốc Đầu tư Quỹ AFC Vietnam Fund cho rằng đợt sụt giảm vừa qua không xuất phát từ các yếu tố cơ bản, vẫn còn nhiều cơ hội đầu tư cho thị trường nói chung và cổ phiếu ngành ngân hàng nói riêng.
PV: Ông lý giải thế nào về đợt sụt giảm mạnh vừa qua của thị trường chứng khoán nói chung và nhóm cổ phiếu ngân hàng nói riêng?
Ông Vicente Nguyen: Tôi cho rằng có thể có nhiều yếu tố khiến thị trường giảm mạnh như vừa qua, song chắc chắn thị trường không bị điều chỉnh vì các yếu tố cơ bản. Bởi tình hình kinh tế vẫn ổn định, các hoạt động sản xuất kinh doanh đang dần khởi sắc.
Theo tôi, có 2 yếu tố có khả năng cao đã gây ra đợt sụt giảm vừa qua là: 1) những nhà đầu tư đã lãi đậm từ đợt tăng đầu năm đã chốt lời; 2) các cá nhân bán ra dưới sự thôi thúc và kích thích theo tâm lý tâm lý đám đông. Trong bối cảnh đó, một lượng lớn các loại cổ phiếu, trong đó có nhóm ngân hàng đã bị đẩy ra thị trường với một mức giá rẻ.
Vì sự suy giảm không đến từ yếu tố cơ bản, nên có rất nhiều nhà đầu tư hiểu được lý do của sự điều chỉnh này và mạnh dạn mua vào hàng loạt cổ phiếu được chiết khấu tốt, trong đó có các nhà đầu tư tổ chức như chúng tôi.
Trong một xu hướng tăng dài hạn (Uptrend) từ nay đến 2025 sẽ luôn có không ít những đợt điều chỉnh mạnh như vừa qua và đó là cơ hội cho nhà đầu tư giá trị nắm giữ cổ phiếu với tầm nhìn lâu dài hơn là một tín hiệu không tích cực.
Còn từ giờ đến cuối năm tôi kỳ vọng thị trường sẽ vẫn ổn định, trong đó ngành xuất khẩu sẽ là điểm nhấn. Bởi trong quý IV/2022 và cả 6 tháng đầu năm 2023, ngành này đã bị ảnh hưởng nặng bởi chính sách kiềm chế lạm phát của Mỹ và EU, tiêu dùng toàn cầu giảm mạnh…
Tuy nhiên, khi kinh tế trong nước và toàn cầu dần hồi phục, đặc biệt nhiều khả năng Mỹ sẽ ký hiệp định đối tác chiến lược với Việt Nam trong thời gian tới có thể sẽ là một cú huých tăng trưởng cho ngành này. Trong quá khứ vào năm 2013, khi Mỹ ký hiệp định đối tác toàn diện với Việt Nam kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam với quốc gia này chỉ quanh mốc 35-36 tỷ USD. Tính đến cuối năm 2022, con số này đã lên đến 123 tỷ USD (gấp 4 lần). Do đó, với sự hợp tác lần này nhà đầu tư hoàn toàn có thể tin tưởng một kết quả đẹp tương ứng.
Kết quả kinh doanh của các ngân hàng 6 tháng qua đã sụt giảm khá nhiều so với các kỳ trước, ông dự báo thế nào về xu hướng thời gian tới?
Về kết quả kinh doanh, hiện báo cáo tài chính vẫn chưa phản ánh hết và đầy đủ các khó khăn của ngành ngân hàng. Vì vừa qua, Ngân hàng Nhà nước có chính sách cho phép các ngân hàng giữ nguyên nhóm nợ, cơ cấu nợ xấu, trong khi ngành bất động sản vẫn còn rất nhiều khó khăn. Ngoài ra, nhóm địa ốc và ngành ngân hàng vẫn còn chưa thôi áp lực với chính sách khi sắp tới Thông tư 06/2023 TT-NHNN chính thức có hiệu lực.
Tôi cho rằng thời gian tới kết quả kinh doanh của các nhà băng sẽ rất phân hoá, các ngân hàng mạnh, ít bị ảnh hưởng bởi thị trường bất động sản và trái phiếu vừa qua sẽ tăng tốt, nhưng các ngân hàng khác thì vẫn sẽ còn khó khăn.
Tuy nhiên, tôi nghĩ thời điểm khó khăn nhất đã trôi qua rồi. Các ngân hàng sẽ phục hồi dần và tăng trưởng mạnh trong 3-5 năm tiếp theo, đặc biệt khi giải quyết xong được các khoản nợ xấu tồn đọng. Nhìn chung, tương lai ngành NH trong dài hạn là rất tươi sáng.
Vậy còn triển vọng của các cổ phiếu nhà băng thời gian tới sẽ thế nào thưa ông?
Vừa qua, có một hiện tượng khá đáng chú ý đó là hàng loạt cổ phiếu ngân hàng tăng trưởng mạnh dù kết quả kinh doanh chưa thực sự tích cực. Điều này đã khiến không ít nhà đầu tư lo ngại về việc cổ phiếu ngân hàng có đang tăng nóng mà không có sự hỗ trợ bởi yếu tố cơ bản. Tôi cho rằng có hai lý do có thể giải thích cho sự phân kỳ giữa kết quả kinh doanh và giá cổ phiếu của các ngân hàng:
Thứ nhất năm 2022, VN-Index đã giảm sâu, nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng theo đó được chiết khấu khá mạnh. Nửa cuối năm ngoái, đã có hiện tượng hàng loạt mã chứng khoán của các nhà băng được định giá P/B dưới 1 - đây là mức định giá rất rẻ trong nhiều năm trở lại đây. Thị trường đã nhận thấy được vấn đề này và đánh giá lại về cổ phiếu ngân hàng. Do đó, dù tình hình kinh doanh chưa tích cực nhưng cổ phiếu ngân hàng vẫn tăng mạnh trong suốt thời gian vừa qua.
Lý do thứ hai là từ đầu năm đến nay, dòng tiền liên tục đổ vào thị trường chứng khoán. Điều này có thể được nhìn thấy rất rõ bởi việc thanh khoản của VN-Index liên tục tăng lên. “nước lên, thuyền lên” - với vai trò chiếm hơn ⅓ vốn hóa thị trường, nhóm ngân hàng chắc chắn không nằm ngoài tầm ngắm của dòng tiền. Do đó, dù kết quả kinh doanh chưa tích cực, các cổ phiếu của nhóm nhà băng vẫn tăng lên. Tuy nhiên, với tôi việc tăng không lý do như vậy có thể sẽ có nhiều rủi ro và khó bền vững.
Nhìn về tương lai, định giá hấp dẫn, triển vọng tươi sáng trong dài hạn chính là động lực đưa cổ phiếu ngân hàng đi lên. Tuy nhiên, tôi cho rằng, cổ phiếu ngân hàng sẽ khó có sự bứt phá mạnh mẽ trong giai đoạn năm 2023-2025. Thay vào đó sự bức phá có thể diễn ra từ 2026 trở đi, sau khi các khoản nợ xấu tồn đọng được giải quyết và kinh tế Việt Nam cũng bước vào giai đoạn tăng tốc cực nhanh.
Tôi khuyến nghị, nhà đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng nên an tâm và hướng tới sự bền vững. Cổ phiếu ngân hàng vẫn đang có định giá thấp, song lượng cổ phiếu của nhóm này trên thị trường vẫn đang khá lớn. Do đó, các mã chứng khoán ngành ngân hàng sẽ đi lên một cách từ tốn và bền vững, thay vì có sự đột phá mạnh mẽ như thời kỳ 2021. Vấn đề là nhà đầu tư cần phải kiên nhẫn và sáng suốt khi lựa chọn các cổ phiếu.
Cảm ơn những chia sẻ của ông!