Thưa ông, hoạt động xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm tiếp tục tăng trưởng mạnh ở 2 con số và có xuất siêu trong bối cảnh nhiều biến động ở cả trong nước và quốc tế. Xin ông thông tin rõ hơn về vấn đề này?
Theo con số ước tính sau 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt xấp xỉ 186 tỷ USD với mức tăng trưởng 13%; nhập khẩu185,3 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Xét về cán cân thương mại, hiện nay cả nước đang duy trì xuất siêu nhẹ ở mức khoảng 700 triệu USD.
Về các nhóm hàng, điểm tích cực là tất cả các nhóm hàng đều có tăng trưởng xuất khẩu rất tốt, đặc biệt là nhóm hàng thủy sản. 6 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản cả nước ước tính đạt 5,7 tỷ USD, tăng 39,6%; xuất khẩu cà phê đạt 2,3 tỷ USD, tăng khoảng gần 50%... Một số nhóm hàng nông sản khác, mặc dù lượng xuất khẩu giảm nhưng giá trị xuất khẩu lại tăng.
Đặc biệt, các thị trường có FTA với Việt Nam đang có sự tăng trưởng xuất khẩu rất cao, từ 12 - 34%. Riêng một số thị trường riêng lẻ như Canada, Mexico đều tăng trưởng rất lớn, lên đến 30%.
Ở chiều ngược lại, cơ cấu nhập khẩu một số các mặt hàng như xăng dầu và than đá thì lại tăng cao. Điều này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến tình hình kinh tế trong nước khi xung đột Nga và Ukraine vẫn dự báo sẽ tiếp diễn, thưa ông?
Việt Nam là một nước vừa xuất khẩu, vừa nhập khẩu nhiên liệu. Những căng thẳng chính trị trên thị trường thế giới thời gian vừa qua, đặc biệt là xung đột giữa Nga và Ukraine cũng góp phần đẩy mặt bằng giá nhiên liệu trên thế giới tăng lên. Một mặt chúng ta phải nhập khẩu xăng dầu và điều đó cũng ảnh hưởng về giá trị nhập khẩu đối với nhóm mặt hàng này. Song, mặt khác, chúng ta lại xuất khẩu dầu thô và than đá.
Tính chung 6 tháng đầu năm, dù nhập khẩu xăng dầu có tăng, song kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản dù giảm về lượng nhưng vẫn tăng mạnh về giá trị, đạt 2,47 tỷ USD và tăng 53,8% so với cùng kỳ năm 2021. Điều này cho thấy một sự cân bằng tương đối trong cán cân xuất khẩu và nhập khẩu đối với các mặt hàng liên quan đến năng lượng và nhiên liệu.
Mặc dù đạt được tới hơn 185 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm, nhưng chi phí khá lớn khiến giá trị của hoạt động xuất nhập khẩu không cao. Vậy cần có những giải pháp thế nào để kéo giảm được chi phí cũng như tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu trong thời gian tới?
Trong 6 tháng cuối năm, xu hướng nổi bật nhất là tình hình dịch bệnh cả ở trong nước và quốc tế về cơ bản đã kiểm soát. Ngay cả Trung Quốc là nước đã thực hiện kiểm soát nghiêm ngặt chính sách zero Covid trong suốt thời gian qua thì đến thời điểm này cũng bắt đầu nới lỏng ở một số cảng trọng điểm. Điều đó tạo điều kiện cho việc thông thương hàng hóa trên thị trường thế giới cũng sẽ dần trở lại ổn định.
Tuy nhiên, khó khăn ở đây là tình hình lạm phát ở rất nhiều quốc gia đang có dấu hiệu tăng cao, đặc biệt ở các thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU. Khi lạm phát tăng cao thì có thể sẽ làm giảm nhu cầu tiêu thụ, đặc biệt là đối với các mặt hàng tiêu dùng, gia dụng. Điều đó phần nào có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu. Các doanh nghiệp cần theo dõi để có điều chỉnh kịp thời.
Thứ hai, đó là xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine hiện nay cũng chưa có dấu hiệu chấm dứt, trong khi Nga - quốc gia xuất khẩu nguyên liệu nhiên liệu cơ bản. Do vậy, biến động về giá cả của các mặt hàng nhiên liệu và các mặt hàng cơ bản trên thế giới có thể sẽ còn tiếp tục tăng cao, ảnh hưởng đến các yếu tố đầu vào của các doanh nghiệp , trong đó có doanh nghiệp Việt Nam.
Vấn đề chi phí vận chuyển tăng mạnh do giá xăng dầu tăng cao cũng là một yếu tố bất lợi với hoạt động xuất nhập khẩu. Trong khi, việc kéo giảm chi phí là câu chuyện đòi hỏi một kế hoạch dài hơi, bao gồm cả hệ thống chính sách về hạ tầng, sự nỗ lực cải thiện năng lực của doanh nghiệp cả về nhân lực, công nghệ… Hiện, chúng ta đã đưa những vấn đề này vào trong các nghị quyết cũng như kế hoạch hành động của Chính phủ để triển khai thực hiện trong thời gian tới.
Về phía Bộ Công Thương, thời gian tới sẽ tiếp tục triển khai nhiều hoạt động đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, giữ ổn định cho lưu thông hàng hóa trong nước, hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong hoạt động xuất khẩu. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền việc tận dụng các lợi ích của các FTA cũng như phòng, chống gian lận xuất xứ, các giải pháp ứng phó kịp thời đối với các biện pháp phòng vệ thương mại mà các quốc gia dựng lên cho hàng hóa nhập khẩu.
Xin cảm ơn ông!