Trong các đối tác thương mại lớn của Lào thì Việt Nam nằm trong top 3 nước đứng đầu về kim ngạch xuất nhập khẩu sang thị trường này. Thực tế cho thấy, Lào là một thị trường nhập khẩu khá dễ tính, chủ yếu là nhập khẩu hàng tiêu dùng. Lào và Việt Nam vốn có quan hệ gắn bó mật thiết. Do đó, người Lào rất thích hàng Việt, đánh giá cao các sản phẩm đến từ Việt Nam.
Người Lào có đặc điểm là khi đã quý, đã tin dùng thì rất trung thành với sản phẩm đã chọn. Bên cạnh đó, hai nước có 10 tỉnh giáp biên nên rất thuận tiện để phát triển kinh tế thương mại. Việt Nam và Lào lại có nhiều nét tương đồng về văn hóa, vì thế hàng tiêu dùng Việt Nam cũng dễ tiếp cận với người Lào.
Cùng với đó, Chính phủ hai nước đều có các chính sách tạo thuận lợi cho thương mại hàng hóa giữa hai bên. Có thể kể ra đây là Hiệp định Thương mại Việt Nam - Lào, quy định hầu hết hàng hóa của hai nước có xuất xứ từ Lào hoặc từ Việt Nam xuất khẩu sang nhau thì sẽ được miễn thuế xuất nhập khẩu và chỉ chịu thuế VAT.
Hiệp định Thương mại Biên giới ký năm 2015 cũng tạo rất nhiều thuận lợi cho biên mậu giữa hai nước phát triển. Các Bộ Công thương Lào và Việt Nam có mối quan hệ rất thân thiết, gắn kết. Cùng với đó, hiện việc nhập cảnh từ Việt Nam vào Lào cũng rất thuận tiện.
Bà Lê Thị Phương Hoa lưu ý, Lào là đất nước có mật độ dân cư thưa thớt. Đây là một rào cản, vì như thế lực cầu sẽ yếu. Cùng với đó là các trở ngại về ngôn ngữ.
Theo Luật Bảo vệ người tiêu dùng của Lào thì hàng hóa khi lưu thông trong nước, bán trên thị trường sẽ phải gắn nhãn mác bằng tiếng Lào, trong đó ghi cụ thể về loại hàng, nhãn hiệu, nơi sản xuất nguyên liệu, nhà nhập khẩu, phân phối, nước sản xuất, giá tiền, hạn sử dụng.
Bên cạnh đó, kênh phân phối hàng Việt tại Lào cũng chưa được quan tâm đúng mức, vẫn chỉ là những điểm tiêu thụ nhỏ lẻ.
Về một thị trường lớn và tiềm năng khác trong khu vực, ông Nguyễn Thành Huy, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan chia sẻ, quốc gia này hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN. 5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt gần 8,57 tỷ USD; trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Thái Lan đạt 2,95 tỷ USD, tăng 15,6% và nhập khẩu của Việt Nam từ Thái Lan đạt 5,26 tỷ USD, tăng 3,5%.
Ông Huy lưu ý, doanh nghiệp Việt xuất khẩu hàng sang Thái Lan cần tìm đối tác địa phương phù hợp và chỉ định đối tác logistics để tối ưu hóa và quản lý chuỗi cung ứng, tiết kiệm chi phí và thời gian. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần kiểm tra kỹ thông tin trên cổng thông tin của Cục Phát triển Doanh nghiệp, Bộ Thương mại Thái Lan hoặc thông qua thương vụ Việt Nam tại Thái Lan.
Hiện thực phẩm và đồ uống là một trong những ngành bán lẻ lớn tại Thái Lan do tầng lớp trung lưu gia tăng và xu hướng thành thị hóa diễn ra mạnh mẽ. Nhóm các sản phẩm tiềm năng tại Thái Lan là sữa, rau củ quả, hải sản, trái cây tươi, thịt bò đông lạnh... Thái Lan có thế mạnh về ngành thực phẩm phát triển với hệ thống từ sản xuất, chế biến đến phân phối đã hình thành từ lâu và chuyên nghiệp. Và do có bảo hộ ngành công nghiệp thực phẩm nên các sản phẩm nhập khẩu vào nước này thường gặp khó khăn. Hiện nhiều sản phẩm như thuỷ sản, rau quả, hạt điều, cà phê, hạt tiêu, trái cây tươi của Việt Nam cũng đang được người tiêu dùng Thái Lan ưa chuộng.
Đối với xuất khẩu sữa sang Thái Lan, Lào, ông Nguyễn Thành Huy chia sẻ, sữa được người dân Thái Lan tiêu thụ nhiều. Muốn xuất khẩu sữa vào thị trường Thái Lan, doanh nghiệp cần phải có giấy phép của Cục Quản lý thực phẩm của Thái Lan và Hội đồng về sữa của Thái Lan. Theo tìm hiểu của Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan thì để sữa Việt có thể thâm nhập hiệu quả vào thị trường Thái Lan, cần phải có một đơn vị phân phối tại Thái Lan để có thể đáp ứng được các yêu cầu thông quan, đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng kịp thời.