Vừa qua, Tổng cục Thống kê đã công bố số liệu vĩ mô tháng 10 và 10 tháng với nhiều điểm nhấn đáng chú ý. Chứng khoán Agriseco đánh giá kinh tế tháng 10 tiếp tục phục hồi với một số điểm sáng như bán lẻ tiêu dùng và dịch vụ hồi phục, vốn FDI thực hiện tăng cao, cán cân thương mại tiếp tục thặng dư. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng có thể chậm lại trong thời gian tới khi các chỉ báo dự báo sớm tăng trưởng kinh tế như PMI, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) có dấu hiệu suy yếu do các đơn hàng mới giảm.
Nguồn: GSO, Agriseco Research
Theo Agriseco, Việt Nam có độ mở kinh tế lớn nên áp lực từ suy thoái kinh tế của các quốc gia lớn, diễn biến địa chính trị toàn cầu phức tạp có thể gây ra nhiều thách thức trong thời gian tới.
Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 tăng 0,15% so với tháng trước và tăng 4,3% so với cùng kỳ. Tính chung 10 tháng, CPI tăng 2,89% so với cùng kỳ, cho thấy lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát. Lạm phát ổn định nhờ giá xăng, dầu và giá thịt lợn sụt giảm cũng như việc điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả của Nhà nước. Tốc độ tăng trưởng cung tiền đang thấp hơn nhiều so với tăng trưởng tín dụng, thể hiện dòng tiền đang đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh và dòng tiền dư thừa đang bị thắt lại, giúp kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên trong thời gian tới, Agriseco cho rằng áp lực lạm phát có thể gia tăng khi nhu cầu tiêu dùng hồi phục và nguồn cung gặp khó khăn. CPI cả năm dự báo khoảng 3%, hoàn thành mục tiêu của Chính phủ.
Nguồn: GSO, Agriseco Research
Cũng trong 10 tháng đầu năm, quy mô và tốc độ tăng trưởng của nhóm bán lẻ hàng hoá, dịch vụ cao hơn so với các năm 2018 – 2022 cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ và đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế của nhóm này. Mặt khác, thặng dư nhờ xuất khẩu tăng mạnh một số mặt hàng chính, nhưng cần lưu ý sự giảm tốc xuất khẩu các tháng gần đây, đặc biệt tại các thị trường đối tác có dấu hiệu suy thoái. Dòng vốn FDI đăng ký mới tăng mạnh trở lại trong tháng 10 tăng cho thấy triển vọng hồi phục và thu hút vốn chất lượng cao của Việt Nam giai đoạn tới.
Sang năm 2023, Agriseco kỳ vọng yếu tố đầu tư công sẽ là nhân tố chính thúc đẩy tăng trưởng khi các động lực khác đang có dấu hiệu suy yếu. Xuất khẩu khó duy trì đà tăng trưởng khi các đối tác lớn đang đối mặt với nguy cơ suy thoái và thực tế đã thể hiện trong kết quả các tháng gần đây. Tiêu dùng tiếp tục hồi phục nhưng khó duy trì tăng trưởng như năm 2022, trong khi vốn đầu tư tư nhân có thể chững lại khi gặp khó khăn trong việc huy động vốn cũng như triển khai các dự án tiềm năng.
Tuy vậy, áp lực lạm phát cũng có thể tăng cao trong năm 2023 khi sức cầu trong nước hồi phục hoàn toàn, trong khi từ phía nguồn cung có thể bị ảnh hưởng bởi chi phí đẩy khi tỷ giá đang gặp áp lực và diễn biến bất thường từ giá hàng hóa cơ bản toàn cầu.
Xét tới cơ hội đối với thị trường chứng khoán, Agriseco cho rằng việc duy trì đà tăng trưởng cao và lạm phát ở mức thấp có thể giúp Việt Nam là điểm sáng trong khu vực cũng như toàn cầu để thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài. Xu thế dịch chuyển dòng vốn đầu tư khỏi Trung Quốc cũng như khu vực châu Âu vẫn đang diễn ra và Việt Nam có cơ hội thu hút dòng vốn dịch chuyển. Điều này tạo cơ hội dài hạn cho nhóm ngành khu công nghiệp và các ngành liên quan. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần lưu ý xem xét về mặt định giá cũng như dự phóng kết quả kinh doanh để lựa chọn thời điểm giải ngân phù hợp.
Bên cạnh đó, kết quả kinh doanh quý 4 của nhóm bán lẻ, dịch vụ có thể tăng trưởng mạnh mẽ trên nền tăng trưởng thấp của cùng kỳ năm 2021. Theo Agriseco, khi thị trường tìm được điểm cân bằng thì dòng tiền có thể tìm tới các ngành, doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt và tạo cơ hội tăng giá đối với các cổ phiếu nhóm ngành trên.
Ở khía cạnh khác, đầu tư công được kỳ vọng sẽ là động lực tăng trưởng kinh tế giai đoạn tới khi đã tăng tốc trong các tháng gần đây. Điều này có thể giúp nhiều ngành nghề liên quan hưởng lợi như xây dựng, bất động sản, ngân hàng, v.v… Mặc dù vậy, vẫn cần lưu ý là bên cạnh yếu tố tích cực trên thì tùy ngành nghề khác nhau đều đang có những khó khăn riêng, đặc biệt là ngành bất động sản. Agriseco khuyến nghị nhà đầu tư nên cân nhắc kỹ cơ hội và rủi ro đối với từng ngành, mã cổ phiếu cụ thể trước khi giải ngân.
Hiện, mặt bằng định giá thị trường đang ở mức P/E~ 10x, là mức rất thấp so với lịch sử cũng như so với các thị trường chứng khoán khác trong khu vực. Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô vẫn đang ổn định và tăng trưởng, Agriseco cho rằng đây là thời điểm phù hợp để tích lũy dần các khoản đầu tư dài hạn. Nhà đầu tư dài hạn nên lựa chọn những cổ phiếu đầu ngành có mức định giá P/E, P/B ở vùng thấp so với lịch sử, ưu tiên các doanh nghiệp không có tính chu kỳ hoặc vẫn duy trì được mức ROE trên 15% trong 4 quý gần đây. Việc giải ngân nên đứng trên góc độ thận trọng và phù hợp với khẩu vị rủi ro của từng nhà đầu tư.
Cơ hội luôn có, nhưng nhà đầu tư cũng cần lưu ý những rủi ro có thể ảnh hưởng tới thị trường trong thời gian tới. Đáng chú ý là áp lực từ lạm phát và tỷ giá vẫn đang hiện hữu và các chính sách tiền tệ có thể tiếp tục theo hướng thắt chặt lại, lãi suất đang trên đà tăng. Điều này có thể khiến dòng tiền từ thị trường chứng khoán tiếp tục rút ra để chuyển đổi kênh đầu tư.
Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu có thể ghi nhận kết quả chậm lại do ảnh hưởng từ nhiều yếu tố, bao gồm yếu tố tỷ giá cũng như việc sụt giảm sức cầu từ các thị trường đối tác. Đồng thời, các yếu tố bất định trong và ngoài nước vẫn đang tiếp diễn như xung đột Nga – Ukraine, chính sách ZeroCovid của Trung Quốc, FED tăng lãi suất, lạm phát và suy thoái toàn cầu hoặc hoạt động thanh lọc thị trường, áp lực thanh toán gốc lãi trái phiếu của các tổ chức phát hành. Do đó, Agriseco cho rằng các nhóm cổ phiếu có beta, tính đầu cơ cao hoặc nhóm cổ phiếu bất động sản có thể gặp áp lực giảm điểm mạnh khi có các thông tin không thuận lợi được công bố.