Nhiều năm trước, Phan Đức (49 tuổi) và Mai Thành (32 tuổi, cùng trú huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) thuộc diện có tiếng trong giới "cò đất" ở Đà Nẵng. Từ nghề môi giới không chuyên, 2 "cò" này có khoản tiền tương đối khá và quen biết nhiều người trong xã hội.
Lợi dụng tâm lý muốn đầu cơ, lướt sóng của nhiều người, Thành và Đức đã sa đà vào những việc làm phi pháp liên quan đến đất đai. Hậu quả là cuối tuần qua, 2 người này đã bị Công an huyện Hòa Vang khởi tố, bắt tạm giam về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Vướng lao lý vì bán đất "ảo"
Tại cơ quan điều tra, Thành khai đã tiêu hết số tiền kiếm được từ môi giới bất động sản. Khi không còn tiền để thỏa mãn lối chơi bời xa xỉ, người đàn ông này tung tin mình muốn bán nhiều lô đất ở Đà Nẵng.
Sau nhiều tháng rao bán đất ảo trên mạng xã hội, Thành được ông Lâm Thi Nhân (trú quận Thanh Khê, Đà Nẵng) hỏi mua đất. Tháng 7/2021, trong lúc đang cần tiền tiêu xài, Thành lập tức đưa khách đi xem vị trí đất.
Chỉ cho bị hại xem lô đất không phải của mình, Thành còn nói dối là đang làm thủ tục để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tin tưởng, ông Nhân thỏa thuận lô đất diện tích 851 m2 với giá 285 triệu đồng.
Đặt cọc 100 triệu đồng nhưng chờ mãi không được Thành làm thủ tục sang tên nên ông Nhân làm đơn tố cáo.
Người này còn khai lừa bán cho bà Nguyễn Thị Phương (trú trú Hải Châu, Đà Nẵng) nhiều lô đất ảo cũng với thủ đoạn như trên. Sau khi nhận 209 triệu đồng tiền đặt cọc của bà Phương, Thành bỏ trốn khỏi địa phương.
Còn Phan Đức thì khai tháng 7/2021, cấu kết với một người tên Nam (chưa rõ lai lịch) làm giả Bảng tính giá trị đền bù Dự án vệt 50 m đường Nguyễn Tất Thành nối dài. Sau đó, Đức mang bảng tính giá trị đền bù đến nhà, yêu cầu ông Phan Hùng ký tên vào phần chủ hộ.
Gia đình không bị giải tỏa đền bù nên ông Hùng thắc mắc. Đức trấn an sẽ chịu trách nhiệm, đồng thời hứa cho ông Hùng 2 triệu đồng.
Tiếp đó, Đức chuyển nhượng Bảng tính giá trị đền bù này cho ông Trần Ngọc Phi (trú xã Hòa Sơn) với số tiền 200 triệu đồng. Mục đích là để ông Phi nhận đất mộ tại Nghĩa trang Hòa Ninh.
Khi ông Phi làm thủ tục nhận đất thì bị phát hiện là giấy tờ giả. Qua xác minh, công an xác định Ban giải phóng mặt bằng huyện Hòa Vang không lập hồ sơ và không cung cấp bảng tính giá trị bồi thường cho ông Hùng tại dự án vệt 50 m đường Nguyễn Tất Thành nối dài. Như vậy, hành vi của Đức là làm giả hồ sơ để lừa đảo.
"Cò' dạt về đâu?
Khoảng 4 năm trước, Kiên (29 tuổi, quê Thanh Hóa) là một môi giới bất động sản có tiếng ở Đà Nẵng. Từ nghề này, thanh niên 29 lập nên cơ nghiệp, có nhà cửa khang trang ở khu đô thị Hòa Xuân (quận Cẩm lệ).
Năm 2018-2019, có thời điểm, Kiên kiếm được 50-70 triệu đồng mỗi tháng từ nghề "cò đất". "Hai năm qua, dịch Covid-19 bùng phát nên thị trường bất động sản đóng băng nên không ăn thua. Bây giờ Đà Nẵng hoạt động bình thường nhưng thị trường bất động sản làm ăn không mấy suôn sẻ", Kiên nói.
Kiên kể trong nhóm môi giới bất động sản tự phát của mình có 6 người. Trước đây, họ đều có công việc ổn định, sau đó làm thêm nghề "tay trái" môi giới bất động sản hoặc "lướt sóng" - mua xong bán lại để kiếm thêm thu nhập.
"Có thời điểm, nghề này cho mọi người thu nhập tương đối tốt. Bây giờ các công ty chuyên nghiệp ra đời nên việc môi giới riêng lẻ cũng khó làm", Kiên nói và cho hay ngoài lý do trên thì việc thị trường bất động sản chưa hoàn toàn phục hồi khiến giới "cò đất" khó sống bằng nghề.
"Nhiều người trong nhóm đã xin vào công ty hoặc kiếm việc khác để làm. Còn em thì vẫn làm lái xe, nếu có mối thì môi giới thêm kiếm hoa hồng", Kiên nói.
Cũng giống như Kiên, chị Nguyễn Thị Sen, nói rằng trước đây nghề môi giới bất động sản mang lại thu nhập lớn "Gặp khách sộp mua lô đất có giá trị lớn thì chỉ cần 1% hoa hồng cũng kiếm được số tiền khá. Tuy nhiên, bây giờ người mua, kẻ bán cũng ít nên khó làm ăn", chị Sen kể và cho biết đã xin vào một công ty du lịch làm việc.
Nói về hiện tượng "sốt đất" ở huyện Hòa Vang gần đây, hai môi giới này cho biết đó là chiêu trò của một số người. "Nhóm này góp tiền để mua đi, bán lại với nhau chứ thực tế thì không phải giao dịch thực sự. Ví dụ, họ mua lô đất 1 tỷ đồng , ít ngày sau bán lại cho bạn bè trong nhóm với giá 1,2 tỷ. Họ tự đăng ảnh, quay clip giao dịch trên rồi đăng lên mạng nhằm tạo ra cơn sốt ảo", chị Sen kể.
Nói thêm về việc này, Kiên cho hay mới đây chính quyền Đà Nẵng đã khuyến cáo người dân về những tin đồn thất thiệt "sốt đất ảo" ở một số nơi, nhất là vùng nông thôn huyện Hòa Vang.
"Với việc vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng, tình trạng trên đã tạm lắng và nhiều 'cò' đã án binh, bất động. Một số người thì dạt về Thăng Bình, Duy Xuyên, Điện Bàn... của tỉnh Quảng Nam để môi giới", Kiên nhận định.
Tại họp báo giữa tháng 4, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho biết Sở TNMT đã tuyên truyền và người dân đã nắm được chủ trương liên quan đến vấn đề đất đai ở huyện Hòa Vang. Tuy nhiên, một số người dân không nắm, không hiểu hết, từ đó tạo ra "sốt đất" không đúng, không cần thiết.
Còn ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở TNMT, cũng thông tin sở đã có văn bản gửi Công an TP Đà Nẵng vào cuộc, điều tra xem có hay không về đường dây thông đồng giữa "cò" và cán bộ cơ quan nhà nước để tạo "sốt đất" ở Hòa Vang.
"Hiện nay, Công an TP Đà Nẵng đang tiến hành điều tra", giám đốc Sở TNMT Đà Nẵng nói.