Ô tô mới đã được kiểm tra an toàn trước khi "xuất kho"?
Nhiều dấu hỏi đã được đặt ra trước sự bất cập của quá trình đăng kiểm lần đầu cho xe ô tô sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu mới trong thời gian 1 năm tính từ năm sản xuất về tình trạng hàng nghìn phương tiện xe cơ giới đến thời hạn chưa thể đăng kiểm và hàng loạt trung tâm đăng kiểm quá tải trong thời gian gần đây. Trong đó có một nghịch lý là các phương tiện xe ô tô mới sử dụng vẫn bắt buộc phải đăng kiểm trong khi gần như luôn luôn đạt yêu cầu khi đăng kiểm.
Theo quy định về đăng kiểm, với các phương tiện mới bắt đầu sử dụng thời hạn đăng kiểm là 30 tháng với xe biển trắng và 18 tháng với xe biển vàng. Ở các chu kỳ đăng kiểm tiếp theo, thời gian cũng có sự chênh lệch. Tuy nhiên, theo nhiều người dân, việc đăng kiểm với xe bắt đầu sử dụng là không cần thiết bởi việc này luôn luôn được chấp nhận.
Một chủ cho thuê xe ô tô quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, khi sản xuất và bán tới tay người tiêu dùng, hầu hết các hãng xe đều có tính toán về thông số kỹ thuật và an toàn. Do đó, bắt buộc phải đăng kiểm lần đầu tiên để cho phép sử dụng là chưa thực sự cần thiết. Theo người này, những chiếc xe có giá trị kinh tế cao lên đến vài tỷ đồng, tính năng an toàn của xe rất cao, việc bỏ qua đăng kiểm lần đầu tiên là hợp lý, đỡ tốn thời gian và tiền bạc, công sức cho người sử dụng.
Thêm vào đó, nhiều ý kiến cho rằng, quy định về thời gian đăng kiểm và thậm chí cả chu kỳ đăng kiểm đang có nhiều bất cập, nhiều xe cũ vẫn được cho qua và lưu thông ngoài đường, nhưng nhiều xe mới mua, rất an toàn lại bị bắt lỗi kỹ thuật khiến chủ xe gặp khó.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, thực tế từ lâu xe xuất xưởng, nhập khẩu về được kiểm định theo xác suất trong lô. Rồi xe mới được vận chuyển về bãi, lưu kho 1 thời gian cho đến khi có khách hàng mua, trước khi đưa vào lưu hành, xe bắt buộc phải kiểm định cụ thể từng chiếc. Vì vậy, các vấn đề lưu kho, quãng đường vận chuyển,… trong quá trình đó tất yếu sẽ xuất hiện yếu tố va đập, hư hỏng, mất mát chi tiết kỹ thuật.... do thời gian lưu kho, để bãi (không xác định được thời gian) nên từng chiếc xe có một quá trình hao mòn vô hình và hữu hình mà nhà sản xuất, người bán xe không thể biết được nên trước khi đưa vào lưu thông buộc phải kiểm định.
Theo đó, việc kiểm định xe trước khi đưa vào lưu hành không chỉ nhằm bảo đảm an toàn kỹ thuật mà còn bảo đảm cho khách hàng, người sử dụng có được xe đúng, xe chuẩn. Như vậy, một chiếc xe trước khi đưa vào lưu thông phải qua 3 bước: Kiểm tra xuất xưởng, nhập khẩu của hãng xe, nhà nhập khẩu (KCS); kiểm định đạt chuẩn theo lô của cơ quan đăng kiểm; kiểm định đạt chuẩn của từng chiếc.
Chưa kể đến, việc xã hội hóa các trung tâm đăng kiểm như thời gian qua cũng khiến công tác quản lý xảy ra bất cập. Đơn cử, nhiều trung tâm đăng kiểm là sở hữu tư nhân, được cấp phép thông qua các công ty. Do là công ty tư nhân nên áp lực phải cạnh tranh, một số công ty này có thể dễ dàng cho qua một vài lỗi không quan trọng để làm hài lòng khách hàng và ngược lại. Ngoài ra, các kỹ thuật viên trực tiếp làm công việc đăng kiểm là nhân viên được các công ty thuê làm việc, trả lương nên công tác kiểm định chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nếu lãnh đạo công ty quản lý cơ sở đăng kiểm có tác động. Với một số bất cập này, việc quản lý các cơ sở, quy trình đăng kiểm phương tiện xe cơ giới cần có những thay đổi để công tác đăng kiểm được minh bạch, an toàn.
Trước tình hình qua tải đăng kiểm, nhiều chuyên gia giao thông nhận định quá tải đăng kiểm là tình trạng khẩn cấp và phải giải quyết ngay. Theo đó, các cơ quan chức năng cần phải nhanh chóng phân loại các xe để có hướng giải quyết cấp bách. Nhất là đang vào đợt cao điểm cuối năm, nhu cầu vận tải của người dân, vận tải hàng hóa trước Tết tăng cao. Nếu không được giải quyết sớm tình trạng quá tải đăng kiểm sẽ ảnh hưởng đến đi lại của người dân và lưu thông hàng hóa, có tác động xấu đến nền kinh tế.
Cục Đăng kiểm trình phương án miễn đăng kiểm lần đầu cho ô tô mới
Vừa qua, sau 6 tháng nghiên cứu, đánh giá tác động, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã có văn bản báo cáo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về việc thực hiện kết luận tại cuộc họp giao ban Bộ tháng 12 về việc giao Cục Đăng kiểm Việt Nam nghiên cứu sửa đổi thủ tục kiểm định lần đầu đối với các xe ô tô được sản xuất lắp ráp, nhập khẩu mới, chưa qua sử dụng, kiểm định trong thời gian một năm tính từ năm sản xuất xe. Cụ thể, chỉ thực hiện lập hồ sơ phương tiện, nhập, ghi nhận thông tin phương tiện trong cơ sở dữ liệu đăng kiểm và cấp giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm định cho phương tiện để tham gia giao thông theo quy định của Luật Giao thông đường bộ 2008; không thu giá dịch vụ kiểm định.
Liên quan tới vấn đề này, Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, việc kiểm định lần đầu đối với các phương tiện mới bắt đầu đưa vào sử dụng có 2 mục đích. Thứ nhất, đây là thủ tục cần thiết để lập hồ sơ phương tiện. Việc này nhằm quản lý, theo dõi kỹ thuật phương tiện trong suốt quá trình sử dụng; Thứ hai, đó là kiểm soát kỹ thuật đối với các phương tiện lỗi (nếu có).
Dù vậy, vẫn còn nhiều chủ phương tiện cho rằng xe mới xuất xưởng vẫn phải đi đăng kiểm gây tốn kém cả trăm tỷ đồng mỗi năm, chưa kể mất thời gian của người dân. Vì vậy, ngay sau khi có đề nghị của Cục Cảnh sát giao thông về việc xem xét miễn kiểm tra an toàn kỹ thuật lần đầu đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ còn thời hạn bảo hành của nhà sản xuất, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã thành lập tổ công tác thực hiện việc nghiên cứu nội dung trên.
Bên cạnh đó, căn cứ chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải tại cuộc họp giao ban Bộ Giao thông vận tải tháng 12, Cục Đăng kiểm Việt Nam nghiên cứu, tổng hợp, đánh giá trong thời gian 6 tháng, từ tháng 6 đến tháng 11/2022, trên cơ sở số lượng các phương tiện mới sản xuất lắp ráp, nhập khẩu đã được chứng nhận tại Việt Nam, số kiểu loại, khả năng đáp ứng của các đơn vị đăng kiểm trên cả nước. Kết quả cho thấy tỷ lệ không đạt của phương tiện cần phải bảo dưỡng, sửa chữa để kiểm định lại đối với nhóm phương tiện này chiếm tỷ lệ rất thấp, từ 0,17-0,31%. Về việc nghiên cứu quy định, thời hạn bảo hành và thời gian lưu kho, lưu bãi trước khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng, Cục Đăng kiểm Việt Nam đề xuất áp dụng đối với phương tiện thực hiện kiểm định trong thời gian 1 năm kể từ năm sản xuất. Nguyên nhân được Cục Đăng kiểm đưa ra là do việc lưu kho, lưu bãi trong thời gian dài sẽ gây ra hư hỏng, hao mòn, giảm đặc tính kỹ thuật đối với nhiều chi tiết trên ô tô như nhựa, cao su, dầu bôi trơn, cấu kiện điện tử…
Còn đối với yêu cầu đảm bảo cơ sở dữ liệu và phương án kiểm soát các xe gian, xe lậu, xe tự ý thay đổi thông số kỹ thuật trước khi đưa vào tham gia giao thông, Cục Đăng kiểm đang xây dựng phần mềm để liên thông, kết nối trực tiếp cơ sở dữ liệu từ sản xuất lắp ráp, nhập khẩu đến kiểm định lưu hành.
Theo tính toán, mức tiền mà mỗi chủ phương tiện được giảm khi kiểm định lần đầu từ 250.000 - 570.000 đồng/xe tương ứng với từng loại xe. Tuy nhiên khi thực hiện miễn kiểm tra an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường lần đầu, đồng nghĩa với việc tăng trách nhiệm của nhà sản xuất, lắp ráp nhập khẩu. Đối với doanh nghiệp bảo hiểm, cần phải phối hợp cùng nhà sản xuất, chủ xe để xác định trách nhiệm khi xảy ra vấn đề bảo hiểm, bồi thường.
Để thực hiện miễn kiểm tra an toàn kỹ thuật lần đầu, cần thực hiện bổ sung, sửa đổi Thông tư số 16/2021/TT-BGTVT ngày 12/8/2021 của Bộ Giao thông vận tải quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (Thông tư 16). Được biết, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã đăng ký vào chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2023 của Bộ Giao thông vận tải và đang thực hiện các bước xây dựng dự thảo bổ sung, sửa đổi Thông tư 16 ngay trong tháng 12/2022.