Lifestyle

Có nên giấu sếp về nghề tay trái

Khi chia sẻ với sếp, bạn cần làm rõ rằng nghề tay trái không ảnh hưởng đến công việc hiện tại, thậm chí còn có thể giúp ích cho nghề chính.

Nhân viên nên tiết lộ với sếp khi công việc phụ đã đi vào quỹ đạo. Ảnh minh họa: Kampus Production/Pexels.

Bên cạnh công việc chính thức, nhiều nhân sự làm thêm nghề tay trái để cải thiện thu nhập, duy trì sở thích.

Theo một khảo sát của Công ty dịch vụ tài chính Lending Tree, có 40% người Mỹ làm thêm công việc phụ vào năm 2022, tăng 13% so với năm 2020. Thêm đó, nỗi lo về làn sóng sa thải cũng đang thúc đẩy xu hướng này.

Lúc này, câu hỏi được đặt ra: Liệu nhân sự có nên thông báo với sếp về công việc phụ của mình?

Theo các chuyên gia, đây là một nhiệm vụ khó khăn, song không thể trốn tránh. Đặc biệt, với những nhân viên mới vào công ty, bạn càng cần làm rõ xem những công việc của mình có được cho phép hay không, hoặc có gây ra vấn đề cạnh tranh hay xung đột lợi ích?

Ngoài ra, việc minh bạch với sếp sẽ giúp xây dựng lòng tin. Trong cuốn sách What If It Does Work Out? How a Side Hustle Can Change Your Life (tạm dịch: Điều gì sẽ xảy ra? Khi một công việc phụ có thể thay đổi cuộc sống của bạn), tác giả Susie Moore cũng cho rằng mỗi người nên thẳng thắn và trung thực về nghề tay trái. Bởi lẽ, một nhân sự cùng lúc đáp ứng tốt cả hai công việc thường được đánh giá là sáng tạo, linh hoạt.

Dưới đây, Insider đưa ra một vài lời khuyên nếu bạn đang cân nhắc tiết lộ với cấp trên về việc làm thứ hai của mình.

................................................................................................................................

Phần lớn người quản lý ủng hộ hoặc không quan tâm đến nghề tay trái của nhân viên. Ảnh minh họa: Tima Miroshnichenko/Pexels.

Vượt qua e ngại

Theo Jennifer Nahrgang, Giáo sư tại Đại học Kinh doanh Tippie (Iowa, Mỹ), hầu hết nhân viên không muốn tiết lộ nghề tay trái với sếp. Họ lo sợ bị đánh giá công việc chính quá nhàn rỗi hoặc đang gặp khó khăn tài chính.

Đặc biệt, phần lớn sợ mình không phải hình mẫu nhân viên lý tưởng trong mắt cấp trên. "Sẽ ra sao khi quản lý nghĩ mình không tận tụy, thiếu gắn kết?" - rất nhiều người có suy nghĩ như vậy.

Trong một cuộc khảo sát với 50 nhân sự thuộc cấp quản lý, Giáo sư Nahrgang nhận thấy khoảng 35% ủng hộ việc làm thêm của nhân viên; 30% không thấy phiền miễn là công việc phụ không ảnh hưởng; và 20% cho rằng đó không phải việc của họ.

Ngoài ra, một số ít các nhà quản lý lo lắng về tình trạng kiệt sức của nhân sự hoặc lo ngại rằng công việc phụ sẽ chiếm dụng thời gian của việc chính.

Những số liệu nêu trên có thể phần nào hữu ích, giúp bạn có thêm dũng khí để bộc lộ thẳng thắn với sếp của mình.

................................................................................................................................

Bạn nên bộc bạch với sếp khi công việc phụ đã ổn định. Ảnh minh họa: Mikhail Nilov/Pexels.

Minh bạch về công việc

Tất nhiên, bạn không cần thông báo với sếp tường tận về công việc phụ của mình. Ví dụ, khi chỉ mới lên ý tưởng cho hoạt động kinh doanh riêng, bạn nên giữ đó là bí mật của riêng mình.

Tuy vậy, khi việc buôn bán của bạn đã đi vào hoạt động, bắt đầu có những bước phát triển nhất định, bạn nên đề cập chuyện này với cấp quản lý trực tiếp.

Khi chia sẻ cùng sếp, bạn không cần nói lời xin lỗi, cũng không nên tỏ ra quá hào hứng. Chẳng hạn, bạn đừng nói công việc phụ này là đam mê cả đời và bạn nóng lòng dành toàn thời gian để xây dựng.

................................................................................................................................

Nghề tay trái của bạn sẽ là điểm cộng nếu có giúp ích cho công việc chính. Ảnh minh họa: Canva Studio/Pexels.

Nói về lợi ích của nghề phụ với công việc chính

Ngay khi bạn mắc lỗi hoặc giảm hiệu suất, sếp có thể nghĩ rằng bạn bị ảnh hưởng bởi nghề tay trái.

Do đó, điều quan trọng là bạn phải đảm bảo kết quả làm việc, đồng thời cho thấy nghề phụ cũng mang lại những lợi ích cho công việc chính, ví dụ như giúp bạn sáng tạo hơn.

Ví dụ, khi bạn tạo một blog về tư vấn nghề nghiệp và mạng xã hội. Khi chia sẻ với sếp, bạn cần nhấn mạnh những kỹ năng mới mà mình học được có thể hỗ trợ công việc của một nhân viên PR, ví dụ như xây dựng thương hiệu cá nhân và cộng đồng.

................................................................................................................................

Bạn nên để dành công việc phụ chiếm nhiều thời gian vào cuối tuần. Ảnh minh họa: Cottonbro Studio/Pexels.

Phân chia thời gian và năng lượng

Dù công việc phụ dễ hay khó, bạn vẫn cần dành thời gian, công sức để thực hiện và biến chúng trở thành nguồn thu nhập. Đôi khi, nghề tay trái này tiêu hao thời gian hơn là bạn dự tính ban đầu.

Lúc này, để đảm bảo cùng lúc hoàn thành tốt 2 công việc, bạn nên có sự phân chia thời gian, năng lượng phù hợp.

Sẽ không tốt chút nào nếu trong giờ hành chính, bạn ngồi trước mặt sếp và hào hứng với nghề tay trái của mình. Làm như vậy có thể khiến bạn mệt mỏi, đồng thời tạo ấn tượng xấu trong mắt quản lý.

Công việc phụ nên được thực hiện ngoài giờ làm chính, cuối tuần hoặc khi bạn đã thực sự hoàn thành nhiệm vụ chính thức được cấp trên giao xuống. Như vậy, bạn sẽ không tiêu hao hết thời gian, năng lượng cần thiết cho ngày làm việc trong tuần.

Link bài gốcLấy link
https://lifestyle.zingnews.vn/co-nen-giau-sep-ve-nghe-tay-trai-post1420724.html