Chị Phương Hà (50 tuổi, nhân viên văn phòng tại Hà Nội) trằn trọc trong suốt mấy tháng qua vì việc mua nhà trả góp. Dù lãi suất cho vay tăng cao, vì năm nay hợp tuổi mua nhà, cộng với việc hai đứa con của chị đã lớn và cần chỗ ở rộng rãi hơn, chị quyết định “cắn răng" mua một căn hộ chung cư vào tháng 12/2022.
“Nếu cứ chờ đợi vào lãi suất thì mình rất bị động. Nhiều người bảo kinh tế năm sau còn khó khăn, cứ chần chừ chờ thời thì chẳng biết bao giờ mới mua được nhà", chị Phương Hà chia sẻ.
Sức nặng của những khoản nợ
Chị Phương Hà đã mua một căn hộ 3 phòng ngủ, diện tích 106 m2 tại huyện Gia Lâm, Hà Nội với giá 3,4 tỷ đồng. Trong đó, 1 tỷ đồng là tiền chị vay từ ngân hàng với lãi suất cố định trong 3 năm là 8,9%/năm. Hiện chị phải trả cả gốc lẫn lãi mỗi tháng là hơn 31 triệu đồng.
“Tổng thu nhập của cả hai vợ chồng là 50 triệu đồng/tháng. Khoản nợ ngân hàng là một gánh nặng khá lớn. Có lẽ, gia đình tôi sẽ hạn chế đi du lịch trong 1-2 năm tới để tiết kiệm tiền. Tết Nguyên đán này cũng không còn ‘mạnh tay’ mua sắm, trang hoàng nhà cửa như mọi khi nữa", chị Phương Hà cho biết.
Trái ngược với chị Phương Hà, anh Mạnh Tùng (44 tuổi, nhân viên IT tại Hà Nội) cho biết gia đình nhỏ của mình sẽ tiếp tục đi thuê nhà trong ít nhất 2 năm tới để tích thêm tiền và chờ đợi thời điểm lãi suất hạ xuống.
Hiện anh Tùng thuê nhà nguyên căn tại phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, Hà Nội với giá 7 triệu đồng/tháng. Nhà có 5 tầng và 3 phòng ngủ, nội thất đã được chủ nhà trang bị sẵn, gia đình anh chỉ việc đến ở mà không cần mua sắm gì thêm.
“Các biến cố như chiến tranh, dịch bệnh rồi cũng sẽ qua, lãi suất cũng theo đà đó mà giảm xuống. Ai mà chẳng muốn mua nhà sớm nhưng áp lực trả nợ mà lớn quá thì cũng ngần ngại. Tôi dự định cứ tiếp tục đi thuê, khi nào giá nhà và lãi suất giảm thì mua sau cũng không muộn", anh Tùng cho biết.
Theo PGS TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, người dân Việt Nam vốn có quan niệm “an cư lập nghiệp". Vì vậy, người mua nhà có thể vay tiền trong bất cứ hoàn cảnh nào. Tuy nhiên, trong trường hợp lãi suất cao như hiện tại, người mua nhà nên cẩn trọng hơn trong việc cân đối tài chính.
Trong nửa tháng trở lại đây, lãi suất cho vay đã có chiều hướng giảm dần. Theo dự báo, từ nay đến tháng 6, tháng 7, lãi suất ở mức ổn chứ không tăng như trước
PGS TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính
“Nếu tôi là người mua nhà trả góp hiện tại, tôi sẽ vay ngân hàng theo lãi suất cố định vì tính an toàn. Trong nửa tháng trở lại đây, lãi suất cho vay đã có chiều hướng giảm dần. Theo dự báo, từ nay đến tháng 6, tháng 7, lãi suất ở mức ổn chứ không tăng như trước”, ông Đinh Trọng Thịnh chia sẻ với Zing.
Theo CNBC, trong bối cảnh các ngân hàng trung ương tăng lãi suất, người mua nhà chỉ nên dành 30% thu nhập của bản thân cho các chi phí liên quan đến nhà ở. Số tiền đó không chỉ dùng để chi trả những khoản vay mà còn phục vụ cho việc đóng thuế, phí bảo hiểm, bảo trì nhà ở…
Tuy nhiên, mức giới hạn 30% hoàn toàn có thể thay đổi phụ thuộc vào tình hình của người mua nhà. Nếu gia chủ còn độc thân và không có con, con số này có thể tăng lên. Ngược lại, nếu người mua nhà đã có gia đình và còn có các khoản nợ khác, tỷ lệ đó sẽ buộc phải giảm xuống.
“Cân đo” mức lãi suất
Tính đến cuối tháng 12, mức lãi suất cho vay mua nhà tại các ngân hàng dao động 4,99-13%/năm. Tuy nhiên, mức lãi suất ưu đãi chỉ được áp dụng trong một khoảng thời gian nhất định, từ 3 đến 6 tháng vay đầu tiên.
Thậm chí, đối với nhà ở xã hội, mức lãi suất cho vay cũng đã tăng lên. Từ ngày 1/1/2023, lãi suất đối với khoản vay mua nhà ở xã hội sẽ tăng lên 5%/năm, thay vì 4,8%/năm như trước đây.
Theo Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Nguyễn Quốc Hùng, việc lãi suất cho vay sẽ tăng hay giảm trong năm 2023 phụ thuộc nhiều vào những yếu tố cả trong và ngoài nước. Tuy nhiên, tinh thần được cho là sẽ giảm.
PGS TS Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng nếu người mua nhà không quá vội thì có thể chờ đến cuối quý II và đầu quý III năm 2023. Khi đó, giá nhà bình ổn hơn, mức lãi suất cho vay cũng sẽ “hạ nhiệt" so với hiện tại.
Theo ông, việc mua nhà trả góp sẽ mang lại lợi ích về lâu dài lớn hơn so với quyết định đi thuê nhà.
“Cùng là một khoản tiền phải đóng hàng tháng nhưng nếu mua nhà trả góp thì sau chục năm, điều khác biệt rõ ràng nhất là bạn có tài sản trong tay, có thể dùng để thế chấp khi cần", ông Đinh Trọng Thịnh bình luận.
Ông cũng cho rằng người có ý định mua nhà trả góp không nên vay tiền ở những công ty tài chính tư nhân. Một số đơn vị đang cho cho vay tiền mua nhà với mức lãi suất 1,1%/tháng (chưa bao gồm các chi phí khác), tức khoảng 13.2%/năm.
“Những doanh nghiệp tín dụng cho vay phải có giấy phép của Ngân hàng Nhà nước cho phép họ được kinh doanh trong lĩnh vực tiền tệ. Khi ấy, Nhà nước có thể điều chỉnh lãi suất vay cũng như quá trình cho vay và cách thức quản lý. Nếu cá nhân vay tại các doanh nghiệp bên ngoài, họ sẽ tìm cách để nâng lãi suất cao hơn, cách thức đòi nợ cũng phức tạp hơn”, ông Thịnh cho biết.