Sắp tới, một số chính sách về bảo hiểm xã hội, lương hưu sẽ được sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động. Một trong số đó là đề xuất giảm năm đóng bảo hiểm xã hội từ 20 năm xuống 15 năm, bên cạnh quan điểm ủng hộ cũng không ít người lao động băn khoăn về việc mức hưởng lương hưu thấp. Do đó, đã có ý kiến cho rằng nên quy định mức sàn lương hưu tối thiểu.
Có sự khác biệt cách tính lương hưu khu vực nhà nước và doanh nghiệp
Chị Trần Thị Lan Hương, công nhân tại Công ty TNHH Toyota Boshoku Hà Nội nói, hiện nay có tình trạng người lao động trong các doanh nghiệp không thiết tha với bảo hiểm xã hội, khi nghỉ việc mong muốn được rút bảo hiểm xã hội một lần vì thực tế khi chờ đến tuổi nghỉ hưu theo cách tính tỷ lệ % lương bình quân như hiện nay lương hưu rất thấp, không đủ trang trải cuộc sống tối thiểu khi về già.
“Tôi được biết, hiện nay đã có phương án giảm quy định điều kiện để được hưởng lương hưu theo năm làm việc từ 20 năm xuống 15 năm khi làm chế độ hưu. Tôi đề xuất nên có phương án quy định mức trần lương hưu tối thiểu khi nghỉ hưu như quy định mức lương tối thiểu vùng cho người lao động để sau nhiều năm làm việc, tham gia bảo hiểm xã hội, khi về già lương hưu bảo đảm được điều kiện tối thiểu cuộc sống, điều này giúp người lao động gắn bó hơn với bảo hiểm xã hội”, chị Hương nêu kiến nghị.
Mong muốn có mức lương hưu đủ đảm bảo cuộc sống tối thiểu là nguyện vọng chính đáng của người lao động, song theo các chuyên gia, việc này sẽ cần tính toán, xem xét bởi tiền lương đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu và cách tính tỷ lệ hưởng lương hưu đang có sự khác nhau giữa khu vực nhà nước và khu vực doanh nghiệp.
Theo Luật sư Nguyễn Văn Hà, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, bổ sung năm 2016 đã quy định việc chi trả lương theo 2 nhánh là người lao động được chi trả theo ngân sách nhà nước và người được chi trả tiền lương bởi người sử dụng lao động. Do vậy, quy định hưởng lương hưu theo chế độ bảo hiểm xã hội cũng khác nhau.
Đối với chế độ tiền lương theo ngân sách nhà nước thì người lao động sẽ được hưởng theo chế độ nhà nước quy định, theo ngạch. Do đó, quá trình làm việc, chế độ tiền lương, bảo hiểm xã hội cũng sẽ được hưởng theo cả quá trình liên tục và đã được quy định cụ thể.
Còn đối với người lao động hưởng lương do người sử dụng lao động chi trả thì chưa có con số cụ thể. Hơn nữa, có nhiều nơi, người lao động làm việc không liên tục, trong quá trình làm việc các doanh nghiệp chi trả khác nhau, việc chi trả để nộp vào Quỹ Bảo hiểm xã hội cũng khác nhau, dẫn đến chế độ tính tiền lương cũng khác nhau. “Thời gian tới, dự thảo về quy định tiền lương, hưởng lương hưu cũng sẽ có sự điều chỉnh”, Luật sư Nguyễn Văn Hà cho biết.
Từ những phân tích như trên, ông Hà cho rằng, mong muốn của người lao động trong là có được mức lương cao, đóng tiền bảo hiểm thấp, 15 năm được hưởng chế độ lương hưu là nguyện vọng chính đáng.
Tuy nhiên, hiện nay rất khó để có thể quy định mức trần hưởng lương hưu. Bởi các công ty trả lương, mức đóng bảo hiểm, thời gian đóng là khác nhau.
Có mức sàn, lương hưu sẽ đảm bảo cuộc sống tối thiểu
Cũng cho rằng, đề xuất có mức trần lương hưu là nguyện vọng chính đáng, ông Tạ Văn Dưỡng, Trưởng ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động, Liên đoàn Lao động TP. Hà Nội nói dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) tới đây trình Quốc hội cũng sẽ có sự điều chỉnh. Mặc dù vậy, theo nguyên tắc của bảo hiểm xã hội là người lao động đóng nhiều sẽ hưởng nhiều, đóng ít sẽ hưởng ít.
“Do đó, phương án giảm quy định điều kiện để được hưởng lương hưu xuống 15 năm đóng bảo hiểm xã hội cũng sẽ cần phải tính toán làm thế nào để người lao động khi về hưu có thể đảm bảo cuộc sống”, ông Dưỡng nhấn mạnh.
Không phủ nhận chế độ bảo hiểm xã hội là theo nguyên tắc đóng hưởng, song ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Chính sách pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng cho rằng, nên có mức sàn lương hưu để làm sao đảm bảo cuộc sống tối thiểu cho người về hưu. Theo vị chuyên gia công đoàn, đây là chính sách không chỉ tạo điều kiện để người lao động được tiếp cận nhiều hơn với lương hưu mà cũng góp phần giảm tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần.
Tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đề xuất, với việc giảm năm đóng bảo hiểm xã hội từ 20 năm xuống 15 năm, mức lương hưu hằng tháng của người lao động được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội, tương ứng với thời gian đóng bảo hiểm xã hội là 20 năm đối với lao động nam; tương ứng 15 năm đối với lao động nữ, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.
Thực tế lo ngại mức hưởng lương hưu thấp khi giảm năm đóng bảo hiểm xã hội cũng là băn khoăn của nhiều cơ quan, đơn vị khi gửi ý kiến góp ý vào dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội(sửa đổi).
Trong đó, Bộ Tư pháp cho rằng, quy định về mức lương hưu hằng tháng gắn liền với quyền lợi của người lao động khi tham gia bảo hiểm xã hội. Do đó, cơ quan chủ trì soạn thảo cần rà soát, nghiên cứu, quy định cụ thể hơn về mức lương hưu hằng tháng.
Còn Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, dù việc giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu sẽ giảm tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần, tuy vậy có thể dẫn tới lương hưu thấp bởi nguyên tắc cơ bản là đóng - hưởng, nghĩa là tiền đóng cao, thời gian dài thì lương hưu cao và ngược lại. Đối với người lao động có tiền đóng bảo hiểm hằng tháng thấp, thời gian đóng ngắn thì mức lương hưu sau này khó đảm bảo mức sống tối thiểu.
Theo lộ trình, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) dự kiến trình Chính phủ vào tháng 6/2023, trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp tháng 10/2023, bỏ phiếu thông qua tại kỳ họp tháng 5/2024.