Sáng 22/10, tại phiên thảo luận tình hình kinh tế - xã hội, công tác điều hành thị trường xăng dầu được đại biểu Quốc hội quan tâm. Trong đó, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết: “Giá xăng dầu của chúng ta thấp nhất trong khu vực và có thể nói thấp nhất trên thế giới. Trừ Malaysia trợ cấp trong nước thì không nói, còn người nước ngoài sống ở Malaysia vẫn phải mua giá của khu vực, cao hơn bình quân giá của chúng ta”.
Tuy nhiên, theo dữ liệu từ Global Petrol Prices, nước có giá xăng rẻ nhất thế giới là Venezuela, với chỉ 0,016 USD/lít (gần 400 đồng/lít).
Tại khu vực Đông Nam Á, 2 quốc gia có giá xăng thấp hơn của Việt Nam là Malaysia và Indonesia, với mức giá lần lượt là 0,435 USD/lít (hơn 10.000 đồng/lít) và 0,918 USD/lít (hơn 21.500 đồng/lít). Trong đó, Malaysia có giá xăng thấp thứ 9 thế giới.
Còn giá xăng của Việt Nam trong bảng thống kê của Global Petrol Prices là 0,932 USD/lít (khoảng hơn 23.100 đồng/lít), đứng thứ 30 trong số các nền kinh tế có giá xăng thấp nhất thế giới.
Hồng Kông là vùng lãnh thổ có giá xăng đắt nhất thế giới với mức giá là 2,942 USD/lít (tương đương hơn 73.000 đồng/lít), đắt gấp hơn 3 lần giá xăng của Việt Nam.
Ngoài ra, cũng có hàng chục quốc gia khác có giá xăng đắt gấp đôi giá xăng của Việt Nam và thuộc top đắt nhất thế giới.
Tuy nhiên, xét theo thu nhập bình quân đầu người thì những nước này cũng lại có thu nhập bình quân đầu người cao gấp Việt Nam 10-20 lần như Anh, Đức, Singapore, Hà Lan, Thụy Sỹ, Thụy Điển, Bỉ…Điều này cho thấy tỷ trọng giá so với thu nhập chưa hẳn đã thể hiện mức giá cao hơn Việt Nam.
Nguồn: Global Petrol Prices
Vấn đề hiện tại của Việt Nam là tình trạng đảm bảo nguồn cung xăng dầu. Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, có khoảng 3 triệu m3 xăng dầu trong thời điểm cuối tháng 9, giữa tháng 10. Với lượng dự trữ này, ông Diên khẳng định, hoàn toàn đáp ứng nguồn cung trong nước tới gần hết tháng 11. Sang tháng 11, các doanh nghiệp tiếp tục sản xuất, nhập khẩu.
“Nguồn cung không thiếu, nhưng bán ra thị trường có khó khăn. Khó khăn này là trên cả nước. Doanh nghiệp phải mua giá cao, nhập giá cao kỳ trước, bán trong kỳ với giá thấp thì lỗ, mà đã lỗ thì ai dám làm”, Bộ trưởng cho hay.
Vì sao giá xăng tại Malaysia lại rẻ như vậy?
Không chỉ xăng, hầu hết các nhiên liệu làm từ dầu thô ở Malaysia đều rẻ, cũng tương tự hầu hết các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).
Malaysia có trữ lượng dầu lớn (bao gồm cả chưa được khám phá) và các mỏ dầu ngoài biển Đông, trên bờ biển, bán đảo và phía Đông Malaysia, nơi có Brunei.
Chính phủ đã kiểm soát chặt chẽ ngành công nghiệp dầu mỏ thông qua công ty dầu khí nhà nước Petronas. Việc thăm dò và khoan dầu được thực hiện thông qua quan hệ đối tác chung với các công ty nhà nước và các công ty dầu khí nước ngoài.
Chính phủ kiếm tiền thông qua xuất khẩu dầu thô chất lượng cao có hàm lượng lưu huỳnh thấp do nước này thiếu đủ năng lực lọc dầu và nhập khẩu nhiên liệu cấp thấp hơn để tiêu dùng trong nước.
Giá nhiên liệu được chính phủ trợ cấp, mặc dù số lượng thay đổi theo thời gian tùy thuộc vào người đang điều hành đất nước và ảnh hưởng chính trị, đặc biệt là ngay trước thời điểm bầu cử. Các sản phẩm nhiên liệu được kiểm soát chặt chẽ và miễn thuế.
Hãng tin Reuters cho biết, trong năm 2021, Chính phủ Malaysia đã bơm ngân sách để trợ cấp cho nhiên liệu, LPG và dầu ăn đạt 8 tỷ Ringgit, hơn 42.000 tỷ đồng.
Khoản trợ cấp này đã giúp cho xăng Ron 95 của nước này duy trì mức giá bình quân là 2,5 Ringgit/lít, tương đương 13.216 đồng trong năm 2021.
Trong tương lai, giá xăng ở Malaysia có thể rẻ hơn nữa vì Petronas hiện đang xây dựng một nhà máy lọc dầu tập trung lớn ở phía Nam bán đảo, bên cạnh Singapore và sắp hoàn thành. Nó hiện đang chạy thử để chuẩn bị cho hoạt động chính thức. Vị trí được chọn gần Singapore để việc vận chuyển sản phẩm ra hoặc vào dễ dàng hơn.