Giá cổ phiếu các công ty trí tuệ nhân tạo (AI) niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục tăng mạnh trong phiên giao dịch ngày 7/2, khi AI trở thành một “từ khoá” thu hút mới ở Phố Wall nhờ thành công vang dội của chatbot có tên ChatGPT. Các nhà đầu tư cá nhân đang đổ xô mua những cổ phiếu này với kỳ vọng sẽ “bỏ túi” khoản lãi béo bở.
Quyết không đứng ngoài “cơn sốt” AI, Google cũng vừa trình làng một ứng dụng mới nhằm cạnh tranh với ChatGPT.
Theo tin từ Reuters, cổ phiếu công ty phần mềm C3.ai tăng 11%; cổ phiếu công ty phân tích BigBear.ai tăng gần 21%; và cổ phiếu công ty AI hội thoại SoundHound tăng 40%. Ba cổ phiếu này đang trở thành chủ đề bàn tán rôm rả trên nền tảng mạng xã hội dành cho nhà đầu tư có tên stocktwits.com.
“Bất kỳ công ty nào có liên quan đến ChatGPT hoặc AI đều có giá cổ phiếu tăng mạnh… AI là ‘từ khoá’ nóng của tháng này”, nhà giao dịch Dennis Dick của Triple D Trading nhận định.
Thành công của ChatGPT, một sản phẩm của công ty OpenAI, đã thúc đẩy nhà đầu tư săn lùng những công ty phát triển các công nghệ liên quan đến AI. ChatGPT đã được Microsoft cam kết đầu tư nhiều tỷ USD và được cho là đã đạt mốc 100 triệu người dùng hàng tháng trong tháng 1 vừa qua - chỉ 2 tháng sau khi ra mắt. Với lượng người dùng như vậy, ChatGPT trở thàn ứng dụng tiêu dùng tăng trưởng nhanh nhất trong lịch sử - theo một báo cáo của ngân hàng UBS vào tuần trước.
Cả cổ phiếu C3.ai và SoundHound đều đã tăng gấp hơn 2 lần trong năm nay, trong khi BigBear.ai tăng hơn 700%. Đà tăng chóng mặt này chủ yếu nhờ lực mua đầu cơ giá lên (long), thay vì lực mua của các nhà bán khống (short) muốn đóng trạng thái - theo ông Matthew Unterman, Giám đốc nền tảng phân tích S3 Partners.
Thậm chí, “đại gia” công nghệ Alphabet – công ty mẹ của Google – cũng không thể khoanh tay đứng nhìn thành công của ChatGPT. Ngày 6/2, Google trình làng một công cụ chatbot mới có tên Bard - động thái được cho là rõ ràng để cạnh tranh với ChatGPT.
CEO Sundar Pichai của Alphabet viết trong một bài blog rằng Bard sẽ là được mở cho “các nhà thử nghiệm được tin cậy” bắt đầu từ ngày 6/1, và sẽ mở cho công chúng sau vài tuần nữa.
Cũng giống như ChatGPT, ứng dụng trình làng vào cuối tháng 11 năm ngoái, Bard được xây dựng trên một mô hình ngôn ngữ lớn. “Bard muốn kết hợp giữa tri thức rộng lớn của thế giới với sức mạnh, trí tuệ và khả năng sáng tạo của các mô hình ngôn ngữ lớn của chúng tôi. Bard lấy thông tin từ web để cung cấp những câu trả lời mới mẻ, có chất lượng cao”, ông Pichai giới thiệu.
Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh sản phẩm lõi của Google là công cụ tìm kiếm trực tuyến được cho là đang đối mặt rủi ro lớn nhất trong nhiều năm. Chỉ trong vòng 2 tháng sau khi ra mắt, ChatGPT đã được sử dụng để viết bài luận, những câu chuyện và lời bài hát, cũng như đưa ra câu trả lời cho những câu hỏi mà trước đây thường được gõ lệnh tìm kiếm trên Google.
Về phần mình, Microsoft đã tuyên bố sẽ tích hợp ChatGPT vào một số sản phẩm. Theo một số đồn đoán, ChatGPT sẽ được gắn vào công cụ tìm kiếm Bing của Microsoft.
Ông Pichai ngày 6/2 cũng cho biết các công cụ dựa trên AI sẽ sớm được đưa vào công cụ tìm kiếm của Google. “Các bạn sẽ sớm thấy các tính năng dựa trên AI trong công cụ tìm kiếm Search của chúng tôi. Search vẫn sẽ tinh lọc những thông tin phức tạp để đưa ra câu trả lời dễ hiểu, để bạn có thể dễ dàng hiểu được bức tranh lớn và học được thêm nhiều từ web”, ông viết.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng nếu Google thực hiện một sự tích hợp như vậy, sẽ có một số rủi ro. Đó là bởi những công cụ AI được đào tạo trên dữ liệu trực tuyến nên có khả năng đưa ra thiên kiến hoặc lan truyền thông tin sai lệch.
“Điều quan trọng nhất là chúng tôi sẽ mang tới thế giới trải nghiệm có gốc rễ từ những mô hình này một cách chắc chắn và có trách nhiệm”, ông Pichai viết.