Nội dung chính:
- Chuyên gia đánh giá cổ phiếu bất động sản hiện nay chủ yếu là cổ phiếu đầu cơ do các doanh nghiệp ngành này vẫn đang trong giai đoạn “gỡ rối”.
- Dòng tiền đầu cơ trong ngắn hạn phản ánh xu hướng phục hồi của thị trường chứng khoán nói riêng và nền kinh tế nói chung.
- Số lượng tài khoản chứng khoán mở mới không phải bằng chứng xác đáng để nhà đầu tư đánh giá hiện trạng thị trường.
Theo ông Phan Lê Thành Long - CEO AFA Group, gần đây, các mã cổ phiếu bất động sản dần phục hồi và tăng mạnh chủ yếu nhờ tâm lý và đầu cơ sau những tin tức khả quan từ thị trường, doanh nghiệp.
Ông Long cho rằng các doanh nghiệp bất động sản đang trong giai đoạn “gỡ rối”, phần lớn tập trung vào việc giải quyết vấn đề dòng tiền, trái phiếu nên chưa đẩy mạnh hoạt động kinh doanh. Vì thế, giá cổ phiếu ngành này chưa thể tăng trưởng bền vững mà hiện nay chủ yếu vẫn là cổ phiếu đầu cơ.
“Muốn cổ phiếu bất động sản phát triển ổn định thì doanh nghiệp phải giải quyết xong các vấn đề trái phiếu, dòng tiền. Hoạt động kinh doanh chưa phục hồi thì giá cổ phiếu không thể tăng bền” - ông Long cho biết.
Bản chất chứng khoán là một ngành rủi ro, chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố vĩ mô và nhạy cảm với những biến số trên thị trường. Hiện nay, thanh khoản có dấu hiệu phục hồi do tâm lý của nhà đầu tư tốt lên. Do đó, những ngành được truyền thông nhắc đến nhiều nhất sẽ trở nên thu hút hơn.
Chứng khoán phục hồi nhờ dòng tiền đầu cơ
Giá trị giao dịch khớp lệnh bình quân trên HoSE đã giảm 3 tháng liên tiếp xuống dưới 8.000 tỷ đồng/phiên trong tháng vừa qua. Đến nay, thanh khoản thị trường đã tốt hơn.
Khối ngoại bán ròng để chốt lời sau giai đoạn liên tục mua ròng khi VN-Index giao dịch trên dưới 1.000 điểm.
Thanh khoản sàn HoSE trong 3 tuần gần nhất.
Mức độ quan tâm trở lại với thị trường chứng khoán khi lãi suất có xu hướng giảm, người dân rút tiền sau một thời gian gửi tiết kiệm. “Ngoài sự hỗ trợ bởi xu hướng giảm lãi suất của Việt Nam, 2 tuần vừa rồi không có tin xấu nào xảy ra” - ông Long nói thêm.
Lực đỡ của thị trường chứng khoán trong những tuần qua chủ yếu đến từ tâm lý hưng phấn của nhà đầu tư cá nhân trong nước. Do đó, lượng tiền lớn chủ yếu đến từ những nhà đầu tư cá nhân. Ông Long đánh giá thời gian qua, xu hướng dòng tiền khá rõ nét và đây hoàn toàn là dòng tiền đầu cơ trong ngắn hạn.
Ông Long nhận định chính sách giảm lãi suất cần nhiều thời gian để thẩm thấu vào các doanh nghiệp. Hiện nay, xu hướng ảnh hưởng từ lãi suất không còn nhiều mà các yếu tố bên ngoài mới tác động mạnh như kinh tế toàn cầu suy yếu, đơn hàng sụt giảm,...
Theo ông Long, dòng tiền đầu cơ phản ánh xu hướng phục hồi của thị trường chứng khoán nói riêng và nền kinh tế nói chung. Khối lượng giao dịch tăng cũng phụ thuộc nhiều vào yếu tố tâm lý. Tuy nhiên, ông Long cho rằng: “Thị trường lên bằng cái gì sẽ xuống bằng cái đó trong ngắn hạn.”
Thị trường chứng khoán luôn đi trước và nhạy cảm hơn nền kinh tế nói chung. Dòng tiền trở lại trên thị trường chứng khoán là yếu tố tích cực cho thấy hoạt động sản xuất kinh doanh có cơ hội phục hồi. Trong khi nền kinh tế vẫn còn tồn tại nhiều dấu hiệu kém khả quan như chỉ số PMI dưới 50 điểm trong tháng 3 vừa qua.
Ngoài ra, ông Long dự báo ít nhất trong 3 năm tới, Việt Nam sẽ không được nâng hạng lên thị trường mới nổi.
Khó đánh giá thị trường bằng số tài khoản chứng khoán mở mới
Theo Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD), giai đoạn tháng 5 - tháng 6/2022, số lượng tài khoản mở mới mỗi tháng lên đến gần 500.000 tài khoản. Trong khi 3 tháng đầu năm nay, chỉ khoảng 140.000 tài khoản chứng khoán mở mới, bằng 21% cùng kỳ năm trước.
Ông Long nêu ra một số nguyên nhân khiến số lượng tài khoản mở mới tăng mạnh giai đoạn nửa đầu năm 2022:
Thứ nhất, khi ấy, hàng loạt công ty chứng khoán áp dụng công nghệ như eKYC, ứng dụng điện thoại, liên kết với ngân hàng và fintech,... những nhà đầu tư có thể dễ dàng mở tài khoản chứng khoán mới. Do đó, số lượng tài khoản mở mới tăng vọt.
Thứ hai, trong giai đoạn 2021 - nửa đầu năm 2022, cổ phiếu được hỗ trợ bởi kinh tế vĩ mô của Việt Nam ổn định, hồi phục sau dịch Covid-19 tốt hơn mặt bằng chung của thế giới. Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất thấp khiến dòng tiền trong nền kinh tế có xu hướng chuyển từ các kênh tiết kiệm, bất động sản, ngoại tệ,... vào kênh chứng khoán.
Hiện nay, cho dù thị trường chứng khoán phục hồi hay suy giảm thì những yếu tố kích thích mở mới tài khoản không còn nhiều. “Chúng ta sẽ không quá bi quan về việc số lượng tài khoản mở mới ít. Không hẳn lượng tài khoản mở mới thấp thì sẽ ảnh hưởng đến thị trường” - ông Long cho biết.
Nhận định của ông Phan Lê Thành Long được chia sẻ tại chương trình Đi theo dòng tiền: Diễn biến thị trường chứng khoán, dòng tiền đi về đâu?- Nhà đầu tư cần lưu ý điều gì?. Bạn đọc có thể xem toàn bộ chương trình tại đây: