Sau giai đoạn lao dốc với tâm lý nhà đầu tư kém tích cực, chứng khoán trong nước đang có nhịp hồi phục ấn tượng trong nửa sau của tháng 11. Nhiều cổ phiếu bị chiết khấu quá sâu dẫn đến nhịp đi lên mạnh mẽ là điều nhiều nhà đầu tư kịp nắm bắt.
Trên thị trường chứng khoán, chỉ số VN-Index vừa có 5 phiên liên tiếp tăng điểm để tiến lên vùng 1.048 điểm. Chỉ số lớn nhất thị trường chứng khoán trong nước đã lấy lại 137 điểm (tăng hơn 15%) so với mức đáy quanh 911 điểm hồi giữa tháng 11. Mức giảm từ đầu năm theo đó thu hẹp đáng kể từ trên 40% xuống còn 30%.
Trạng thái thị trường cũng nhanh chóng "chuyển màu" từ sắc đỏ sang sắc xanh và tím trên diện rộng. Niềm tin thị trường có dấu hiệu hồi phục với một số động thái hỗ trợ từ Chính phủ và dòng vốn ngoại giải ngân mạnh mẽ.
Nổi bật nhất trong đợt bứt phá vừa qua là mã L14 của Licogi14 - cổ phiếu từng có giá đắt giá nhất sàn chứng khoán với mức gần 400.000 đồng (đã điều chỉnh). Sau khi rơi 95% từ đỉnh, mã chứng khoán này vừa có chuỗi 11 phiên tăng trần liên tiếp lên 51.500 đồng, tức tăng hơn 180% so với đáy ngắn hạn.
Một số cổ phiếu có tiền tố Licogi khác cũng hồi phục ấn tượng giai đoạn này như mã L18 của Licogi18 cũng ghi nhận mức tăng gấp đôi sau nửa tháng giao dịch, mã L12 của Licogi12 vừa có chuỗi 4 phiên tăng trần liên tiếp lên 5.400 đồng.
Cổ phiếu họ Apec cũng bứt phá ấn tượng với hơn chục phiên tăng trần. Trong đó, mã APS của Chứng khoán Apec tăng hơn 130% chỉ trong giai đoạn nửa sau của tháng 11, lên 9.700 đồng. Hai cổ phiếu khác trong hệ sinh thái này là API và IDJ lần lượt tăng 133% và 114% cùng giai đoạn. Dù vậy nhóm này vẫn còn thấp hơn 60-70% so với thời điểm đầu năm.
Bộ đôi cổ phiếu bất động sản gây sốt giai đoạn 2020-2021 là DIG (DIC Corp) và CEO (Tập đoàn CEO) cũng có giai đoạn bứt phá mạnh. Trong đó, DIG của DIC Corp ghi nhận mức tăng 56% sau nửa tháng lên gần 15.800 đồng; thậm chí, CEO còn có chuỗi tăng trần mạnh hơn, đạt 18.200 đồng/cổ phiếu, tức tăng 125% trong cùng thời gian.
Nhiều mã bất động sản khác cũng giúp nhà đầu tư có lãi gấp rưỡi chỉ trong 2 tuần hồi phục nhờ dòng tiền tích cực.
Cụ thể, NLG của Nam Long tăng 61%; HQC của Hoàng Quân bứt phá 64%; DXG của Đất Xanh có thêm 50% giá trị; KDH của Khang Điền đi lên 41% dù trước đó không bị bán tháo nhiều...
Cổ phiếu ngành chứng khoán cũng trong nhóm dẫn đầu về đà hồi phục với nhóm doanh nghiệp lớn như VND (VNDirect), SSI (Chứng khoán SSI) và VCI (Chứng khoán Bản Việt) đều tăng xấp xỉ 40%; CTS (Chứng khoán VietinBank) và FTS (Chứng khoán FPT) bứt phá 46%; hay APG có thêm đến 94% giá trị...
Không quá ấn tượng về mức độ tăng giá nhưng một số cổ phiếu bất động sản cũng gây chú ý theo cách "được giải cứu". Nhà đầu tư tại NVL (Novaland) đã liên tục chi hàng nghìn tỷ đồng để cứu giá cổ phiếu này khỏi chuỗi giảm sàn hàng chục phiên liên tiếp.
Tương tự là cổ phiếu PDR, NRC của Bất động sản Phát Đạt và Danh Khôi cũng đón nhận dòng tiền lớn để chuyển sang tăng trần trong 2 phiên vừa qua. Gần nhất là mã HPX của Hải Phát khớp lệnh lịch sử hơn 165 triệu cổ phiếu (tương đương 54% vốn công ty) chỉ trong một phiên để thoát khỏi chuỗi giảm sàn liên tục.
Theo phân tích của giới chuyên gia, thị trường sau những đợt chiết khấu sâu thì càng nén sẽ càng hồi phục mạnh. Tuy nhiên, trưởng phòng môi giới một công ty chứng khoán tại TP.HCM, cho rằng đà đi lên hiện tại chỉ là nhịp hồi phục kỹ thuật với sự hỗ trợ của dòng vốn ngoại, thị trường vẫn còn nhiều điểm kháng cự phía trước.
Các cổ phiếu mang tính đầu cơ thường có sức hút mạnh đối với nhiều nhà đầu tư, nhất là khi cổ phiếu tăng trần liên tục vẫn đón nhận dòng tiền chảy vào bất chấp những thua lỗ trước đó.
Trong bối cảnh này, nhiều chuyên gia khuyến nghị các nhà đầu tư mua cổ phiếu đầu cơ nên "vào nhanh ra nhanh" hoặc "có hàng thì đảo hàng". Việc bắt đáy cổ phiếu cũng nên hiểu rõ về thông tin doanh nghiệp mới nên hành động.
Các chuyên gia cũng cho rằng để thị trường tiếp tục bật mạnh hơn là rất khó, thậm chí một số cổ phiếu đã có mức hồi phục hơn 50%. Do đó, nhà đầu tư có thể chốt lời ngắn hạn để tham gia vào các nhóm cổ phiếu chưa tăng giá giai đoạn vừa qua.