Áp lực bán quá mạnh khiến ngay cả các cổ phiếu đầu cơ cũng khó chống đỡ. VN-Index bốc hơi 15,81 điểm tương đương -1,24% với độ rộng chỉ còn 77 mã tăng/345 mã giảm. Nhóm Smallcap giảm 1,21%, Midcap giảm 1,47%.
Ảnh hưởng đáng kể nhất vẫn là các cổ phiếu blue-chips. Chỉ số VN30-Index chốt phiên sáng giảm 1,34% với duy nhất 2 mã còn xanh là CTG tăng 0,47% và MSN tăng 0,67%. Ngay cả thời điểm tích cực nhất, cả rổ VN30 cũng chỉ có 11 cổ phiếu tăng giá nhưng toàn thời gian VN30-Index đều nằm dưới tham chiếu.
Trong 26 cổ phiếu thuộc rổ blue-chips này đang đỏ, có 19 mã giảm quá 1%. Thậm chí, trong 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất, xuất hiện GAS giảm 2,31%, FPT giảm 2,36%, VIC giảm 1,35%, HPG giảm 1,75%, TCB giảm 1,18%, VPB giảm 1,66%. Đà suy giảm của cổ phiếu blue-chips không có gì bất ngờ, VN30-Index đã giảm mạnh hơn tất cả các chỉ số khác từ phiên trước và sáng nay tăng tốc rơi rất sớm. Thanh khoản trong rổ cũng tăng vọt 29% so với sáng hôm qua, xác nhận có áp lực bán tăng cường. FPT, HPG, MBB, SSI, MWG, STB là những cổ phiếu thuộc nhóm 10 mã thanh khoản cao nhất thị trường và thuộc rổ VN30, giá đều giảm rất mạnh.
Ảnh hưởng của nhóm blue-chips mấy phiên trước bị coi nhẹ vì các mã đầu cơ vẫn chạy đường riêng. Tuy nhiên đó là do biên độ giảm của VN-Index chưa lớn. Khi chỉ số này giảm rõ rệt, tâm lý bảo toàn lợi nhuận ngay lập tức xuất hiện. Nhóm cổ phiếu đang được đầu cơ cũng bị bán rất mạnh. Các mã xuất hiện thanh khoản rất cao có thể kể tới DGC giảm 2,69% giao dịch 272,9 tỷ đồng; HDG giảm 2,5% với 238,3 tỷ; DCM giảm 3,29% với 211,7 tỷ; DIG giảm 1,79% với 198,6 tỷ; VIX giảm 1,94% với 189,9 tỷ; DBC giảm 2,85% với 149,5 tỷ…
Trong 345 cổ phiếu đỏ ở sàn HoSE, có 176 mã giảm quá 1%. Đặc biệt trong gần 100 mã giảm quá 2%, tới 16 mã thanh khoản vượt 100 tỷ đồng. Đây là bằng chứng rõ nhất về áp lực bán tháo đã xuất hiện.
Mặc dù thị trường chứng khoán quốc tế đêm qua có phiên điều chỉnh và được cho là nguyên nhân khiến thị trường trong nước giảm theo. Tuy nhiên đây chỉ là lý do trùng hợp vì trước đó nhà đầu tư không quan tâm gì đến diễn biến bên ngoài, thậm chí bỏ qua diễn biến yếu ớt của nhóm blue-chips cũng như áp lực rút vốn khổng lồ của khối ngoại. Dòng tiền đầu cơ hoạt động mạnh đẩy nhiều cổ phiếu vừa và nhỏ tăng tốt khiến nhà đầu tư say sưa ở nhóm này. Tuy vậy rất nhiều cổ phiếu chỉ sau một đêm đã quay đầu giảm và xuất hiện khối lượng bán rất lớn.
Với 77 cổ phiếu đang đi ngược dòng, 28 mã tăng được hơn 1% và đa phần là thanh khoản thấp. Chỉ 10 mã trong số này giao dịch được từ 10 tỷ đồng trở lên, là một phần thanh khoản rất không đáng kể trong tổng thể thị trường. EVG tăng 5,36%, HNG tăng 2,95%, NT2 tăng 2,65%, HQC tăng 1,91%, VPG tăng 1,91%, CII tăng 1,76%, BWE tăng 1,69% là các mã đáng kể nhất.
Với độ rộng quá hẹp, xác suất để nhà đầu tư tránh được sụt giảm danh mục trong sáng nay là rất nhỏ. Mặc dù nhiều cổ phiếu dù điều chỉnh thì vẫn đang có lợi nhuận ngắn hạn tốt. Tuy nhiên đây cũng chính là điểm yếu vì khi tình hình thị trường chung kém khả quan, nhà đầu tư sẽ có xu hướng bảo toàn phần lãi đang có hơn là chấp nhận mạo hiểm vì các mã đầu cơ dễ thay đổi.
Nhà đầu tư nước ngoài sáng nay rút ròng tiếp gần 850 tỷ đồng trên sàn HoSE là mức bán ròng cao kỷ lục kể từ cuối tháng 3/2024. Phiên sáng ngày 27/3 ghi nhận mức bán ròng 1.185,6 tỷ đồng nhưng là có thỏa thuận cá biệt với 822,3 tỷ đồng MSN. Nếu tính cả các giao dịch cá biệt như vậy thì sáng nay thậm chí còn là ngưỡng kỷ lục lịch sử vì sàn UpCOM xuất hiện giao dịch bán ròng 1.971,2 tỷ đồng với cổ phiếu MSR.
Tính riêng rổ VN30, khối ngoại đang rút ròng gần 629 tỷ đồng. Các mã bị bán nhiều nhất là MBB -133,9 tỷ, MWG -112,4 tỷ, FPT -88,2 tỷ, VCB -55 tỷ, VNM -43,8 tỷ, SSI -39,3 tỷ, HDB -38,7 tỷ, GAS -27,2 tỷ, VRE 024,8 tỷ. Ngoài các mã này, VND, DGC, GMD cũng bị bán đáng kể.
Kể từ đầu tuần trước đến sáng nay nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng hơn 8.000 tỷ đồng với cổ phiếu trên sàn HoSE trong khi đó nhà đầu tư cá nhân mua ròng khoảng 11.500 tỷ.