Chỉ số đóng cửa tăng 9,51 điểm tương đương +0,77%, chỉ nhỉnh hơn mức tăng buổi sáng một chút. Điều này có thể lý giải từ trạng thái giằng co trong nhóm blue-chips, hầu hết mức tăng đã có từ sáng và chiều nay là nỗ lực cầm cự. Rổ VN30 so với giá chốt buổi sáng có 13 mã cải thiện, 13 mã tụt xuống. VN30-Index đóng cửa tăng 0,58%, cũng không chênh lệch nhiều so với mức tăng 0,42% buổi sáng.
Dẫn đầu nhóm kéo điểm là 4/10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất sàn HoSE, cộng thêm GVR. BID có phiên phục hồi khá ấn tượng tăng 2,97%, nhưng so với mức giảm 7,2% chỉ trong 3 phiên liền trước thì còn quá ít. TCB cũng tương tự, tăng 1,98% sau khi vừa giảm 5,5%. CTG phục hồi 1,02% sau khi lao dốc 6,3% trong 4 phiên trước. Riêng FPT và GVR thì khá tốt. FPT tăng 1,73% và là một trong số ít blue-chips không lao dốc theo thị trường chung 2 phiên vừa rồi. Cổ phiếu này thậm chí còn đóng cửa ở đỉnh cao lịch sử mới với 111.900 đồng. GVR có phiên tăng mạnh nhất kể từ đầu tháng 2/2024 ở mức kịch trần.
Độ rộng cuối phiên của nhóm Vn30 khá tốt với 17 mã tăng/8 mã giảm, trong đó 9 mã tăng từ 1% trở lên. Đây là biên độ tăng khá tốt tính theo phiên, nhưng gần như tất cả đều chưa bằng một phần nhỏ của biên độ giảm 2 phiên trước. Điều đó cho thấy khả năng phục hồi vẫn chỉ ở góc độ kỹ thuật.
Một trong những đặc điểm của diễn biến phục hồi kỹ thuật là thanh khoản thường thấp hơn bình thường. Rổ VN30 hôm nay giảm giao dịch 17% so với hôm qua, chỉ đạt gần 7.557 tỷ đồng, thấp nhất 13 phiên. Tính chung cả sàn HoSE, giao dịch cũng giảm hơn 12%, đạt 19.802 tỷ đồng. Trung bình 15 phiên liền trước, sàn này khớp xấp xỉ 23.000 tỷ đồng/ngày.
Việc dòng tiền không có gì ấn tượng nhưng nâng đỡ giá tốt là do áp lực bán giảm. Hai phiên bán tháo vừa qua đã xả ra khối lượng cổ phiếu rất lớn. Vì vậy có thể những cổ phiếu chịu sức ép lớn nhất – ví dụ sử dụng đòn bẩy cao – đã được giải phóng phần nào, khiến nhu cầu bán giảm xuống. Đây cũng là một tín hiệu tốt trong chiều giảm, vì trước khi thị trường cân bằng, bên cầm cổ phải bình tĩnh.
VN-Index đóng cửa với độ rộng cũng không chênh lệch nhiều: 260 mã tăng/200 mã giảm. Như vậy cũng có rất nhiều cổ phiếu không phục hồi được. Tuy nhiên các cổ phiếu có dòng tiền đẩy lên dứt khoát thì đều tăng giá tốt. 9 mã kịch trần phiên này thì ELC, DPR, GVR, SIP, DGW có thanh khoản khá lớn. Trong số 94 cổ phiếu đóng cửa trên tham chiếu từ 1% trở lên, 20 mã ghi nhận thanh khoản vượt 100 tỷ đồng.
Ở góc độ cổ phiếu cụ thể, sức mạnh phục hồi là khác nhau. Điều này cũng hợp lý vì nhịp tăng vượt đỉnh vừa rồi cũng không phải cổ phiếu nào cũng giống nhau. Thậm chí hiện tại thị trường vẫn xuất hiện một vài cổ phiếu tăng lên đỉnh cao mới bất chấp VN-Index có tín hiệu đạt đỉnh trung hạn.
Về mặt kỹ thuật, chỉ số VN-Index sau 2 phiên giảm mạnh đã lùi xuống mức giá trung bình 20 phiên, là một ngưỡng hỗ trợ được chú ý. Phiên phục hồi hôm nay thu hút dòng tiền bắt đáy tốt hơn hôm qua ở vùng giá xanh, đồng thời ngưỡng hỗ trợ cũng củng cố tâm lý người muốn bán. Điều quan trọng là khả năng duy trì dòng tiền phải ổn định trong những ngày tới.