Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (18/1), khi cổ phiếu công nghệ dẫn đầu là Apple đồng loạt tăng mạnh và kéo cả ba chỉ số chính thoát khỏi trạng thái “đỏ” liên tiếp mấy phiên gần đây. Giá dầu cũng đi lên sau dự báo lạc quan của các tổ chức lớn về nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu và số liệu thống kê cho thấy lượng dầu tồn kho của Mỹ giảm.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 201,94 điểm, tương đương tăng 0,54%, chốt ở mức 37.468,61 điểm. Trong phiên, có lúc chỉ số blue-chip này giảm hơn 140 điểm.
Chỉ số S&P 500 tăng 0,88%, đạt 4.780,94 điểm. Với mức điểm này, S&P 500 chỉ còn cách 0,33% từ mức đóng cửa cao nhất mọi thời đại.
Mức tăng mạnh nhất thuộc về Apple, khi chỉ số này kết thúc phiên tăng 1,35%, đạt 15.055,65 điểm.
Cả Nasdaq và S&P 500 hiện đều tăng trong năm nay, với mức tăng tương ứng đạt 0,3% và 0,23%. Dow Jones vẫn giảm nếu tính từ đầu năm, thấp hơn 0,59% so với mức điểm đóng cửa của năm 2023.
Cổ phiếu Apple tăng 3,3% sau khi được ngân hàng Bank of America nâng khuyến nghị lên “mua”, với dự báo cho rằng cổ phiếu này sẽ tăng hơn 20% trong 12 tháng tới. Đây là phiên tăng mạnh nhất của cổ phiếu nhà sản xuất iPhone kể từ đầu tháng 5/2023.
Cổ phiếu hãng sản xuất con chip lớn thứ ba thế giới TSMC tăng 9,8% sau khi hãng công bố doanh thu và lợi nhuận quý 4/2023 vượt kỳ vọng của giới phân tích.
Cổ phiếu công nghệ “đã nhận được một cú huých quan trọng từ báo cáo tài chính của TSMC. Báo cáo này có nhiều dự báo tích cực về thị trường chip và công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), tới mức đẩy nhiều cổ phiếu công nghệ khác tăng theo”, nhà phân tích Ross Mayfield của công ty Baird nhận định với hãng tin CNBC. “Khi môi trường kinh tế vĩ mô biến động trong năm nay, câu hỏi liệu cơn sốt AI có tiếp tục không sẽ được trả lời qua diễn biến giá cổ phiếu của các công ty liên quan nhiều nhất tới AI”.
Phiên này, thị trường tiếp tục đương đầu với áp lực giảm từ xu hướng tăng của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ. Lợi suất của kỳ hạn 10 năm tăng lên mức 4,14% sau khi số liệu thống kê mới cho thấy thị trường lao động vẫn thắt chặt.
Theo báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần kết thúc vào ngày 13/1 là 187.000, giảm 16.000 so với kỳ báo cáo trước và ít hơn con số 208.000 mà các chuyên gia kinh tế đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones. Đây là một chỉ báo cho thấy tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ tiếp tục duy trì ở mức thấp, gây áp lực tăng lương qua đó gây áp lực tăng lạm phát.
Việc lạm phát giảm chậm hoặc có nguy cơ tăng trở lại khiến nhà đầu tư giảm bớt kỳ vọng vào việc Cục Dự trữ Liên bang (Fed) giảm lãi suất sớm và nhiều trong năm nay. Các số liệu khả quan khác về kinh tế Mỹ gần đây cũng khiến kỳ vọng giảm lãi suất suy giảm. Trong đó phải kể tới báo cáo doanh thu tháng 12 tốt hơn dự báo mà Bộ Thương mại Mỹ công bố hôm thứ Tư.
Hiện tại, thị trường đang đặt cược khả năng khoảng 56% Fed cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 3 - theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn CME. Vào đầu tuần này, khả năng như vậy ở mức hơn 80%.
“Năm ngoái, thị trường đã lạc quan quá mức về giảm lãi suất, khiến lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm về ngưỡng 3,8%”, CEO Jay Hatfield của công ty Infrastructure Capital Management nhận định với CNBC.
Phát biểu ngày thứ Năm, Chủ tịch Fed chi nhánh Atlanta, ông Raphael Bostic nói ông kỳ vọng Fed bắt đầu giảm lãi suất trong quý 3 năm nay. Dự báo này sớm hơn so với dự báo mà ông Bostic đưa ra trước kia, nhưng vẫn đồng nghĩa rằng Fed sẽ cắt giảm lãi suất với tiến độ chậm hơn so với những gì mà thị trường đang kỳ vọng.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 1,22 USD/thùng, tương đương tăng 1,6%, chốt ở mức 79,1 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New york tăng 1,52 USD/thùng, tương đương tăng 2%, chốt ở mức 74,08 USD/thùng.
Trong các báo cáo định kỳ mới nhất, cả Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) và Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) đều dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu sẽ tăng trưởng mạnh trong năm nay. Cùng với đó, thời tiết lạnh sâu ở Mỹ khiến sản lượng dầu thô của nước này giảm, và thống kê hàng tuần cũng cho thấy lượng dầu tồn kho của Mỹ giảm mạnh.
Ngoài những yếu tố trên, giá dầu phiên này còn được hỗ trợ bởi căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông. Pakistan đã tiến hành các cuộc không kích nhằm vào phiến quân ly khai Baluchi ở Iran. Trước đó hai ngày, Iran đã không kích nhằm vào lãnh thổ Pakistan.
Trên Biển Đỏ, các cuộc tấn công của phiến quân Houthi ở Yemen do Iran hậu thuẫn nhằm vào tàu chở hàng vẫn tiếp diễn, bất chấp các cuộc không kích đáp trả của liên quân Mỹ-Anh nhằm vào các mục tiêu Houthi. Tại dải Gaza, cuộc chiến tranh giữa Israel với lực lượng Hamas của Palestine chưa có hồi kết.
Báo cáo hàng tháng của IEA dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu sẽ tăng thêm 1,24 triệu thùng/ngày trong năm 2024, nhiều hơn 180.000 thùng/ngày mà tổ chức này đưa ra trong lần dự báo trước. Hôm thứ Tư, báo cáo của OPEC dự báo mức tăng trưởng nhu cầu dầu 2,25 triệu thùng/ngày trong năm nay, không thay đổi so với lần dự báo trước.
Theo Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA), lượng dầu thô tồn kho của Mỹ giảm 2,5 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 12/1. Sản lượng dầu của bang North Dakota đang giảm khoảng 40% do thời tiết siêu lạnh ảnh hưởng tới hoạt động của các mỏ dầu.
Cũng theo dữ liệu của EIA, sản lượng dầu của Mỹ đã lập thêm một kỷ lục mới trong tuần trước khi đạt mức 13,3 triệu thùng/ngày.