Cổ phiếu NVT của Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Tuấn Phong ví dụ điển hình. Chỉ trong phòng 5 phiên liên tiếp từ 17-21/6/2024, NVT tăng từ 8.000 đồng lên 11.100 đồng/cổ phiếu tương đương tăng gần 39% với thanh khoản đột biến từ 2-3 nghìn cổ phiếu khớp lệnh có phiên lên tới 100.000 cổ phiếu được sang tay.
Phiên 24/06, mã NVT tiếp tục tím rực, là phiên thứ 6 liên tiếp tăng trần. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại NVT đã chỉnh nhẹ về còn 10.300 đồng/cổ phiếu. Sự điều chỉnh được đánh giá là cần thiết.
Ninh Vân Bay tiền thân là CTCP Đầu tư và Xây dựng Tuấn Phong, được thành lập vào tháng 9/2006, với số vốn điều lệ 1 tỷ đồng. Tháng 9/2009, Công ty tăng vốn điều lệ lên 265 tỷ đồng và đổi tên thành CTCP Bất động sản Du lịch Ninh Vân Bay như hiện nay. NVT hoạt động trong mảng bất động sản du lịch, chuyên về đầu tư, xây dựng, kinh doanh các khu nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp tại Việt Nam. Công ty sở hữu hoặc đưa vào khai thác, vận hành nhiều dự án nổi tiếng như Six Senses Ninh Vân Bay, Emeralda Ninh Bình, Lạc Việt New Tourist City, Six Senses Sai Gon River.
Về tình hình kinh doanh, NVT ghi nhận tình hình kinh doanh tăng trưởng tốt trong quý 1/2024 với doanh thu đạt 114 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ; lãi ròng gần 3.6 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ gần 5,6 tỷ đồng.
Diễn biến cổ phiếu NVT.
Tương tự, một cổ phiếu khác trong ngành dịch vụ, du lịch là CDH của Công ty CP Công trình công cộng Dịch vụ Du lịch Hải Phòng. Phiên hôm nay là phiên thứ 11 liên tiếp CDH tăng kịch trần, tính trong vòng nửa tháng thị giá tăng hơn 320%.
CDH tiền thân là phòng Thị chính trực thuộc UBND Thị trấn Đồ Sơn quản lý được thành lập từ năm 1969. Công ty chính thức trở thành CTCP vào năm 2015 và tới tháng 6/2016 lên sàn UPCoM giao dịch.
Ngành nghề chính của công ty là thực hiện các gói thầu thuộc lĩnh vực dịch vụ công ích như quản lý, khai thác, sửa chữa, duy tu, bảo trì hệ thống đường, hè, kè biển; trồng mới, duy tu, chăm sóc hệ thống cây xanh và quản lý vận hành hệ thống đèn chiếu sáng công cộng; thu gom, vận chuyển rác thải không độc hại, đảm bảo mỹ quan đô thị. Địa bàn kinh doanh là quận Đồ Sơn, quận Dương Kinh tại Hải Phòng.
Cơ cấu cổ đông của CDH tính đến cuối năm 2023 ghi nhận UBND thành phố Hải Phòng đang nắm hơn 1,15 triệu cổ phần tương ứng 57,52% vốn. Bốn cổ đông lớn gồm CTCP Xây dựng Thái Hòa (nắm 5% vốn), Công ty TNHH Bình Khánh (nắm 5% vốn), bà Nguyễn Thị Minh Phương (nắm 10,17% vốn), ông Nguyễn Văn Hiền (nắm 7,61% vốn).
Về kế hoạch cụ thể, tổng doanh thu mục tiêu đạt 128,9 tỷ đồng, tăng khoảng 3% so với thực hiện trong năm trước. Chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế lên kế hoạch 4,95 tỷ, giảm nhẹ so với năm trước. Mức cổ tức dự kiến duy trì 5% bằng tiền mặt.
Cổ phiếu hai công ty lữ hành hàng đầu là Du lịch Thành Thành Công và Vietravel cũng bật tăng mạnh trong phiên giao dịch hôm nay.
VNG đóng cửa chạm trần với mức tăng 6,90% lên vùng giá 9.780 đồng/cổ phiếu, tính hai phiên vừa qua thị giá tăng 18% với thanh khoản trỗi dậy khớp lệnh gần 100.000 cổ phiếu/phiên trong khi trước đó chỉ lình xình 20 nghìn cổ phiếu được sang tay.
Năm 2024, VNG đặt mục tiêu doanh thu thuần 760 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 23 tỷ đồng tăng nhẹ so với năm 2023, doanh thu 742 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 23 tỷ đồng năm 2023. Theo ban lãnh đạo doanh nghiệp, với dự báo của Tổng cục Du lịch thì lượng khách quốc tế có xu hướng tăng từ 12,6 triệu đến 18 triệu lượt khách tuy chưa bằng năm 2019 nhưng đây là tín hiệu lạc quan cho du lịch Việt Nam. Lữ hành TTC hiện đang có 80% là khách hàng bên ngoài và vẫn tiếp tục kết hợp với các đối tác chiến lược để mở rộng khách hàng.
Cổ phiếu VNG.
Cổ phiếu VTR của Vietravel cũng có phiên tăng ấn tượng 4,40%, tính trong một tuần trở lại, VTR tăng 13% với thanh khoản hôm nay đột biến lên tới 207 nghìn cổ phiếu được sang tay.
Số liệu thống kê từ Tổng cục Du lịch cho thấy, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tháng 5/2024 đạt 1,38 triệu lượt khách, giảm 11,1% so với tháng 4/2024 song tăng 51,0% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung 5 tháng năm 2024 ước đạt 7.583.034 lượt khách, tăng 64,9% so với cùng kỳ năm 2023.
Lượng khách du lịch nội địa tháng 5/2024 ước khoảng 12 triệu lượt khách, trong đó có khoảng 8 triệu lượt khách có lưu trú. Lũy kế lượng khách du lịch nội địa 5 tháng đầu năm 2024 ước khoảng 52,5 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch trong 5 tháng đầu năm 2024 ước hơn 352.000 tỷ đồng.
Kinh tế trưởng của VinaCapital, ông Michael Kokalari cho hay học viện du lịch Trung Quốc dự kiến khách Trung Quốc du lịch nước ngoài sẽ vượt mức 80% so với trước Covid trong năm nay, vì vậy, VinaCapital kỳ vọng lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam sẽ phục hồi từ mức 30% trước Covid trong năm ngoái lên đến 85% trong năm nay.
Đối với khách Mỹ, tỷ lệ người tiêu dùng Mỹ có kế hoạch đi du lịch nước ngoài trong 6 tháng tới cũng tăng gấp đôi so với mức trước Covid-19 đạt mức cao kỷ lục. Thu nhập từ lãi suất và cổ tức mà người tiết kiệm ở Mỹ kiếm được đang tăng vọt, dự kiến sẽ tăng gần 5 lần, từ 770 tỷ USD vào năm 2020 lên 3,7 nghìn tỷ USD trong năm nay, có nhiều dẫn chứng chỉ ra rằng một phần của lượng tiền đó sẽ được đổ vào du lịch. Tại Việt Nam, lượng khách du lịch Mỹ đã cao hơn nhiều so với trước Covid và chi tiêu của nhóm này đã đóng góp tỷ lệ lấp đầy phòng tăng cao tại các khách sạn cao cấp.
Sự phục hồi trên là cơ sở để dự báo rằng tổng lượng khách du lịch đến Việt Nam tăng từ mức 70% trước Covid vào năm ngoái lên khoảng 105% trước Covid vào năm nay tương đương 19 triệu lượt khách. Doanh thu của các công ty dịch vụ lữ hành trong nước cũng đã tăng gần 50% so với cùng kỳ trong 5 tháng đầu năm 2024.