Kinh doanh thua lỗ nhưng cổ phiếu EPC vẫn tăng trần liên tiếp
Trong bối cảnh thị trường chứng khoán giảm điểm mạnh thì cổ phiếu EPC của Công ty cổ phần Cà Phê Ea Pốk (Cà Phê Ea Pốk, trụ sở tại huyện CưMgar, tỉnh Đắk Lắk; mã cổ phiếu EPC) mở cửa phiên giao dịch 3/10 tiếp tục tăng trần lên mức giá 41.600 đồng/cp. Như vậy, chỉ sau khoảng một tháng tăng trần liên tiếp, thị giá cổ phiếu này đã tăng hơn 383% so với mức 8.600 đồng/cp phiên 19/9.
Đáng chú ý, thanh khoản của cổ phiếu EPC trong những phiên tăng nóng chỉ đạt vài trăm đơn vị, thậm chí trước đó, EPC nhiều phiên có thanh khoản cực thấp.
Theo tìm hiểu, EPC tiền thân là doanh nghiệp Nhà nước – Công ty TNHH MTV Cà phê Ea Pốk. Được biết, công ty này chuyên trồng, chế biến và xuất khẩu cà phê. Công ty được thành lập từ năm 1976 với 100% vốn nhà nước, trên cơ sở trưng thu, tiếp quản các đồn điền của chế độ cũ.
Tại năm 2015, số liệu cho thấy công ty quản lý diện tích đất tự nhiên là 866,96 ha, trong đó diện tích đất trồng cà phê là 715,82 ha. Đến cuối năm 2021, diện tích đất cà phê còn 356,81 ha, được giao khoán đến từng hộ gia đình. Ngoài cà phê, Ea Pốk còn triển khai mô hình chăn nuôi bò từ năm 2003 đến nay, bên cạnh đó, công ty còn trồng ớt…
Trong giai đoạn 2015 – 2018, công ty ghi nhận doanh thu dưới mức 60 tỷ đồng mỗi năm, hầu hết đến từ việc sản xuất và bán cà phê. Lợi nhuận sau thuế thu về hằng năm chưa tới 3 tỷ đồng, nguyên nhân là giá vốn hàng bán lớn, chiếm trên 80% doanh thu thuần.
Từ ngày 19/11/2018, Công ty TNHH MTV Cà phê Ea Pốk được chuyển đổi thành công ty cổ phần và giao dịch trên UPCoM năm 2018 thì EPC liên tục thua lỗ hoặc chỉ có lãi tượng trưng.
Cụ thể, năm 2019 – 2020, tình hình sản xuất kinh doanh có cải thiện hơn khi doanh thu trên dưới mức 80 tỷ đồng nhờ vào giá bán cà phê có tăng nhẹ. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế cho thấy sa sút rõ rệt so với giai đoạn trước đó.
Hồi năm 2020, ông Huỳnh Trọng Phước, Phó Giám đốc EPC xác nhận trên báo chí rằng, chủ sở hữu của công ty là một cá nhân đã mua tới 64,98% cổ phần EPC, số còn lại là vốn Nhà nước sở hữu. Sau khi cổ phần hóa, hai năm đầu EPC kinh doanh thua lỗ.
Trong năm 2021, doanh thu của EPC sụt giảm mạnh về 24 tỷ đồng, giảm 70% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nguồn thu từ thu mua và sản xuất cà phê – chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu doanh thu năm ngoái với tổng cộng 17,8 tỷ đồng. Trong kỳ ghi nhận sự tăng lên của nhiều khoản chi phí như chi phí tài chính tăng 67% lên hơn 2 tỷ đồng, dẫn đến đơn vị lỗ sau thuế 19,2 tỷ đồng, trong khi kế hoạch đề ra trong năm trước là lỗ 3,9 tỷ đồng.
Do do kinh doanh dưới giá vốn và chịu thêm các chi phí lãi vay, chi phí hoạt động nên công ty lỗ hơn 19 tỷ đồng. Trong đó, cà phê lỗ hơn 8,4 tỷ đồng, chăn nuôi bò lỗ gần 350 triệu đồng, trồng ớt lỗ 5,1 tỷ và trồng rừng lỗ hơn 1,7 tỷ. Lỗ lũy kế của EPC đến cuối năm 2021 là hơn 27 tỷ đồng.
Xét theo quy mô nguồn vốn, trong 28 tỷ nợ phải trả thì nợ vay tài chính gần 26 tỷ đồng. Lỗ lũy kế khiến vốn chủ sở hữu của EPC chỉ còn trên 66 tỷ đồng tính đến cuối năm 2021, giảm 23% so với đầu năm.
Tính đến 31/12/2021, tổng tài sản của Cà phê Ea Pốk là 94,8 tỷ đồng, giảm hơn 16% so với đầu năm, chiếm chủ yếu là tài sản cố định hữu hình với 61,8 tỷ đồng. Trong khi đó, EPC có tổng nợ vay tài chính là 26 tỷ đồng, tăng 18,2% so với cùng kỳ, trong đó chủ yếu là nợ ngắn hạn (21,7 tỷ đồng). Tổng tài sản của EPC đã giảm 16 tỷ so với đầu năm về gần 95 tỷ đồng. Đáng lưu ý, lượng tiền mặt của công ty chưa tới 1 tỷ đồng.
Đáng chú ý, Báo cáo kiểm toán độc lập số 163/2022/BCKT-E.AFA do Công ty TNHH Kiểm toán, Thẩm định giá và Tư vấn Ecovis AFA Việt Nam được lập ngày 28/3/2022, đưa ra cơ sở của ý kiến kiểm toán ngoại trừ đối với một số khoản nợ phải thu quá hạn thanh toán công ty chưa trích lập dự phòng theo quy định hiện hành. Theo đó, số dự phòng phải thu trích lập thiếu so với quy định tính đến ngày 31/12/2021 hơn 3,5 tỷ đồng (trong đó số dự phòng trích lập thiếu từ năm 2020 về trước là hơn 3,5 tỷ đồng). Nếu phản ánh đúng khoản chi phí nêu trên thì trên bảng cân đối kế toán khoản mục "Dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi" sẽ tăng lên hơn 3,5 tỷ đồng và khoản mục "Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối" sẽ giảm đi hơn 3,5 tỷ đồng.
Bóng dáng đại gia phía sau EPC
Theo tìm hiểu, thành phần cổ đông của EPC gồm UBND tỉnh Đắk Lắk nắm 3 triệu cổ phần, chiếm tỷ lệ 32,2%; Chủ tịch HĐQT Ngô Văn Hùng (43,45%) và ông Nguyễn Văn Dương nắm giữ 21,5% cổ phần.
Cơ cấu ban lãnh đạo gồm có ông Ngô Văn Hùng (Chủ tịch HĐQT), ông Huỳnh Trọng Phước (Thành viên HĐQT/PGĐ), ông Nguyễn Văn Thuyết (Thành viên HĐQT), bà Trịnh Ngọc Nê (Giám đốc).
Sau khi ông Ngô Văn Hùng (Chủ tịch HĐQT EPC) lên nắm quyền, đã mua lại cổ phần từ các cổ đông cá nhân khác để nâng mức tỷ lệ nắm giữ lên hơn 43% cổ phần, vượt cả UBND tỉnh Đắk Lắk.
Tháng 11/2018, EPC chuyển đổi thành công ty cổ phần với vốn điều lệ giữ nguyên đến nay 93,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, cơ cấu cổ đông đã có sự thay đổi, trong đó UBND tỉnh Đắk Lắk vẫn nắm hơn 3 triệu cổ phần, chiếm tỷ lệ 32,19%, còn ông Ngô Văn Hùng (Chủ tịch HĐQT) đã tăng tỷ lệ sở hữu cá nhân từ gần 19% cổ phần tại cuối năm 2021 lên 43,45% cổ phần tại ngày 15/7 theo báo cáo quản trị bán niên 2022. Trong khi đó, ông Đồng Hải Anh, người từng nắm 24,49% cổ phần đã không còn góp mặt trong cổ đông lớn của EPC.
Được biết, ông Ngô Văn Hùng (sinh năm 1981) thường trú tại Hà Nội, là tiến sỹ kinh tế. Trước năm 2012, ông học tập và công tác tại Pháp. Năm 2012 – 2014, ông Hùng làm Giám đốc rồi đến Chủ tịch CTCP Le DelTa - một công ty có ngành nghề chính là bán buôn máy móc, thiết bị y tế và có trụ sở tại Dự án nhà ở cho cán bộ cao cấp ở quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Tháng 10/2016, ông Hùng ngồi ghế Chủ tịch Công ty Cổ phần Môi trường và Dịch vụ đô thị Vĩnh Yên rồi sau đó làm Chủ tịch Cà phê Ea Pốk từ tháng 5/2020 đến nay.
Theo tìm hiểu, trước đó, Cổ phiếu MVY (giao dịch sàn Upcom) của CTCP Môi trường và Dịch vụ đô thị Vĩnh Yên trần 8 phiên liên tiếp. Cụ thể, trong vòng 1 tháng (từ ngày 22/9 - 20/10/2020), mã MVY tăng từ 3.100 đồng lên 9.100 đồng, tương ứng mức tăng gần 300% thị giá.
Được biết, sau đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã thông báo về việc hủy tư cách công ty đại chúng của CTCP Môi trường và Dịch vụ Vĩnh Yên kể từ ngày 06/05/2021.
MVY từng có vốn điều lệ 59,7 tỷ đồng với cổ đông lớn là ông Ngô Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT nắm 36,9% vốn, cá nhân Nguyễn Văn Dương nắm 16,75% vốn và UBND tỉnh Vĩnh Phúc sở hữu 23,27% vốn.