Chuỗi bán lẻ đồ dùng gia đình Bed Bath & Beyond (BBBY) nổi tiếng của nước Mỹ vừa nộp đơn phá sản, chấm dứt chuỗi tăng giá phi lý của “cổ phiếu meme” mới nhất trên thị trường chứng khoán Mỹ.
Từ mức dưới 4 USD ở thời điểm tháng 4/2020, cổ phiếu của Bed Bath & Beyond từng có lúc vượt 50 USD trong tháng 1/2021. Tuy nhiên kể từ đó đến nay cổ phiếu này đã giảm giá 99%, hiện giao dịch ở mức gần 20 cent. Tương ứng, giá trị vốn hóa của BBBY cũng giảm từ hơn 4 tỷ USD vào đầu năm 2021 xuống còn chưa đến 100 triệu USD ở thời điểm hiện tại.
Vụ phá sản của BBBY thể hiện nhiều đặc trưng của thị trường chứng khoán và nền kinh tế Mỹ hiện nay: sự bùng nổ và vụn vỡ của các cổ phiếu meme, lãi suất tăng vọt từ gần 0 lên 5% và sự thay đổi trong tâm lý của người tiêu dùng trong bối cảnh chính phủ Mỹ từ chỗ bơm tiền mạnh mẽ để kích thích kinh tế trong đại dịch sang chuẩn bị sẵn sàng cho 1 cuộc suy thoái.
Một số người đã thắng lớn khi đặt cược vào cổ phiếu BBBY đúng thời điểm, trong khi một bộ phận khác lại phải chịu thiệt hại nặng nề.
Các nhà đầu tư rút lui đúng lúc
Ryan Cohen, Chủ tịch GameStop (cổ phiếu nổi tiếng nhất trong làn sóng cổ phiếu meme) đã đầu tư vào cổ phiếu BBBY trong quý I/2022, khi giá ở mức 13 – 17 USD/cổ. Khi giá tăng lên 30 USD vào tháng 8, ông đã bán ra các cổ phiếu và cả các hợp đồng quyền chọn, thu về khoản lãi 68 triệu USD chỉ trong 8 tháng.
Tháng 7 năm ngoái, Jake Freeman, 1 sinh viên đại học, tiết lộ đã chi khoảng 25 triệu USD mua cổ phần của BBBY. Tuy nhiên ngay 1 tháng sau đó, quỹ Freeman Capital Management của chàng trai trẻ tuổi đã bán ra toàn bộ và lãi khoảng 110 triệu USD.
Michael Burry, nhà đầu tư nổi tiếng là hình mẫu cho bộ phim “The Big Short”, cũng đã lãi lớn nhờ đầu tư vào cổ phiếu BBBY và rút ra ngay trước khi công ty sụp đổ. Scion Asset Management của Burry đã mua cổ phiếu BBBY từ cuối quý III/2019 và quý II/2020, trước khi cơn sốt cổ phiếu meme dâng lên ở phố Wall trong tháng 1/2021.
Những nhà bán khống
Theo số liệu từ S3 Partners, các nhà đầu tư đặt cược chống lại BBBY đã đút túi tổng cộng 1,3 tỷ USD kể từ khi cổ phiếu này đạt đỉnh vào tháng 1/2021.
Trong 12 tháng qua, các nhà bán khống thu được lợi nhuận hạch toán theo giá trị thị trường (mark-to-market profit) đạt 142 triệu USD.
Khách hàng
BBBY dự định các cửa hàng 360 Bed Bath & Beyond và 120 cửa hàng buybuyBaby vẫn mở cửa bình thường trong lúc công ty bắt đầu thanh lý tài sản để trả nợ cho các chủ nợ. Chắc chắn sẽ có nhiều chương trình khuyến mãi lớn áp dụng với nhiều loại sản phẩm, mang đến những món hời lớn cho khách hàng.
Tuy nhiên về dài hạn họ sẽ phải chịu thiệt.
Các nhà đầu tư nhỏ lẻ
Những nhà đầu tư chưa kịp “thoát hàng” và vẫn đang nắm giữ cổ phiếu BBBY sẽ lỗ lớn khi mà cổ phiếu này đã giảm hơn 99% so với thời điểm tháng 1/2021.
Theo số liệu của Vanda Research, các nhà đầu tư nhỏ lẻ đã lỗ tổng cộng gần 140 triệu USD kể từ đầu năm đến nay, sau khi rót vào đây hơn 730 triệu USD trong 2 năm qua.
Nếu như cổ phiếu BBBY bị hủy niêm yết như dự báo, nhiều khả năng các cổ đông sẽ không thể nhận về đầy đủ giá trị của số cổ phần mà họ đang nắm giữ. Trong các vụ phá sản doanh nghiệp, cổ đông chỉ được trả lại tiền sau khi các chủ nợ và nhà đầu tư trái phiếu được chi trả.
Các nhân viên của BBBY, nhà cung ứng và chủ nợ
BBBY đang nộp đơn xin phá sản để có thể tiếp tục trả lương cho nhân viên và thanh toán cho các nhà cung ứng, cũng như tiếp cận gói tín dụng 240 triệu USD để chi trả các chi phí vận hành.
Kể cả khi quá trình phá sản diễn ra trơn tru, rõ ràng các nhân viên, nhà cung ứng và chủ nợ của BBBY sẽ không thể tránh khỏi lo lắng về những ảnh hưởng. Trong quá trình tái cấu trúc sắp tới sẽ là cắt giảm nhân sự, hủy hợp đồng thu mua, xin gia hạn nợ.